Kỳ lạ phiến đá hình sản phụ “lâm bồn” ở đền cầu tự

(PLO) - Ngoài việc cúng cầu may mắn, tài lộc, rất nhiều người tìm tới đền Sinh - đền Hóa (xã Lê Lợi, Hải Dương) để cầu con. Không biết từ bao giờ, cụm di tích này được mệnh danh là ngôi đền “Cầu tự”. Đặc biệt, ở đó có một phiến đá tự nhiên rất độc đáo, có một không hai của Việt Nam: Phiến đá mang tư thế một người mẹ lúc lâm bồn.
 Phiến đá độc đáo Thạch Mẫu lâm bồn ở sau tấm vải này
Phiến đá độc đáo Thạch Mẫu lâm bồn ở sau tấm vải này

Ngôi đền chỉ chấp nhận du khách nữ

Ngôi đền tọa lạc trên sườn núi Ngũ Nhạc kỳ vĩ thuộc xã Lê Lợi, Hải Dương. Người dân ở đây cho hay, ngoài việc cúng cầu may mắn, tài lộc, rất nhiều người tìm về đây để cầu xin được mụn con hay đưa con đến lễ tạ và xin cho gia đình sức khỏe dồi dào.
Ông Vũ Đình Huy, Trưởng ban Quản lý Đền gợi mở: “Sở dĩ, ngôi Đền này được nhiều người biết tới bởi có một phiến đá tự nhiên rất độc đáo, có một không hai của Việt Nam. Đó là phiến đá mang hình tư thế một người mẹ đang lâm bồn”.
Dẫn khách vào hậu cung của Đền, ông Huy nhấn mạnh: “Đây là chốn linh thiêng, theo truyền thuyết là nơi Thạch Mẫu sinh Đức Thánh Phi Bồng nên không phải ai cũng được vào trong này để chiêm bái. Và cũng chỉ có khách nữ mới được vào”.
Nếu như các phiến đá ở những nơi khác có thể chụp hình, nhưng Thạch Mẫu thì không. Ông Huy lý giải: “Phụ nữ vốn e thẹn, kín đáo, có ai muốn người khác thấy mình lúc sinh hạ đâu. Thế nên, chụp ảnh Thạch Mẫu là một điều cấm kỵ ở đây. Ngay cả Ban quản lý chúng tôi cũng không hề có bức ảnh nào của Thạch Mẫu”.
Sau lớp rèm cửa màu vàng lấp lánh kim sa, phiến đá hiện ra dưới ánh đèn mầu hồng hư ảo. Phiến đá ấy cao chừng 3m, rộng khoảng 5m, ngự tại hậu cung 3 gian rộng lớn.
Có thể hình dung khối đá tròn nằm ở vị trí trên cùng là phần đầu, khối đá phía dưới là bầu ngực. Tiếp xuống, có hai khối đá lớn, dài hai bên là đùi, ở giữa có hai khối đá nhỏ tượng trưng "cửa bát nhã" và bào thai đang chào đời.
Hai khối đá mé ngoài cùng là bàn chân. Toàn bộ khối đá có hình người phụ nữ đang trong tư thế sinh nở. Vì là chuyện rất tế nhị, phiến đá được những người trông Đền khéo léo che đậy bằng làn voan mỏng màu đỏ tươi.
Theo thần tích ghi lại, tại đầu khu đất nay là khu vực đền, có một hòn đá vuông như chiếc chiếu lớn. Nơi đây địa thế sơn thủy hữu tình, linh chung tú khí.
Vào giờ Dần ngày 8/5/542, khi mặt trời gác núi, trẻ chăn trâu bỗng nghe thấy có tiếng trẻ nhỏ khóc ở phiến đá. Chạy lại, đám trẻ trâu nhìn thấy một hài nhi dáng vẻ khôi ngô, nằm trên chỗ lõm của khối đá, khóc vang như tiếng chuông.
Đám trẻ bèn lấy tay làm kiệu, lấy nón làm lọng, lấy khăn làm cờ, bế bồng đón hài nhi về. Bỗng nhiên gió mưa sấm chớp đùng đùng, cát bay đá cuộn khắp nơi. Hài nhi bay thẳng lên trời, chỉ nghe trên không trung có tiếng vọng lại: “Ta là Phi Bồng Hạo Thiên Đại Tướng quân giáng hạ”.
Mọi người tụ họp ở đó thấy hòn đã bị mài mòn khoảng hơn một thước, rất lấy làm kinh ngạc, liền lập miếu phụng thờ..
Đến triều Trần, vì có công giúp phù trợ đánh giắc, tướng quân Phi Bồng Hạo Thiên được nhà vua sắc phong là Thượng đẳng thần. Đền Sinh được lập ngay tại nơi Đức Thánh Mẫu Thạch Bàn hạ sinh con.
Đền Hóa lập ở vị trí Đức Thánh Phi Bồng hóa về trời. Hai ngôi đền cách nhau chừng 800m, gắn liền trong một không gian văn hóa tâm linh. Theo người dân địa phương, người xưa truyền lại rằng hai ngôi đền thường có anh linh hiển ứng, bảo hộ cho dân làng.
Niềm tin của những gia đình hiếm muộn
Phiến đá hình người mẹ sinh con càng được người dân tôn kính khi gắn với tục xin cầu tự. Cũng theo thần tích, vào thế kỷ thứ 6, có cặp vợ chồng ở trang Phấn Lôi (xã Thắng Cương, Yên Dũng, Bắc Giang ngày nay) đã ngoài 50 tuổi mà chưa sinh mụn con.
Cụ Được cho biết đã viết sớ cầu tự cho rất nhiều người
 Cụ Được cho biết đã viết sớ cầu tự cho rất nhiều người
Một đêm, ông bà được báo mộng muốn có con phải đến đền Sinh mà cầu. Hai vợ chồng liền sắm lễ vật sang miếu. Sau khi làm lễ, bước ra đến cửa, thấy một dấu chân trên đất, người vợ bèn ướm thử. Vết chân vừa như in, kỳ lạ thay, người vợ vừa ướm xong thì vết chân cũng biến mất.
Sau đó về nhà, bà có mang rồi hạ sinh một cậu con trai đặt tên là Phúc Uy, mặt mũi khôi ngô. Năm 15, 16 tuổi, cậu bé đã nổi tiếng văn võ song toàn.
Năm 19 tuổi, vào thời vua Lý Nam Đế, Phúc Uy cầm quân đánh thắng giặc Lương, được phong làm trấn thủ xứ Hải Dương. Về sau, quân giặc lại kéo sang, ông tử trận ở Việt Yên, Bắc Giang, được lập đến thờ ở đó. Từ khi có tích này, những cặp vợ chồng hiếm muộn thường tìm về đền Sinh, mong học theo cổ nhân để cầu một mụn con.
Cụ Phạm Văn Được (78 tuổi) đã có hàng chục năm viết sớ cầu tự ở cổng đền, cho biết: “Gần 20 năm qua, tôi đã viết đến gần hai nghìn tờ sớ cầu tự cho khách thập phương. Theo ghi chép của tôi, có tới 60% khách thập phương được như ý”.
Như để chứng minh, cụ khoe cho khách xem cuốn sổ dày, ghi chép tỉ mỉ tiểu sử của những người cầu tự. Trong đó có cả số lượng người đến xin và đến làm lễ tạ. Theo ghi chép trong cuốn sổ, đã có khoảng hơn một nghìn người được hưởng niềm hạnh phúc làm cha, làm mẹ, sau khi đến lễ đền.
Có những trường hợp, cụ Được rất nhớ. Như cặp vợ chồng ở Ý Yên, Nam Định, lấy nhau 5 năm không có con. Người chồng là con trưởng trong dòng tộc lớn nên đây là chuyện “tày đình”. Hai vợ chồng chữa chạy khắp nơi, đông y, tây y, đều “kinh qua” nhưng chưa thấy kết quả. Mãi đến khi được người mách về sự linh thiêng của đền Sinh - đền Hóa, hai vợ chồng mới tìm đến với tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương". Cụ Được còn nhớ lúc nhờ mình viết sớ, người vợ cứ khóc sụt sùi.
Bẵng đi vài tháng, cụ Được thấy một người phụ nữ mang thai đi cùng người đàn ông đứng trước bàn viết sớ của cụ. Chưa kịp nhớ ra ai, với giọng hoan hỉ, người phụ nữ đã lên tiếng giới thiệu mình ở Nam Định, từng nhờ cụ viết sớ.
Lần này, chị cùng chồng tới tạ lễ Thạch Mẫu, không quên biếu cụ Được cân hoa quả. Nhìn vợ chồng chị hạnh phúc khi sắp được làm thiên chức bố mẹ, trong lòng ông cụ viết sớ cũng cảm thấy vui lây.
Trong số những người đi lễ tạ, gia đình chị Hồng Mai ở Kiến Xương, Thái Bình còn mang theo cả con gái nhỏ. Vợ chồng chị Mai cho biết họ từng có một cậu con trai. Tuy nhiên, khi lên 8 tuổi, cháu bé bị tai nạn giao thông, không qua khỏi.
Quá đau buồn, chị Mai rơi vào trầm cảm. Căn bệnh càng nặng khi sau đó, chị không thể có thai, cuộc sống gia đình ngày càng hiu quạnh. Nghe tiếng ngôi Đền thiêng, vợ chồng chị đã sắm lễ tới thỉnh cầu có được mụn con. Khi về nhà, sau một thời gian ngắn, chị mang thai, sinh được cô con gái giờ đã hơn 3 tuổi. Trên môi nở nụ cười tươi, chị Mai khoe: “Có cô con gái, tôi đã tìm lại niềm vui trong cuộc sống”.
Khi được hỏi con số 60% khách thập phương cầu tự được như ý có chính xác hay không, ông Trưởng ban quản lý Đền cho biết: “Chúng tôi không làm “điều tra xã hội học” nên chẳng dám chắc con số ấy chính xác tới đâu. Chỉ biết một sự thật là có nhiều gia đình đã đến đây làm lễ tạ. Theo tôi, việc họ có con sau thời gian dài hiếm muộn, có nguyên nhân chính là do y học hiện đại.
Bởi qua nói chuyện, những cặp vợ chồng đó đều đã đi chữa trị ở nhiều nơi. Việc đến Đền cầu khấn chỉ giúp họ có tâm lý thoải mái hơn. Chữa bệnh cộng với niềm tin tâm linh, có lẽ đã giúp phần nào việc họ đạt được ý nguyện”.