Cá tra nhắm mốc 2 tỷ USD

Bộ trưởng Bộ  Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị trong năm 2012 ngành nuôi cá tra ở Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả để làm cơ sở duy trì và mở rộng thị trường, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ  Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị trong năm 2012 ngành nuôi cá tra ở Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả để làm cơ sở duy trì và mở rộng thị trường, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD.

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL
Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL

Tăng diện tích lẫn sản lượng

Số liệu thống kế cho thấy, tính đến 31/12/2011, tổng diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL đạt 5.430ha (tăng 30ha so với năm 2010, bằng 90,1% so với kế hoạch năm 2011), mật độ nuôi 35-40 con/m2, sản lượng đạt  trên 1.195 tấn (vượt 50.000 tấn so với năm 2010, bằng 99,3% so với kế hoạch năm 2011). So với 2010, số lượng hộ nuôi nhỏ lẻ giảm đáng kể, nhưng do nhờ áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, các hộ nuôi có tiềm lực về tài chính và các doanh nghiệp chế biến đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu riêng, nên năng suất trung bình đạt trên 220 tấn/ha, cá biệt có những mô hình đạt năng suất 500 tấn/ha.

Về tình hình tiêu thụ cá tra, ông Phạm Anh Tuấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - cho biết, năm 2011 xuất khẩu cá tra đạt trên 600.000 tấn (tăng 3% so với năm 2010), với kim ngạch đạt trên 1,8 tỉ USD (tăng 26,5% so với năm 2010). Việt Nam đã xuất khẩu cá tra, ba sa sang 135 thị trường trên thế giới, trong đó thị trường nhập khẩu chính vẫn là EU và Mỹ, hai thị trường này chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm qua. Sản phẩm cá tra xuất khẩu trong năm 2011 chủ yếu vẫn là hàng cá philê đông lạnh, với giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,79 tỷ USD (chiếm tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước).

“Giữ vững được tốc độ phát triển với kim ngạch đạt trên 1,8 tỉ USD là điều đáng mừng. Tuy nhiên đã đến lúc chúng ta không nên nhìn về khối lượng, diện tích hay số lượng giá trị đô la xuất khẩu, mà nên nhìn vào hiệu quả” - ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá. Theo VASEP, trên 70% sản lượng cá tra nuôi hiện nay là do các doanh nghiệp tự nuôi hoặc liên kết với nông dân để nuôi. Vì vậy cần tập trung mối liên kết giữa các khâu ở trong chuỗi sản xuất cá tra, từ sản xuất giống, thức ăn, nuôi và chế biến để chuỗi sản xuất này được quản lý thống nhất từ đầu đến cuối.

Nhiều thách thức

Tại hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất, tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL năm 2011 và triển khai các giải pháp trong năm 2012 tổ chức hôm 7/2 tại Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, ngành cá tra hiện nay vẫn còn đối diện nhiều khó khăn và thách thức mới. Đó là hiệu quả sản xuất của người nuôi chưa cao, thậm chí có lúc bị lỗ do nguồn giống, thức ăn, vốn lãi suất cao, dịch bệnh và kỹ thuật nuôi. Bên cạnh đó chất lượng các sản phẩm chế biến của một số doanh nghiệp chưa đảm bảo, vấn đề cạnh tranh không lành mạnh còn tiếp diễn. Vấn đề về bôi nhọ, xây dựng các hàng rào kỹ thuật và thương mại để cản trở bước tiến của cá tra Việt Nam vào thị trường quốc tế vẫn tiếp tục gay gắt…

Bộ trưởng Phát đề nghị trong năm 2012 ngành nuôi cá tra ở Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả để làm cơ sở duy trì và mở rộng thị trường, với mục tiêu đề ra về sản lượng nguyên liệu đạt mức khoảng 1,2 đến 1,5 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD.

Để làm được điều này, ông Cao Đức Phát lưu ý UBND các tỉnh, nơi có nuôi cá nguyên liệu tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát nguồn cá giống và nguồn cung thức ăn để đảm bảo giống, thức ăn đến tay người nuôi đảm bảo chất lượng. Các địa phương tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn người nuôi áp dụng các quy trình sản xuất tiến bộ; tiếp tục bảo vệ và phát triển thị trường, xây dựng hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời sẵn sàng  đấu tranh với những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Hà Vy

Đọc thêm