Ca Covid-19 thứ 35: Hai lần đến Bệnh viện vẫn không được thu dung

(PLVN) - Sau khi có các biểu hiện ho khan, mệt mỏi, sốt nhẹ, chị N.T.T.N. (29 tuổi, ngụ phường Bình Thuận, quận Hải Châu, Đà Nẵng), đã đến 2 bệnh viện khác nhau tại Đà Nẵng để thăm khám nhưng các bác sĩ chỉ cấp thuốc rồi cho chị về nhà. Bệnh nhân N. chỉ được nhập viện, cách ly sau 1,5 ngày có biểu hiện mắc Covid-19 và được xác định ca dương tính thứ 35.  
Camera ghi lại quá trình tiếp xúc của bệnh nhân thứ 35 với 2 bệnh nhân người Anh

F1 nghi nghờ, 2 lần đi viện vẫn được cho về

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP. Đà Nẵng, khi khai báo về tiền sử dịch tễ, chị N. cho biết, chị làm vị trí nhân viên bán hàng tại siêu thị Điện máy xanh tại Đà Nẵng (đường Nguyễn Văn Linh, quận Hải Châu). Khoảng 18 - 19 giờ ngày 4/3, chị có tiếp xúc trực tiếp với 2 bệnh nhân người Anh (xác định ca dương tính Covid-19 thứ 22,23) tại siêu thị Điện máy xanh đến mua sim điện thoại trong thời gian khoảng 10 phút. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục làm việc tại đây đến 22 giờ cùng ngày rồi về nhà chồng (phường Bình Thuận, quận Hải Châu).

Vào các buổi sáng từ ngày 5 đến 7/3, bệnh nhân lên nhà bố mẹ ruột (phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) gửi con gái để đi làm. Ngày 5/3, bệnh nhân làm việc tại siêu thị Điện máy Xanh từ 7 giờ sáng đến 12 giờ 30; lúc 13 giờ, bệnh nhân có dự 1 cuộc họp tại Trung tâm Thế giới di động (325 Điện Biên Phủ, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) với khoảng 40 người, sau đó về nhà mẹ ruột khoảng 15-20 phút rồi về nhà chồng.

 Lịch sử đi lại của Bệnh nhân thứ 35.

Sáng ngày 6/3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho khan, nghỉ tại nhà chồng từ sáng tới 15 giờ chiều, sau đó đi làm tại siêu thị Điện máy Xanh đến 22 giờ, về lại nhà chồng và không đi đâu. Ngày 7/3, bệnh nhân làm việc tại siêu thị Điện máy Xanh từ 7 giờ sáng đến 15 giờ, sau đó về nhà mẹ ruột 15-20 phút, rồi về nhà chồng.

Lúc 18 giờ 30 ngày 7/3, bệnh nhân N. đi siêu thị Danavi Mart (tại đường Lê Đình Lý) cùng với em chồng. Khuya cùng ngày, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, sốt nhẹ.

Ngày 8/3, bệnh nhân sốt cao hơn nên không đi làm và nghỉ ngơi tại nhà chồng, lúc 14 giờ chiều bệnh nhân được người nhà chở đi khám tại Bệnh viện Đà Nẵng và được chẩn đoán: Viêm phế quản cấp, được cấp thuốc và điều trị ngoại trú.

Sáng ngày 9/3, bệnh nhân tiếp nhận thông tin trên mạng về 2 trường hợp người Anh và đối chiếu với hình ảnh từ camera tại siêu thị Điện máy xanh, vào lúc 16 giờ bệnh nhân tự đi xe máy một mình đến Bệnh viện Phổi và được khuyến cáo tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Đến 17 giờ cùng ngày, bệnh nhân vào siêu thị Vinmart (số 408 Hoàng Diệu).

 2 lần đi viện với dấu hiệu nghi ngờ nhưng Bệnh viện cho về

Lúc 18 giờ, bệnh nhân về đến nhà, được Trung tâm Y tế quận Hải Châu thăm khám tại nhà và khuyến cáo đến cơ sở y tế để thực hiện cách ly. Bệnh nhân tự đến lại Bệnh viện Phổi lúc 21 giờ cùng ngày và được thu dung, cách ly, điều trị. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Khu cách ly, khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị.

Dư luận bất bình vì thời cơ vàng kiểm soát bệnh “tuột” mất!

Với việc Bệnh viện Phổi khuyến nghị N. về nhà tự theo dõi, trong khi bệnh nhân có nhiều triệu chứng nghi ngờ và đã xem camera tiếp xúc với 2 du khách Anh, được xác định F1, khiến dư luận bất bình. 

Anh Bùi Đức Chung, một người chuyên theo dõi tính hình dịch bệnh tại địa phương bày tỏ “Tình hình dịch đang “nước sôi lửa bỏng” thế này, trong khi rà soát F1 còn chưa hết, vậy mà một trường hợp F1 nguy cơ rất cao trở thành F0 như thế cứ vẫn tuân thủ quy định, có phần hơi mất an toàn. Vì nếu cô ấy thành F0 như hiện giờ, sẽ kéo theo hàng loạt F1, F2, F3 được nâng cấp khác. Chẳng phải Đà Nẵng đã từng “vượt rào” cách ly 80 người, trong đó có 20 bạn Hàn Quốc ngay cả khi chưa có quy định của trên đó sao?”

 Nơi tiếp nhận và điều trị và cách ly tại Bệnh viện Đà Nẵng

Trả lời vấn đề này, đại diện Sở Thông tin truyền thông TP. Đà Nẵng truyền đạt thông tin từ Sở Y tế thành phố cho rằng, về việc BV Phổi khuyến cáo cho về nhà theo dõi như trường hợp như chị N. được hướng dẫn của Bộ Y tế (QĐ345 ngày 7/2/2020) và các địa phương phải làm theo.

Đến cuối ngày 9/3, khi BCĐ quốc gia Phòng chống Covid-19 quyết định nâng việc phòng chống dịch cao lên 1 mức, nghĩa là cách ly tại cơ sở y tế đối với những trường hợp này (CV1126-CV/BCĐ),  Đà Nẵng và các địa phương mới có thể làm được.

Ngày 10/3, các Trung tâm Y tế quận huyện được huy động, gấp rút chuẩn bị để tiếp nhận, thu dung những trường hợp tiếp xúc gần như chị N. Từ chiều hôm qua, 10/3 đến ngày 11/3, tiếp nhận tất cả những người tiếp xúc gần với 2 du khách người Anh (khoảng 100 người) vào để cách ly, theo dõi.

Tuy nhiên, theo anh Chung, thông tin về Công văn 1126 của BCĐ Covid-19 có trước thời điểm bệnh nhân N. đi khám ở BV Phổi. Như vậy, lúc này bệnh nhân thứ 35 đã xác định F1 và đã có triệu chứng của bệnh, điều này khiến mọi người bức xúc.

Nên chăng, cần tìm cách để các thông tin chỉ đạo đến nhanh hơn nữa nơi cần đến. Ngoài ra, bệnh nhân thứ 35 cũng đã đi khám ngày 8/3. Thiết nghĩ, có lẽ các cơ sở y tế cũng cần dành sự quan tâm đặc biệt hơn đến các ca có triệu chứng nghi ngờ Covid-19, hỏi cặn kẽ hơn về tên tuổi, số điện thoại, lịch trình đi lại tiếp xúc và tư vấn phòng ngừa cách ly, cập nhật vào danh sách theo dõi theo các nhóm mức độ dịch tễ khác nhau, để phòng khi có thông tin diễn biến mới, mình có thể chủ động phản ứng kịp thời hơn.

Không chỉ vậy, nhiều người có chuyên môn tại Đà Nẵng  nêu ý kiến, chính việc không thu dung, cách ly các ca F1,F2 có dấu hiệu rất rõ ràng khiến “giai đoạn vàng” kiểm soát bệnh lây lan chéo của Đà Nẵng đã bị “tuột” mất.  

Đọc thêm