Cà phê từ... phân chồn, có gì mà “đắt sắt ra miếng” như vậy?

(PLVN) - Có giá lên tới hàng chục triệu đồng một kg, rất nhiều người thắc mắc tại sao cà phê lấy từ phân chồn lại có giá “trên trời” như vậy. 
Cà phê từ... phân chồn, có gì mà “đắt sắt ra miếng” như vậy?

Từ loại đồ uống của nông phu

Cà phê Chồn hay còn gọi là Kopi Luwak là một loại cà phê rất đặc biệt. Trước kia, loại cà phê này bị coi là thứ bẩn nhất, chỉ những người nông phu mới uống. Nhưng ngày này, nó lại được xếp vào hàng “cực phẩm” trong giới cà phê và cũng là loại đồ uống hiếm có và đắt đỏ nhất trên thế giới. Nó được coi là loại cà phê sang chảnh chỉ dành cho giới thượng lưu, nhà giàu.

Không phải quốc gia nào cũng có thể sản xuất cà phê Chồn. Loài động vật này phân bố rải rác ở các nước vùng Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Việt Nam và miền nam Trung Quốc. 

Tuy nhiên, loại cà phê này có nhiều nhất ở Indonesia, trên các hòn đảo Sumatra, Java và Sulawesi. Và tên gọi “Kopi Luwak” được ghép từ hai từ, trong đó “Kopi” theo tiếng Indonesia có nghĩa là “cà phê”.

Từ “Luwak” là tên một vùng thuộc đảo Java, đồng thời cũng là tên của một loài cầy cư trú ở đó. Đó là loài cầy vòi đốm có tên là Asian Palm Civet, một loại động vật có vú , kích cỡ nhỏ, thuộc họ Cầy (Viverridae) rất thích ăn trái cây và  sinh sống trên đảo.

Sự xuất hiện của cà phê Chồn gắn liền với quá trình sản xuất cà phê ở Indonesia. Lịch sử của cà phê Chồn bắt đầu một thời gian dài trước đây trong những năm đầu của thế kỷ 18, khi người Hà Lan bắt đầu trồng trọt trên các đảo Java và Sumatra, là các bộ phận của Đông Ấn Hà Lan( Indonesia bây giờ). 

Cây cà phê được trồng bao gồm giống cà phê đến từ Yemen, Arabica được trồng trong các đồn điền bao la rộng lớn. Người Hà Lan đã không cho phép những người nông dân bản địa hái cà phê để sử dụng riêng của họ. Nhưng những người nông dân đã rất quá tò mò và muốn nếm quả cà phê mà họ đã trồng và thu hoạch.

Đúng lúc đó, họ ta nhận ra rằng những con chồn hương cũng ăn trái cà phê nhưng hạt cà phê được thải ra vẫn nguyên hình dạng. Vì vậy, những người nông dân thu thập các hạt cà phê không được tiêu hóa, làm sạch, rang và xay cà phê và làm đồ uống cà phê của riêng mình.

Tuy nhiên, hương vị của loại cà phê đó ngoài sức tưởng tượng của họ. Thứ đồ uống mà họ làm ra có mùi vị quá ngon. Tiếng lành đồn xa, câu chuyện về cà phê Chồn được truyền nhau giữa người dân địa phương và đến tai các chủ sở hữu của các đồn điền của Hà Lan và ngay lập tức nó trở thành đồ uống yêu thích của các ông chủ này. Thậm chí tại thời điểm đó, cà phê Kopi Luwak vẫn được bán ở mức giá rất cao.

Hương vị không lẫn vào đâu được

Quá trình sản xuất cà phê Chồn nghe có vẻ rất dị thường nhưng lại hoàn toàn bình thường trong việc đưa nó trở nên nổi tiếng. Trên thực tế, loài động vật này là loài động vật ăn thịt (chúng ăn rất nhiều chuột) và do đó chúng không thể tiêu hoá hạt cà phê nên sau đó thì thải hạt cà phê ra cùng với phân của nó. 

Trong quá trình nhai gặm, hạt cafe đi qua dạ dày và ruột của con chồn. Từ đây các enzym men tiêu hóa trong hệ hóa của chồn hương đã thấm vào lớp vỏ trấu đã bị bào mòn, thấm nhẹ vào nhân cà phê đã bẻ gãy các phân tử hương và vị trong cấu tạo hữu cơ của hạt cà phê. Do enzym trong dạ dày chồn, protein đã được lọc ra khỏi hạt cà phê.

Hạt cà phê trở nên cứng hơn, giòn hơn độ đắng của cà phê đã giảm thiểu đi rất nhiều, tạo ra một hương vị mạnh hơn. Nên cà phê chồn sẽ có vị bùi bùi, chua nhẹ, phảng phất mùi khói và hương chocolate. 

Sau khi trải qua quá trình “sơ chế tự nhiên”: tách thịt, lên men bên trong hệ tiêu hóa của loài động vật này, hạt cà phê nhân sẽ được người nông dân nhặt lại từ phân chồn rửa sạch, được rang theo một kỹ thuật thì sẽ có một loại cà phê chồn thành phẩm.

Cho dù bạn không phải là một người sành cà phê, nhưng chắc chắn bạn cũng sẽ cảm nhận được sự khác biệt trong hương vị của loại cà phê này. Vị cà phê chồn dịu nhẹ, không đắng gắt nhưng đủ mạnh để làm bạn phải ngạc nhiên.

Trong và sau khi thưởng thức cà phê chồn bạn sẽ cảm nhận ở cổ họng luôn có chút dư vị ngọt ngào, lưu luyến. Uống cà phê chồn không đường, không đá với một ly nước lọc là cách thưởng thức chuẩn nhất. 

Cách thưởng thức này còn mang đến cho bạn một trải nghiệm mùi hương không lẫn vào đâu được. Bởi hương thơm của cà phê chồn chia ra nhiều tầng hương. Tầng hương đầu tiên là mùi hoa quả chín. Tầng thứ hai là sự hòa quyện giữa mùi cà phê hòa lẫn cùng mùi chocolate và mạch nha.

Các dây thần kinh cảm thụ mùi hương nơi cánh mùi bạn sẽ bị đánh thức bởi hương thơm thanh tao, ngọt ngào và lan tỏa. Hương vị này sẽ vẫn quyến luyến không rời dù cho bạn đã thưởng thức xong tách cà phê Chồn của mình. Chính sự lưu luyến ấy làm những ai một lần thưởng thức cà phê chồn sẽ không thể nào quên được.

Vì lợi nhuận bất chấp tất cả

Thứ đồ uống được liệt vào loại “xa xỉ” và vô cùng hiếm Cà phê chồn Kopi Luwak là loại hiếm nhất, đắt nhất thế giới, có giá dao động từ 100 đến 600 USD (từ 2 triệu – 12 triệu đồng/0,5kg). Chỉ một cốc cà phê chồn cũng đã có giá lên tới 50 USD (khoảng 1 triệu đồng). Nhiều người còn bỏ tiền ra mua với giá 20 triệu VND/kg (1.300USD). Thậm là 3.000 USD/kg (60 triệu VNĐ/kg). 

Loại cà phê Chồn đắt đỏ nhất trong giới cà phê
Loại cà phê Chồn đắt đỏ nhất trong giới cà phê

Tuy nhiên, muốn được uống loại cà phê này không phải chuyện dễ dàng. Trong số hàng chục triệu tấn cà phê được sản xuất ra hàng năm trên thế giới, chỉ có khoảng 700kg cà phê Chồn tự nhiên và khi chế biến thành phẩm thì chỉ còn lại khoảng 200kg. Bởi cà phê Chồn đúng nghĩa không phải đến từ những chú chồn nuôi mà là chồn hoang. 

Hiện nay cà phê Chồn trong tự nhiên không đủ đáp ứng nhu cầu cầu của người thưởng thức nên đã xuất hiện nhiều thương hiệu chuyên sản xuất cà phê Chồn nuôi để cung ứng cho thị trường. Giá thành của cà phê chồn dạng này cũng không quá đắt đỏ nên nếu các thượng khách hoàn toàn có thể thử thưởng thức cà phê Chồn để cảm nhận hương vị của loại thức uống đặc biệt này.

Tuy nhiên chính vì tự sản xuất cà phê bằng Chồn nuôi, con người đã cố tình hành hạ con Chồn. Vì lợi nhuận, nhiều nhà sản xuất đã săn bắt bừa bãi những con Chồn hương hoang dã, thông qua phương pháp nuôi nhân tạo để thúc đẩy chúng sản xuất phân nhiều hơn, từ đó thu được nhiều hạt cà phê chồn hơn.

Nhưng Chồn hương giống như các loài động vật khác quen sống trong môi trường hoang dã, bản tính thích tự do. Chính vì vậy, khi bị con người bắt nhốt trong chiếc lồng nhỏ hẹp, chất chội, bức bối và bẩn thỉu chúng sẽ trở nên cáu kỉnh, rối loạn hành vì và thậm chí dẫn đến tuyệt thực. Cách làm của họ cũng đồng nghĩa với việc kết án tù chung thân không thương tiếc đối với những con chồn hương bị giam cầm trong ngục tù.

Theo nghiên cứu, Chồn nuôi do bị giam cầm và bắt ăn trái cà phê (đôi khi chỉ được cho ăn cà phê) nên không được có “tâm trạng” tốt, dẫn đến sản phẩm cho ra cũng không đạt chất lượng tốt nhất. Thậm chí, Những con chồn này phải sống trong kinh sợ, không được ăn uống lành mạnh. Loại động vật ăn tạp về đêm này gần như bị tra tấn về tinh thần, không ngừng gặm nhấm tứ chi, đến lúc không thể chịu đựng nổi nữa, sinh bệnh và chết.