Cả làng hoang mang sợ “dấu hiệu thủy quái” trên sông

(PLO) - Một cột nước đột nhiên xuất hiện trên mặt sông, sau đó di chuyển liên tục ở các vị trí khác nhau. Dư luận đồn đại rằng hiện tượng trên là do “thủy quái” gây nên, khiến người dân trong khu vực không dám “bén mảng” xuống sông vì sợ thủy quái tấn công.
Khúc sông thường xuyên nổi những cột nước và bọt khí
Khúc sông thường xuyên nổi những cột nước và bọt khí
Tắc đường vì xem bọt khí nổi trên sông
Mọi chuyện bắt đầu vào sáng ngày 21/10/2013, khi một đôi vợ chồng làm nghề đánh cá trong lúc chèo ghe trên sông Hương Phong, ngang qua khu vực cầu Vân Quật Thượng, thuộc làng Vân Quật Thượng (xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) thì phát hiện mặt sông phía sau ghe có hiện tượng lạ. 
Những cột nước cao chừng 20cm liên tục phun trào lên mặt sông, mang theo cả bùn đất và rêu rác. Từ cột nước lạ, những bọt nước như bong bóng tỏa ra khắp mặt sông rộng đến hàng chục mét. Điều đáng ngạc nhiên là những bọt nước này rất lâu tan, phải trên 30 phút mới tan hết. Khúc sông ở đoạn cầu Vân Quật Thượng vì thế cũng đen ngòm bùn đất do những cột nước lạ gây nên.
Theo những người sinh sống hai bên bờ sông, nơi có hiện tượng trên xuất hiện cho biết, vào tầm sáng sớm hoặc vào lúc trời trở chiều, không khí mát mẻ thì những cột nước thường xuất hiện. Thời gian hiện tượng lạ xuất hiện không theo một chu kỳ giờ giấc cố định, và vị trí trên đoạn sông cũng xê dịch bất thường.
Ngay khi có thông tin về hiện tượng lạ xuất hiện ở đoạn sông trên, thậm chí nhiều người dân ở các làng xã khác cũng tụ tập về khu vực cầu Vân Quật Thượng để được tận mắt chứng kiến. Đoạn đường làng nhỏ hẹp ven sông vì vậy ken cứng người, gây ùn tắc giao thông và mất an ninh trật tự khiến chính quyền địa phương phải vào cuộc, điều động công an xuống giải tán đám đông hiếu kỳ. 
Ông Nguyễn Đức Minh, Phó trưởng công an xã Hương Phong cho biết vào ngày 23 - 24/10, lượng người hiếu kỳ kéo về rất đông, lại đúng thời điểm học sinh tan học cũng đứng lại xem, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, công an địa phương mới phải vào cuộc để giải tán.
Nhiều ngày trôi qua, một số người hiếu kỳ vẫn còn kéo về đây để được thấy hiện tượng bất thường. Có những chiều trời mưa tầm tã, nhưng người ta vẫn kiên nhẫn mặc áo mưa, kiên trì đứng đợi bên sông để được “mục sở thị”. 
Con rùa khổng lồ “tái xuất giang hồ”?
Theo những người già ở làng, cách đây chừng 50 năm, ở đoạn sông trên từng xuất hiện một con rùa khổng lồ. Hồi đó, khi con rùa nổi lên giữa mặt sông, một số người cho rằng phần lưng “to bằng cái nia”.
Sau lần nổi lên gây “tiếng vang” trong vùng, từ đó đến nay con rùa lặn mất tăm, chẳng thấy nổi lên lại lần nào. Nay những cột nước trên sông xuất hiện, các cao niên trong làng nghi ngờ có lẽ con rùa ngày xưa lại “tái xuất”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác khẳng định là do một loại cá lạ gây ra. Bà Trần Thị Luyện, một người sống ngay bên bờ sông cho rằng, mình đã tận mắt nhìn thấy “vật thể lạ dưới sông với chiếc lưng dài y như của một loài cá”. Bà Luyện cho rằng còn có nhiều người khác cũng đã nhìn thấy, tuy nhiên là cá gì thì vẫn chưa ai trả lời được, hay là cá sấu?
Vị Phó công an xã lý giải “chuyện lạ” do hiện tượng yếm khí metan gây ra
 Vị Phó công an xã lý giải “chuyện lạ” do hiện tượng
yếm khí metan gây ra
Từ khi có hiện tượng lạ xuất hiện trên sông, nhiều người dân trong vùng vẫn có thói quen sử dụng nước sông “cạch” hẳn. Chẳng ai dám xuống sông tắm rửa. 
Một người dân cho biết, hệ thống nước máy đã về làng cách nay chừng mười năm. Tuy nhiên để tiết kiệm nước sinh hoạt, người dân trong vùng vẫn thường xuống sông tắm gội hoặc giặt giũ, trẻ con thì có thói quen xuống sông tắm táp để thỏa sức bơi lội. 
Nhưng từ ngày xuất hiện hiện tượng lạ, không những trẻ con mà ngay cả người lớn cũng không dám bén mảng xuống sông. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, hiện tượng trên không có gì lạ. 
Bí thư xã đoàn Hương Phong – anh Phan Tứ Hải cho biết, người dân trong vùng có thói quen thải rác sinh hoạt xuống dòng sông, bên cạnh đó con sông này bèo lục bình chằng chịt. Quá trình dài, rác thải nằm sâu dưới lòng sông phân hủy gây yếm khí nên những bọt khí metan nổi lên. 
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Minh – Phó trưởng Công an xã Hương Phong cho biết, cạnh khúc sông ở cầu Vân Quật Thượng có một nhà máy xay xát. Ông Minh “nghi ngờ” nhà máy xay xát này nhiều năm nay thải vỏ trấu xuống sông bằng cách cho trấu vào bao tải rồi thả chìm xuống sông. 
Theo thời gian, loại rác thải này phân hủy sẽ tạo ra một loại khí nằm sâu dưới lòng sông. Quá trình bào mòn của dòng chảy cộng với việc tàu bè di chuyển trên sông gây ra chấn động nên khí này sẽ thoát lên mặt nước. 
Ông Minh khẳng định “chỉ cần chống thuyền ra giữa sông nơi khu vực xảy ra hiện tượng lạ, khi rút cây sào lên, hiện tượng trên sẽ xuất hiện”. 
Ông Minh cũng nói thêm: “Khác với những suy luận vô căn cứ của một số người mê tín dị đoan, suy luận của chúng tôi là có cơ sở vì vậy chính quyền địa phương cũng không cần phải báo cáo lên cấp trên. Chuyện này chỉ là do sự hiếu kỳ, mê tín dị đoan của một số người đồn thổi lên làm cho vấn đề trở nên trầm trọng”.
Tuy nhiên, một số người địa phương đều không thỏa mãn với những giải thích của chính quyền địa phương. Họ “cãi lý” rằng chính quyền địa phương cũng “suy luận” chứ không hề có nghiên cứu hay bất cứ một bằng chứng khoa học nào để xác minh sự việc. 
“Cần phải có nhà nghiên cứu về nghiên cứu những bọt bong bóng nổi lên ở các cột nước, xem có phải là loại khí metan bị yếm trong lòng đất nên sinh ra hiện tượng trên hay không? Hoặc trong bóng bóng nước đó có mang theo các hợp chất liên quan đến sinh vật lạ hay không? Thì sẽ trả lời được những thắc mắc của người dân một cách xác thực nhất”, một người dân đề xuất ý kiến. 
“Chính quyền địa phương cũng mới chỉ giải thích sự việc bằng “lý thuyết suông”, như thế thì không đủ sức thuyết phục được”, một người dân khác nói.
Để tránh việc người dân hoang mang, kéo theo những tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong khu vực, làm xáo trộn đời sống của người dân, các cơ quan chức năng nên chăng cần có những nghiên cứu để đưa ra lời giải thích cụ thể về mặt khoa học để người dân yên tâm, thỏa mãn, trả lại cuộc sống yên bình của vùng quê.

Đọc thêm