Nhiều hộ thiệt hại nặng
Theo người dân miệt rừng U Minh Hạ, tràm là loại cây dễ trồng nhất, rất ít gặp rủi ro nhưng không biết vì sao năm nay lại khó trồng đến như vậy, cứ 10 hộ tham gia trồng thì có đến 8 - 9 hộ bị thiệt hại nặng.
Anh Nguyễn Văn Huốl ở ấp 20, xã Nguyễn Phích có hơn 1 hécta rừng tràm mới thu hoạch. Ngay sau khi khai thác xong, anh nhanh chóng cải tạo đất và nhận giống từ UBND xã về trồng. Đến nay tràm anh Huốl trồng đã được gần 2 tháng tuổi vậy mà cây vẫn cứ chết dần, chết mòn.
Anh Huốl cho biết: “Mấy ngày nay diện tích tràm của tôi chết rất nhiều, đến thời điểm này ước thiệt hại khoảng 70%, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra chắc gia đình tôi phải chịu cảnh mất trắng. Giờ tôi chỉ biết theo dõi chờ coi nó tới đâu rồi báo chính quyền địa phương để chính quyền địa phương báo cáo lên cấp trên tìm hướng giải quyết chứ tôi thì bó tay rồi”.
Cũng là một trong những hộ vừa mới trồng tràm sau khai thác ở ấp 20, xã Nguyễn Phích, những ngày này gia đình anh Trần Văn Tý đang tất bật tra giặm lại diện tích rừng bị thiệt hại. Nhưng cả nhà cũng bắt đầu thấy nản khi mà cứ tra giặm đằng trước thì tràm lại chết đằng sau.
Anh Tý chia sẻ: “Tràm năm nay khó trồng thiệt, gia đình tôi có 1 hécta, nhận từ xã 20 ngàn cây tràm giống về trồng, rồi giặm, giờ 20 ngàn cây tràm giống đã được cấy hết nhưng số cây tràm xanh còn hiện diện không quá 10 ngàn, theo dự đoán của tôi, số tràm này còn hao hụt nữa, trồng tràm mới mà gặp như thế này còn gì buồn bằng”.
Ông Võ Văn Liêu – Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích thừa nhận: “Năm 2015 toàn xã có khoảng 150 héc ta rừng trồng sau khai thác, đến thời điểm này bà con đã trồng được khoảng hơn 70 hécta, trong đó có nhiều hộ bị thiệt hại khá nặng…”.
Do trời hay do người?
Người dân địa phương cho biết, theo quy định của UBND xã Nguyễn Phích, trước khi khai thác tràm, các hộ phải đóng cho xã một số tiền tương ứng với diện tích đất của mình, khoảng 1,7 triệu đồng/héc ta thì xã mới cho khai thác. Số tiền này sau khi người dân khai thác xong sẽ được xã mua cây giống giao cho trồng lại. Cách làm này được coi là giải pháp đảm bảo độ che phủ cho rừng trong toàn huyện.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xung quanh vấn đề tràm chết hàng loạt, ở địa phương đang có nhiều ý kiến lý giải khác nhau. Có người cho rằng do thời điểm người dân trồng tràm thời tiết nắng nóng kéo dài nên bị ảnh hưởng, nhưng người dân không đồng tình bởi trước đây cây tràm vẫn có thể phát triển tốt ngay trên vùng đất kê liếp cao và gặp nắng gay gắt.
Nguyên nhân chính, theo người dân là do giống tràm không đạt chất lượng, hay nói rõ hơn, cây tràm giống quá non so với quy định nên không thể chịu được thời tiết như hiện nay. “Tôi khẳng định nguyên nhân tràm chết hàng loạt như hiện nay là do tràm giống quá non. Bởi khi tôi nhận tràm từ UBND xã về, ban đầu tràm vẫn xanh tốt nhưng sau một vài ngày thì tràm có dấu hiệu chuyển màu, nhất là các cây tràm được bó bên trong…”, anh Huốl nhận định.
Nhiều hộ nông dân sống quanh khu vực cũng đồng quan điểm với anh Huốl, cho rằng nguyên nhân là do chất lượng giống. “Trước đây, tràm đủ tuổi càng để gần nước chúng càng xanh tốt chứ không bao giờ héo như giống tràm này”, một người dân bức xúc.
Tuy nhiên, trả lời phóng viên xung quanh nghi vấn có phải nguyên nhân tràm chết là do chất lượng tràm giống, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Võ Văn Liêu vẫn khẳng định nguyên nhân thiệt hại một phần là do thời tiết nắng nóng kéo dài và nguồn nước bị ô nhiễm.
“Giống là người dân tự mua, tự trả tiền. Xã chỉ giới thiệu cho người dân biết đến mua, không hề có chuyện quy định người dân nộp tiền theo diện tích như phản ánh” – ông Liêu nói.