Đưa du lịch Cà Mau trở thành ngành kinh tế trọng điểm
Khuyến khích, hỗ trợ đối với doanh nghiệp hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch... (Ảnh: Du lịch sinh thái cộng đồng Quách Văn Ngãi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển). |
Theo kế hoạch của tỉnh Cà Mau, trong giai đoạn từ năm 2023 – 2025, Cà Mau kêu gọi đầu tư và huy động ngân sách đầu tư các điểm du lịch đã quy hoạch, cùng với việc nâng cấp hệ thống thông tin viễn thông tại các điểm du lịch đảm bảo đường truyền tốc độ cao.Nghiên cứu xây dựng và ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển du lịch như: Khuyến khích, hỗ trợ đối với doanh nghiệp hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch về đất đai, thuế, tín dụng; hỗ trợ phát triển các khu, điểm du lịch; phát triển du lịch tại các làng nghề; có cơ chế khuyến khích các đơn vị lữ hành có thương hiệu thường xuyên đưa lượng lớn khách du lịch đến tham quan.
Đồng thời, năm 2025 – 2030, Cà Mau rà soát, nâng cấp các công trình hạ tầng các điểm đang khai thác và kêu gọi đầu tư và đầu tư mới các địa điểm du lịch như: Điểm du lịch sinh thái Đầm Thị Tường(Tổng diện tích mặt nước 709,86ha nằm trên địa bàn các huyện: Trần Văn Thời, Phú Tân, Cái Nước); Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển); Điểm du lịch Vườn Quốc gia U Minh Hạ (thộc 2 huyện: Trần Văn Thời và U Minh); Điểm du lịch sinh thái Sông Trẹm (huyện U Minh); Điểm du lịch sinh thái cụm đảo Hòn Khoai (huyện Ngọc Hiển).
Nâng cấp các công trình hạ tầng các điểm đang khai thác và kêu gọi đầu tư và đầu tư mới các địa điểm du lịch như: Du lịch sinh thái Đầm Thị Tường; Du lịch sinh thái Sông Trẹm; Du lịch sinh thái cụm đảo Hòn Khoai... |
Để thực hiện kế hoạch đặt ra, ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu: “Các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân triển khai thực hiện kế hoạch, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế du lịch của tỉnh, đồng thời đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch, phấn đấu từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Song song đó, phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong triển khai thực hiện kế hoạch nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh”.
Để triển khai có hiệu quả các địa điểm kêu gọi đầu tư du lịch, Cà Mau khuyến khích, hỗ trợ người dân địa phương tham gia đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch và thực hiện phát triển hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm làng nghề. Đồng thời, đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm các dự án du lịch dịch vụ khu trung tâm thành phố, nhằm đẩy mạnh các hoạt động du lịch về đêm, trước mắt nghiên cứu hình thành tuyến phố đi bộ, kết hợp ẩm thực đường phố và hoạt động vui chơi giải trí...
Tập trung đầu tư phát triển Khu du lịch Mũi Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã và đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các quy hoạch xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau và các khu điểm du lịch trên địa bàn theo quy hoạch tỉnh. Trước mắt, phải phát huy tiềm năng, lợi thế của khu vực rừng tràm hướng đến thực hiện quy hoạch Khu du lịch Quốc gia thứ 2 tại Cà Mau.
Tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau kêu gọi thu hút các dự án đầu tư xây dựng các khu điểm du lịch trên cơ sở khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên du lịch; xây dựng nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; trung tâm mua sắm, thương mại. Ngoài ra, còn đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các điểm du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho du khách được trải nghiệm các hoạt động của người dân. Nghiên cứu xây dựng khu vực chợ quê, chợ hải sản, sản vật địa phương vào cuối tuần để thu hút khách du lịch.
Nâng cao chất lượng và khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh, lịch sử tại Đền thờ Lạc Long Quân, Đền thờ Vua Hùng,... nhằm tăng sức hấp dẫn thu hút khách tham quan, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. |
Mặt khác, Cà Mau sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng và khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh, lịch sử tại Đền thờ Lạc Long Quân, Đền thờ Vua Hùng, Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai, Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc nhằm tăng sức hấp dẫn thu hút khách tham quan, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.Một vấn đề quan trọng khác đó là tổ chức xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc văn hóa của 03 dân tộc Kinh, Khmer và Hoa như đờn ca tài tử tạo nên những sản phẩm du lịch lồng ghép vào các chương trình tour phục vụ du khách...
Đối với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tập trung xây dựng các phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch đảm bảo đúng quy định, phù hợp với công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tại đây. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp và phối hợp với UBND huyện Ngọc Hiển, cùng các sở, ngành, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện Đề án Làng Văn hóa Du lịch tại xã Đất Mũi.
“Thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ xây dựng video, clip quảng bá du lịch, các ấn phẩm cẩm nang du lịch, tờ rơi, tập gấp, bản đồ, pano, áp phích, biển quảng bá tấm lớn, biển chỉ dẫn đến các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Tổ chức cuộc thi ảnh đẹp du lịch, video clip du lịch, sáng tác logo và slogan du lịch theo từng giai đoạn. Song song đó, tỉnh xây dựng bảng điện tử thông minh tra cứu thông tin du lịch, tư vấn hoạt động du lịch, thuyết minh du lịch tự động tại một số khu, điểm du lịch phục vụ khách du lịch” - ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết.
Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Cà Mau năm 2023 hướng đến đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đó là hoàn thành chỉ tiêu thu hút 1.750.000 lượt khách du lịch (trong đó 4.000 lượt khách quốc tế), tổng thu 2.670 tỷ đồng; góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau năm 2023, tạo nền tảng phát triển cho những năm tiếp theo. Duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ các khu điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế; đa dạng hóa chủ thể và huy động nguồn lực địa phương; quản lý, tổ chức các hoạt động du lịch chu đáo, an toàn, thân thiện, hiệu quả.
Kỳ sau: Đẩy mạnh các giải pháp để phát triển du lịch lữ hành