Cà Mau kiến nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 1.300 tỷ đồng khắc phục sạt lở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng, UBND tỉnh Cà Mau vừa chính thức kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ khẩn cấp kinh phí khoảng 1.300 tỉ đồng để khắc phục 3 dự án sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Qua rà soát của cơ quan chức năng, bờ biển Đông Cà Mau sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 61,8km.

Qua rà soát của cơ quan chức năng, bờ biển Đông Cà Mau sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 61,8km.

Cụ thể, 3 dự án sắp xếp thứ tự ưu tiên, gồm: Dự án Đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Đông đoạn từ Hố Gùi đến Bồ Đề, chiều dài hơn 7,5km, kinh phí khắc phục 400 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Đông đoạn từ Kiến Vàng đến Ông Tà, chiều dài hơn 6,2km, kinh phí khắc phục 350 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Đông đoạn từ Kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy, chiều dài hơn 7,1km, kinh phí khắc phục 550 tỷ đồng.

Qua rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và sạt lở nguy hiểm khoảng 83,8km. Trong đó, bờ biển Tây đang bị sạt lở nguy hiểm dài 22km; bờ biển Đông sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 61,8km.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra. Tuy nhiên, quy mô sạt lở quá lớn, tính chất phức tạp nên hiện còn rất nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng chưa được xử lý vì thiếu kinh phí. Sạt lở ở Cà Mau chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau với đoàn khảo sát về thiên tai của Trung ương vào tháng 8/2024, khoảng 10 năm lại đây, sạt lở đất ven sông đã làm hư hỏng, sụp đổ xuống sông gần 28 km đường giao thông; 334 nhà dân cùng nhiều tài sản khác của người dân và hạ tầng dân sinh do Nhà nước đầu tư bị nước cuốn trôi…, với tổng thiệt hại gần 1.120 tỷ đồng. Sạt lở ven sông có nguy cơ ảnh hưởng đến khu vực có diện tích hơn 3.700 ha, bao gồm nhà cửa, tài sản của người dân và nhiều công trình hạ tầng quan trọng khác.

Vụ sạt lở ở huyện Đầm Dơi vượt khả năng cân đối của địa phương, gây ảnh hưởng đến hạ tầng đã đầu tư tại các xã nông thôn mới trên địa bàn.

Vụ sạt lở ở huyện Đầm Dơi vượt khả năng cân đối của địa phương, gây ảnh hưởng đến hạ tầng đã đầu tư tại các xã nông thôn mới trên địa bàn.

Ông Lê Minh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, cho biết: “Dọc nhiều tuyến sông trên địa bàn huyện, sạt lở phần lớn tại các khúc cua, ngã ba, ngã tư, nơi tiếp giáp của nhiều sông, rạch… Tại những vị trí sạt lở, dòng nước chảy mạnh cuốn mất những cây rừng che chắn bên ngoài gây nhiều tuyến đường sạt lở nghiêm trọng, trong đó có tuyến đường ô tô về xã Tân Dân bị sạt lở nhiều lần với chiều dài hơn 100m, làm gián đoạn lưu thông toàn tuyến, đến nay vẫn chưa khắc phục xong".

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cà Mau đã hoàn thành dự thảo Đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2050. Theo đó, Cà Mau phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển. Tầm nhìn đến năm 2030, hoàn thành khoảng 90% việc sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực bờ biển, bờ sông có nguy cơ xảy ra sạt lở cao; các khu vực sạt lở nguy hiểm tại bờ sông cơ bản được xử lý bằng giải pháp công trình.

Để chủ động nguồn lực thực hiện hiệu quả đề án nêu trên, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Cà Mau cần khoảng hơn 31.200 tỷ đồng để đầu tư 177 công trình phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông, đê sông, đê biển và công trình chỉnh trị lòng sông. Trong số này, có 10 công trình chống sạt lở bờ biển; 30 công trình phòng, chống sạt lở bờ sông; 36 công trình chỉnh trị giảm thiểu xói lở; 5 công trình đê biển; 96 công trình đê ven sông.

Đọc thêm