Tại cuộc gặp, Thủ tướng nói, 30 năm trước chắc không ai có thể hình dung Việt Nam - Hàn Quốc có mối quan hệ như lúc này. Ở lĩnh vực thương mại, hiện hơn 9.000 DN Hàn Quốc đã đến Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên đến 82 tỷ USD.
Tại Tọa đàm, lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn Hàn Quốc đã thể hiện quan điểm Việt Nam là “cứ điểm sản xuất hàng đầu”. Chủ tịch một tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc về sản xuất máy biến áp điện xuất khẩu tới 70 nước trên thế giới, cho biết, tại Việt Nam, họ đã đầu tư 3,5 tỷ USD, hiện diện tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 9.000 lao động. “Với nhiều hoạt động xúc tiến, chúng tôi không chỉ mở rộng quy mô mà còn muốn nơi đây trở thành điểm đầu tư bền vững để tập đoàn phát triển”, doanh nhân này nói thêm, “Chúng tôi mong muốn đặt tương lai 100 năm tới tại Việt Nam”.
Lãnh đạo một tập đoàn điện tử hàng đầu khác của Hàn Quốc cũng khẳng định, tập đoàn đã lựa chọn Việt Nam là cơ sở sản xuất quy mô lớn, cứ điểm của mình. Theo ông, kể từ khi đầu tư vào Việt Nam năm 1995, DN đã rót vốn vào nhiều lĩnh vực. Hai bên có nhiều hợp tác phát huy được giá trị, ưu thế của mình. Chính phủ Việt Nam cũng hỗ trợ bằng các chính sách thúc đẩy các ngành mũi nhọn. Cuối năm ngoái, tập đoàn này đã tiết lộ sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD vào Việt Nam.
Không chỉ có các tập đoàn lớn, các DN Hàn Quốc quy mô vừa và nhỏ cũng muốn đẩy mạnh đầu tư vào thị trường hơn 100 triệu dân của Việt Nam. Đại diện của Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc FKI nói, Việt Nam là đối tác chiến lược, muốn đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ cao, bán dẫn.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng tin tưởng trong tương lai hợp tác giao thương giữa hai nước sẽ còn nhiều bước tiến hơn. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam bày tỏ mong muốn các DN Hàn tiếp tục xây dựng chiến lược đầu tư vào Việt Nam. “Tôi mong các DN Hàn tiếp tục có những đột phá, cùng nhau đạt kết quả gấp 3 - 4 lần trong những năm tới”, Thủ tướng nói và đề xuất Hàn Quốc xem xét đầu tư thêm vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa, giải trí.
Bên cạnh yếu tố lợi nhuận, Thủ tướng nói, DN cũng cần có trách nhiệm với Việt Nam ở các khía cạnh khác, hài hoà lợi ích giữa các bên. Với các đề xuất, trăn trở của DN, Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ tìm cách giải quyết phù hợp với tình hình.
Trước đó, tại diễn đàn doanh nghiệp giữa hai nước diễn ra cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc nói, mục tiêu đến năm 2030, hoạt động giao thương giữa hai nước sẽ đạt 150 tỷ USD trên nhiều lĩnh vực. Tổng thống Hàn Quốc hy vọng thông qua diễn đàn lần này, quan hệ thương mại hợp tác của hai nước sẽ lên tầm cao mới. “Việt Nam là đối tác quan trọng. Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam phát triển về công nghệ thông tin, công nghệ cao”, Tổng thống Hàn Quốc nói và tin tưởng DN hai bên sẽ tìm được nhiều dự án để hợp tác cùng nhau.
Lý giải sự hợp tác thành công giữa các DN hai nước Việt - Hàn, không chỉ là vấn đề hai bên cùng có một số nét văn hóa tương đồng Á Đông, là vị trí địa lý, mà còn vì chung một mục tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt coi trọng nguyên tắc các bên cùng có lợi. Và cần thiết có những nghiên cứu về “mối duyên” này, để chúng ta rút ra những bài học, kinh nghiệm, nguyên tắc để có thể áp dụng với các quốc gia đối tác bạn bè.