Phát biểu khai mạc Hội thảo, TSKH. Nguyễn Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Luật Chất lượng sản phẩm (CLSP) hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (TCQCKT) là những luật gốc có tác động đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến vấn đề đảm bảo chất lượng, an toàn và thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình thực thi đã bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại cần sửa đổi, bổ sung mà Quốc hội đã đưa vào chương trình các Luật sửa đổi trong năm 2024 - 2025.
TSKH. Nguyễn Xuân Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: H. Giang |
Trình bày tham luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, có 104 luật, pháp lệnh, nghị định chịu sự tác động của Luật TCQCKT; 78 luật, pháp lệnh liên quan đến Luật CLSP hàng hóa... Thiết kế cách thức tiếp cận và phương thức kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa trên phạm vi quốc gia nhằm nhất thể hóa và nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam. Do vậy Luật CLSP hàng hóa và Luật TCQCKT phải có tính khoa học cao; tính quy phạm và đại diện cao...
Nhà nước, cơ quan chủ trì xây dựng 02 luật này phải xác định, đây là công việc rất quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến sức sản xuất, sức cạnh tranh, giá trị thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Đồng thời phải khảo sát, nghiên cứu thật kỹ những tồn tại, bất cập hiện nay trong thực tế sản xuất của các ngành, lĩnh vực và những yêu cầu đòi hỏi nâng tầm chất lượng, thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập…
“Đây là thời vận tốt để Việt Nam có được thể chế pháp luật và chính sách phát triển tốt nhất, nâng tầm chất lượng, sức cạnh tranh của thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam”, ông Dương nhận định.
Tuy nhiên, ông Dương cũng thẳng thắn thừa nhận trong thực tế, một số nhóm hàng đang bị lạm dụng, nhiều lĩnh vực đưa hầu hết các chỉ tiêu chất lượng vào quy chuẩn kỹ thuật. Nếu Luật CLSP hàng hóa và Luật TCQCKT chỉ nêu ra mà không có chế tài rõ, thì trong thực tế các Bộ, ngành vận dụng rất khó và dễ tùy tiện.
Về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa, theo ông Dương, cần nghiên cứu kỹ nội dung này, nên quan niệm đây cũng là một nội dung công bố chất lượng sản phẩm, trong đó các chỉ tiêu chất lượng do người sản xuất kinh doanh lựa chọn tùy theo yêu cầu thị trường, còn các chỉ tiêu quy chuẩn kỹ thuật thì buộc phải phù hợp với quy định của nhà nước. Vì quy định công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa như hiện nay đang rất hình thức, làm phát sinh chi phí không cần thiết cho người dân, doanh nghiệp, gây tăng giá thành sản phẩm, mất thời cơ kinh doanh và là căn nguyên phát sinh tiêu cực.
Bên cạnh đó, việc quy định hàng hóa nhập khẩu phải có dấu hợp quy và phải công bố hợp quy là không phù hợp; không nước nào làm như vậy, ngay cả đối với những mặt hàng buộc phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng trước thông quan, thì thông thường cũng chỉ áp dụng theo phương thức xác suất, để lấy mẫu không vượt quá 5% số lô hàng nhập khẩu.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Hương Giang |
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam nhấn mạnh quy định công bố hợp quy đối với thức ăn chăn nuôi có nhiều bất cập về sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật hiện hành, mang nặng tính hình thức, gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị bỏ quy định công bố hợp quy tại Luật TCQCKT và Luật CLSP hàng hoá. Quy định quy chuẩn kỹ thuật để bắt buộc áp dụng, dùng để kiểm tra thanh tra, nếu phát hiện vi phạm thì xử phạt.
Theo đại diện Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nên bỏ quy định công bố hợp quy trong quy chuẩn thức ăn chăn nuôi cho tương đồng với quy định quản lý chất cấm tại Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT và quy chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm./.