Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Cà Mau có không ít trường hợp trẻ em bị đuối nước trên sông. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn trên là do các em còn nhỏ, chưa biết bơi hoặc thiếu sự quan sát của người thân trong gia đình. Đây là hồi chuông cảnh báo để các Sở, ngành và mọi nhà, mọi người trong cộng đồng xã hội chung tay tổ chức các hoạt động phòng, chống đuối nước cho trẻ em, đặc biệt là dịp Tháng hành động vì trẻ em và hoạt động hè năm 2023.
Tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều lớp dạy bơi cho trẻ em, nhằm phòng, chống đuối nước trên địa bàn tỉnh. |
Trong Công văn gửi thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau và Chủ tịch UBND các xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, yêu cầu người đứng đầu các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của cấp, của ngành mình, trong chỉ đạo điều hành, cần quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Đồng thời, lãnh đạo các đơn vị rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích, đuối nước.
Đặc biệt, các đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là phòng chống đuối nước, điện giật, rơi, ngã, tai nạn giao thông... đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, khu dân cư, trường học, lớp học để bảo đảm an toàn cho trẻ em.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em tại các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Sở cần tổ chức chiến dịch truyền thông cụ thể, sâu rộng về phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước trẻ em cả trên 3 phương thức: Tuyên truyền trực quan (pano, áp phích, tài liệu, ấn phẩm...), tuyên truyền qua cơ quan thông tin đại chúng (đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở), tuyên truyền trên mạng xã hội, tuyên tuyên truyền thông qua nhà trường, cơ quan, lớp học và các tổ chức chính trị xã hội.
Sở cũng cần tăng cường các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp; cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và cho trẻ em. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống đuối nước trẻ em tại địa phương, cơ sở theo định kỳ và đột xuất”
“Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả kiểm tra và đề xuất hình thức xử lý, kỷ luật nghiêm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn quản lý”, Công văn nêu rõ.
Bà Nguyễn Thu Tư - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, cho biết, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn triển khai tổ chức các hoạt động dạy bơi cho trẻ em phòng, chống đuối nước trên địa bàn tỉnh.
Tính từ ngày 5/6 đến ngày 16/6, số mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em toàn trên địa bàn tỉnh có 110 mô hình, trong đó lớp dạy bơi cấp huyện có 29 lớp, số thiếu nhi tham gia 1.180 em; lớp dạy bơi cấp xã 50 lớp, số thiếu nhi tham gia 1.590 em. Tổng trị giá các mô hình, hoạt động hơn 1,3 tỷ đồng.