Tiền Giang: Nông dân “trắng tay” vì trồng lúa chỉ thu mỗi rơm!

(PLO) - Hạt nào chín là rụng trụi lủi hết trơn. Gió thổi ngang qua cũng bị rụng. Trồng lúa gặt rơm lấy gì mà sống? Ăn chịu, phân, thuốc chịu chờ tới vụ lấy tiền trả, giờ không biết sống bằng gì?... Đó là những nỗi niềm của nông dân ở Tiền Giang mà chúng tôi ghi nhận.
Vẻ mặt buồn rầu của anh Huỳnh Văn Sơn bên ruộng lúa “lép”
Vẻ mặt buồn rầu của anh Huỳnh Văn Sơn bên ruộng lúa “lép” 
Dân “khóc” vì lúa thơm
Đập vào mắt phóng viên khi đến ruộng lúa 5,6 công (0,56ha) đang trong giai đoạn chín của ông Nguyễn Văn Hoàng ở ấp Bình Hòa Long, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang là những hạt lúa rụng vương vãi trên nền đất. Ông Hoàng than: “Tiêu rồi chú ơi! Lúa mới chín ửng hạt là rụng thế này, tới khi thu hoạch còn hạt nào trên bông đâu mà cắt. Bao nhiêu chi phí gia đình, tôi đều vay mượn, mua thiếu các đại lý vật tư nông nghiệp. Giờ trắng tay!”. 
Trong vụ lúa này, gia đình ông Hoàng mua 90kg giống VD20 tại Đại lý giống Nguyễn Thị Hạnh, ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây; nơi sản xuất giống là Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang. Giống VD20 có nguồn gốc từ Đài Loan, là giống lúa thơm. Sau khi lúa trổ, gia đình phát hiện có khoảng 80 - 90% bông lúa đều có đuôi (lúa lộn). Đến khi lúa ửng hạt thì bắt đầu rụng gần hết bông. Đến nay, ông Hoàng tính ra đã đầu tư hơn 12 triệu đồng cho 5,6 công đất trồng lúa này. 
“Thấy lúa như vậy, gia đình tui yêu cầu Trung tâm Giống hỗ trợ chi phí để tái sản xuất trở lại. Nếu kéo dài, hạt lúa sẽ rụng hết xuống nền đất. Vụ sau không thể sạ lại được. Nhưng Trung tâm không chấp nhận lỗi do mình nên gia đình không hủy số lúa trên và cầu cứu cơ quan chức năng. Cả gia đình sống phụ thuộc vào bao nhiêu đất trồng lúa này thôi” - ông Hoàng cho biết thêm.
Cùng cảnh ngộ, gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (cùng ấp) cũng trồng 0,4ha đất giống lúa VD20 của Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang. Đến nay, lúa của ông Thanh đã 95 ngày tuổi và bị lẫn tạp 80 - 90%. Gia đình ông đã đầu tư gần 10 triệu đồng cho vụ mùa này nhưng giờ: “Lúa chuyển hoa cà rụng ráo, giờ thì mất trắng rồi! Gia đình chỉ trông chờ vào ruộng lúa sau 3 tháng, giờ mất trắng không biết lấy gì để sống nữa?!” - ông Thanh buồn rầu.
Tương tự, hộ Huỳnh Văn Sơn (cùng ấp) trồng hơn 0,3ha lúa giống VD20 của Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang. Hiện tại ruộng lúa nhà anh đã bắt đầu chín sắp đến ngày thu hoạch nhưng có hiện tượng rụng hạt rất nhiều. “Hạt nào chín là rụng trụi lủi hết trơn! Gió thổi ngang qua cũng bị rụng. Trồng lúa gặt rơm lấy gì mà sống? Ăn chịu, phân thuốc chịu chờ tới vụ lấy tiền trả, giờ không biết sống bằng gì?” - khổ chủ kêu trời… 
Lỗi do đâu!?
Trước tình trạng trên, người dân đã đến UBND xã Bình Nhì nộp đơn khiếu nại Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang và kêu cứu đến các ngành chức năng, nhưng hiện tại cơ quan chức năng vẫn chưa có kết quả phản hồi cho các hộ.
Về phía mình, chủ Đại lý cung cấp giống Nguyễn Thị Hạnh (ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây) khẳng định: Sau khi rà soát lại tám tấn lúa giống VD20 bán ra, có ba ruộng lúa của ba hộ ở xã Bình Nhì phản ánh tình trạng lúa có đuôi, rụng hạt khi chín. Đây đúng là giống VD20 do đại lý bán và nguồn gốc lấy từ Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang. Đại lý không lấy nhầm giống để cung cấp cho những hộ trên. Trước bức xúc của nông dân, bà Hạnh cũng đã báo về Trung tâm xuống xem xét, xử lý.
Ông Trần Ngọc Ẩn – Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang cho biết: Lô lúa giống VD20 bán tại đại lý Hạnh có mẫu lưu tại Trung tâm, có phiếu kiểm nghiệm đạt kết quả cấp giống xác nhận của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng vùng Nam bộ. 
Qua thực tế kiểm tra của Phòng Kỹ thuật Trung tâm ở một số ruộng trồng cùng một lô giống VD20 với anh Sơn, anh Hoàng và anh Thanh lúa đồng đều, rất đẹp, rất là trúng. Ruộng của ba hộ này có thể bị ảnh hưởng do những yếu tố: môi trường, thời tiết, lúa lộn từ những vụ trước, sử dụng phân thuốc không hợp lý… đã dẫn đến yếu tố hạt lúa có đuôi, rụng hạt.
Từ những cơ sở xác minh, Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang không chấp nhận đề nghị hỗ trợ hay đền bù đối với ba hộ trên. Tuy nhiên, cách trả lời của ông Ẩn khiến người dân không đồng tình. Họ cho rằng đã sử dụng giống VD20 rất nhiều vụ và đều có kinh nghiệm trồng lúa lâu năm. 
Hiện Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang đang tiến hành xác minh làm rõ vấn đề nhưng ông Ẩn đã vội khẳng định: “Chúng tôi xác định lúa của các hộ bị ảnh hưởng do chất kích thích sinh trưởng. Về chuyên môn chúng tôi biết chắc vấn đề này”?! 

Đọc thêm