Sắc màu thổ cẩm của người H’rê ở Quảng Ngãi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giá trị văn hóa truyền thống nghề dệt thổ cẩm của người H’rê ở làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) thể hiện trên từng sản phẩm gắn liền với trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh xảo của người thợ dệt được lưu truyền từ lâu đời, bảo tồn và phát triển cho đến ngày nay.
 Cụ bà người H’rê ở làng Teng dệt thổ cẩm.
Cụ bà người H’rê ở làng Teng dệt thổ cẩm.

Nằm phía dưới chân đèo Lâm, bên dòng sông Liêng hiền hòa, làng Teng có hơn 200 hộ, hầu hết là người H’rê. Phụ nữ H’rê giữ vai trò quan trọng trong quán xuyến việc nhà và giữ gìn nghề truyền thống của dòng họ. Trẻ em gái làng Teng khi vừa hiểu biết thì ngày ngày đã thấy hình ảnh của mẹ và bà bên khung cửi. Lên năm, lên bảy, các em gái đã làm quen với khung cửi như một mặc định.

Và cứ thế, từ đời này sang đời khác, nghề dệt thổ cẩm trở thành nghề truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng của làng Teng. Điều đặc biệt, đây là ngôi làng duy nhất của người H’rê ở tỉnh Quảng Ngãi biết dệt thổ cẩm và cũng là nơi cung cấp trang phục bằng thổ cẩm cho phần lớn đồng bào dân tộc vùng cao tỉnh này.

Trước đây, người H’rê dệt thổ cẩm bằng sợi kéo từ bông vải hái trên sườn đồi và dọc ven suối. Tuy nhiên, khoảng chục năm trở lại đây, cây bông ngày càng hạn chế, những thợ dệt làng Teng lấy chỉ sợi nhiều màu sắc để dệt. Dù dệt sợi công nghiệp và theo xu hướng phát triển của thị trường nhưng người H’rê vẫn giữ nguyên bản sắc dệt truyền thống của đồng bào mình.

Để dệt nên một tấm thổ cẩm, việc dùng nguyên liệu, tạo màu, công đoạn làm khung dệt đòi hỏi rất công phu. Đặc biệt, công đoạn khó nhất là kỹ thuật dệt. Trước tiên, người dệt phải tạo thế cân bằng rồi kéo thẳng chỉ để dệt. Sau đó, thợ dệt phải cân các hoa văn, họa tiết trên tấm thổ cẩm sao cho hài hòa và đẹp mắt. Do đó, muốn trở thành một thợ thành thạo nghề dệt thổ cẩm không phải ai cũng làm được, hơn nữa để phát huy các mẫu hoa văn đẹp và phong phú lại càng khó.

Những tấm thổ cẩm dệt tay ở làng Teng như kết nối giữa các thế hệ với nhau.
Những tấm thổ cẩm dệt tay ở làng Teng như kết nối giữa các thế hệ với nhau.

Các hoa văn, họa tiết trên tấm thổ cẩm của người H’rê chủ yếu theo mô típ hình học được liên kết thành ô nối tiếp nhau. Hoa văn có đường thẳng, đường lượn sóng tạo nên hình dáng cách điệu là con sông, con suối; hoa văn có hình giống các loại vật trong thiên nhiên như: mỏ gà, mũi tên, tổ ong, da rắn, da trăn, lá cây. Từ những tấm thổ cẩm này, người thợ đã tạo nên những sản phẩm như: váy, áo, khố, khăn, đai địu con...

Nét độc đáo của thổ cẩm làng Teng không chỉ là sự tinh xảo qua bàn tay tài hoa của người thợ mà người H’rê còn ký thác vào đó rất nhiều ẩn ý của dân tộc mình. Họ quan niệm về âm - dương đối lập qua hai màu đen và đỏ, điều hiếm gặp trong các loại thổ cẩm Tây Nguyên. Màu đen trên tấm thổ cẩm làng Teng tượng trưng cho nước và đất, là âm tính, nữ tính; còn màu đỏ là thế giới vô hình, tượng trưng cho thần linh, là dương tính, thuộc về nam giới.

Thời gian gần đây, mô hình phát triển du lịch cộng đồng Ba Tơ được tổ chức với nhiều hoạt động, trong đó có trình diễn các công đoạn dệt thổ cẩm. Điều này khiến giới trẻ rất thích thú và càng đam mê với nghề dệt. Và để đưa sản phẩm thổ cẩm gần gũi hơn với đời thường, các cô gái trẻ ở làng Teng đã sáng tạo, thiết kế các sản phẩm cách tân dễ sử dụng như: áo dài, trang phục công sở, khăn quàng, túi xách…

Năm 2019, nghề dệt thổ cẩm của người H’rê ở làng Teng đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Người dân nơi đây rất tự hào về nghề truyền thống của cha ông được gìn giữ, phát triển và được ghi nhận. Giữa cuộc sống hiện đại, đời sống của người H’rê dần thay đổi. Thế nhưng, những tấm thổ cẩm dệt tay vẫn hiện diện như kết nối giữa các thế hệ với nhau và là sợi chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Đọc thêm