Cả nước có hơn 19,5 triệu hội viên phụ nữ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 14/12, tại Hà Nội, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành khóa XIII để tổng kết, đánh giá công tác Hội năm 2023 và thảo luận, thống nhất một số nội dung quan trọng triển khai công tác Hội và phong trào phụ nữ năm 2024 và thực hiện một số chuyên đề công tác Hội.
 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành khóa XIII được TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 14/12. Nguồn HLHPNVN
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành khóa XIII được TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 14/12. Nguồn HLHPNVN

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm qua, các cấp Hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2023 “Tập trung xây dựng cơ sở hội, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ hội cơ sở”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh đạt được nhiều kết quả.

Cụ thể, các chương trình/hoạt động nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa của Hội gắn với đảm bảo an sinh - xã hội đã tác động sâu rộng, thu hút được sự tham gia hưởng ứng của hội viên, phụ nữ và cộng đồng. Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã trở thành hoạt động của cả hệ thống chính trị. Đến tháng 11/2023, lũy kế Hội LHPN các cấp và hội viên, phụ nữ cả nước đã vận động được gần 150 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 27.670 trẻ mồ côi, trong đó, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam và Hội Nữ doanh nhân các tỉnh, thành đã nhận đỡ đầu 843 trẻ với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng/năm.

Các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ được thúc đẩy mạnh mẽ, đổi mới về chất theo hướng hỗ trợ toàn diện, tăng cường kết nối sự tham gia hỗ trợ, đồng hành của các ngành, các cấp, các nguồn lực xã hội và sự chủ động của hội viên, phụ nữ. Tính đến 30/11/2023, các cấp Hội ước giúp 68.786 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo dưới nhiều hình thức; hỗ trợ thành lập mới 209 hợp tác xã. 100% tỉnh, thành đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Dự thảo báo cáo cho biết, năm 2023, công tác thu hút, tập hợp hội viên đạt được nhiều kết quả mới. Tính đến 30/11/2023, tổng số hội viên: 19.668.108, tăng so với 2022 là 247.449 hội viên. Đã có 55 Hội LHPN tỉnh, thành phố tổ chức kết nạp, công nhận 20.500 hội viên danh dự, đa phần là nam giới, đóng góp và ủng hộ tích cực cho các hoạt động Hội.

Năm qua, các cấp Hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác Hội (Ảnh minh họa: Lễ trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2023 ngày 27/11/2023). Nguồn HLHPN.

Năm qua, các cấp Hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác Hội (Ảnh minh họa: Lễ trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2023 ngày 27/11/2023). Nguồn HLHPN.

Trong khuôn khổ hội nghị cũng diễn ra hội thảo khoa học quốc gia “Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức nhằm đánh giá một cách toàn diện kết quả thực hiện công tác phụ nữ thời gian qua, tiếp tục chỉ ra những điểm mạnh và những điểm bất cập cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện dưới nhiều góc độ, chiều cạnh khác nhau, từ góc độ quản lý nhà nước, thực tiễn địa phương và từ các chuyên gia, nhà khoa học, góp phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW và Chỉ thị 21-CT/TW về công tác phụ nữ. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác phụ nữ.

5 năm qua, nhiều cơ chế, chính sách về kinh tế, lao động, việc làm, phúc lợi xã hội có liên quan đến phụ nữ đã được ban hành, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh xã hội. Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Phụ nữ ngày càng tham gia sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội và khẳng định được vai trò, vị thế, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, đất nước.

Qua đó, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; đạt được nhiều kết quả tích cực về thu hẹp khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực. Năm 2023, Việt Nam tăng 11 bậc về thu hẹp khoảng cách giới so với năm 2022.

Tuy nhiên, còn không ít những hạn chế, những vấn đề đặt ra, cần được tiếp tục quan tâm giải quyết trong thời gian tới. Định kiến giới, khuôn mẫu giới tiếp tục tác động và ảnh hưởng đến cơ hội phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực khác nhau trong xã hội.

Nhiều vấn đề xã hội tiếp diễn ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ và công tác phụ nữ, như: nghèo đói; biến đổi khí hậu; biến đổi chức năng gia đình; già hóa dân số; lừa đảo, mất an ninh trên môi trường mạng ngày càng tinh vi, phức tạp; bạo lực gia đình; mua bán phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là các vụ xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em ngày càng phức tạp, nghiêm trọng đang đe dọa đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em...

Bên cạnh đó, nhận thức, nhu cầu ngày càng cao của các tầng lớp phụ nữ đòi hỏi tổ chức Hội phải liên tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của phụ nữ; tiếp tục nghiên cứu cụ thể, có chiều sâu hơn để phát huy vai trò của các lực lượng phụ nữ trong xây dựng đất nước.

Năm 2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW (về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước) và ban hành Chỉ thị 21-CT/TW tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, đã tạo thêm động lực, cơ chế cho công tác phụ nữ. Quan điểm, mục tiêu xuyên suốt của Đảng tại Nghị quyết 11 và Chỉ thị 21 đã xác định “Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”.

Đọc thêm