Ca khúc nhà báo Quốc Cường sáng tác lời được Bộ VHTT&DL trao chứng nhận 'Giải nhất'

Ngày 7/1, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải bình cuộc bình chọn các sản phẩm ghi âm, ghi hình về nghệ thuật biểu diễn tuyên truyền phòng, chống COVID-19.
MV “Hà Nội – Khúc đồng dao chống dịch” của Nhà hát Tuổi trẻ được trao giải Nhất.

Theo Ban tổ chức (BTC), qua hình thức bình chọn trực tuyến, tương tác của khán giả đánh giá cùng sự thẩm định của Hội đồng nghệ thuật, BTC đã trao giải cho 14 bản ghi hình ca múa nhạc (gồm 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba, 6 giải Khuyến khích) và 9 chương trình nghệ thuật (gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 4 giải Khuyến khích).

Cụ thể, 2 giải Nhất bản ghi hình ca múa nhạc thuộc về “Bài ca chiến thắng” (tốp ca Công an tỉnh Cà Mau) và “Hà Nội - Khúc đồng dao chống dịch” sáng tác lời: nhà báo Quốc Cường (Tổng Thư ký tòa soạn Pháp luật Plus, Báo Pháp luật Việt Nam). Phối nhạc & lời: nhạc sĩ Cường Trần (Phòng Nghệ thuật, Nhà hát Tuổi trẻ), thể hiện ca khúc: tập thể nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ - đại diện ca sĩ Ưng Anh Tuấn; giải Nhất chương trình nghệ thuật thuộc về vở kịch rối “Quê em chống dịch” (Nhà hát Múa rối Thăng Long).

Trao giải Nhất cho các sản phẩm xuất sắc.

Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho tác phẩm MV "Hà Nội - Khúc đồng dao chống dịch" - sáng tác Nhà báo Phạm Quốc Cường, Tổng thư ký tòa soạn Pháp luật Plus - Báo Pháp luật Việt Nam; phối nhạc - Nhạc sĩ Cường Trần.

Ca khúc trong MV "Hà Nội - Khúc đồng dao chống dịch" là do Nhà báo Phạm Quốc Cường, Tổng thư ký tòa soạn Pháp luật Plus - Báo Pháp luật Việt Nam; phối nhạc - Nhạc sĩ Cường Trần sáng tác lời trong thời điểm cả thủ đô đang thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nêu cao tinh thần chiến đấu, lạc quan vượt qua đại dịch của người dân cả nước Việt Nam nói chung và nhân dân Thủ đô nói riêng.

Nhà báo Phạm Quốc Cường.

Nhà báo Phạm Quốc Cường cho biết: “Đây là một món quà lớn đối với tôi trong năm 2021, tôi cảm thấy thật vinh dự và xúc động, khi những lời ca tiếng hát của mình đã góp phần khơi dậy tinh thần yêu quê hương đất nước, góp phần dựng xây khối đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau chống dịch COVID-19…”.

"Tôi viết tác phẩm trong khoảng thời gian cuối tháng 7 năm 2021, trong thời điểm cả Thủ đô đang thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Hà Nội đang thực hiện theo quyết định của Chủ tịch UBND thành phố về giãn cách xã hội: "ai ở đâu ở đấy", "gia đình với gia đình", "phố với phố" "phường với phường"... vì tình hình bệnh dịch COVID-19 ở thời điểm hiện tại đang diễn biến khôn lường và phức tạp” - Nhà báo Phạm Quốc Cường nói.

Bằng cảm quan của mình, nhà báo Quốc Cường đã nhìn thấy và thoảng sau sự lo lắng bất chợt đó, rất nhanh chóng, tác giả đã trấn tâm cảm nhận được những hình ảnh cuộc sống đời thường của người dân thủ đô kiên cường chống "giặc dịch"; với câu chữ hùng hồn, tự tin và đồng lòng với nhân dân cả nước cũng như người dân thủ đô đoàn kết, đồng lòng chống đại dịch.

Trước đó, để kịp thời chung tay góp sức, tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19, từ ngày 5/10 đến 5/11, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã tổ chức cuộc bình chọn các sản phẩm bản ghi âm, ghi hình về nghệ thuật biểu diễn tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

Chỉ trong một thời gian, BTC đã nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của 9 đơn vị (nhóm) nghệ thuật và gần 100 cá nhân là các nghệ sĩ thuộc các Đoàn nghệ thuật, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa của gần 30 tỉnh thành, địa phương.

Theo BTC đây cũng là hoạt động hướng tới “Kết nối yêu thương, vượt qua đại dịch” trên Internet, các trang mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm lan toả, kết nối tình cảm của các nghệ sĩ cùng chung tay vượt qua đại dịch.