Theo đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định là quy định vấn đề thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục sau khi đã có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, bao gồm: trình tự, thủ tục giám sát, giáo dục; quyền, nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phát sinh từ thời điểm UBND cấp xã nhận được quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự thống nhất.
Về cơ quan làm đầu mối, tham mưu giúp Chủ tịch UBND cùng cấp trong việc tổ chức thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục tại địa phương đối với người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự, hầu hết các ý kiến đều đề nghị giao cho Công an cấp xã làm đầu mối thay vì giao cho công chức văn hóa – xã hội hoặc để Chủ tịch UBND tự lựa chọn và quyết định đơn vị đầu mối tham mưu. Bởi lẽ trong lĩnh vực này, cơ quan Công an là đơn vị chuyên nghiệp, có điều kiện và có kinh nghiệm nhất, đồng thời điều này cũng phù hợp với thực tế hiện nay là cơ quan Công an được giao nhiệm vụ lập và quản lý hồ sơ cũng như tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp xã trong việc giám sát, giáo dục các đối tượng chấp hành án hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính ở ngoài xã hội.
Về việc giao thực hiện nhiệm vụ trực tiếp giám sát, giáo dục, các thành viên đều đề nghị quy định Chủ tịch UBND cấp xã quyết định giao cho một cá nhân cụ thể như cán bộ làm công tác xã hội, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ đoàn, cán bộ phụ nữ, cựu chiến binh… làm nhiệm vụ nhằm đề cao trách nhiệm cá nhân và đảm bảo tính chuyên môn hóa trong việc thực hiện giám sát, giáo dục.
Đại diện VKSNDTC cho rằng cần gắn kết rõ hơn nữa trách nhiệm của cơ quan đầu mối và người trực tiếp làm nhiệm vụ giám sát, giáo dục. Việc giao cho cá nhân trực tiếp làm nhiệm vụ là hợp lý nhưng cần cân nhắc, xem xét theo thứ tự ưu tiên, nếu cha mẹ, người giám hộ đủ điều kiện, có nhân thân tốt, có văn bản cam kết thực hiện nhiệm vụ giám sát, giáo dục thì nên giao họ trước để biện pháp này phát huy tác dụng cao nhất. Còn đại diện đến từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất giao cho người làm công tác trẻ em cấp xã đã được quy định trong Luật Trẻ em để đảm bảo tính khả thi.
Còn ông Nguyễn Phước Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng Nghị định này cần làm nổi bật được tính thân thiện, nhân văn của chế độ giám sát, giáo dục so với các biện pháp tư pháp khác song vẫn phải thể hiện tính bắt buộc của nó để đảm bảo tính khả thi. Trong đó, cần đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của BLHS năm 2015, một trong những nghĩa vụ của người được áp dụng biện pháp hòa giải là phải thực hiện việc bồi thường, xin lỗi người bị hại và cơ quan quyết định áp dụng biện pháp hòa giải sẽ ấn định thời gian thực hiện nghĩa vụ này. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định rõ là nghĩa vụ này có phải là điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự và giao người dưới 18 tuổi cho địa phương thực hiện việc giám sát, giáo dục hay không.
Về vấn đề này, đại diện VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an nêu lên thực tiễn hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự khi các bên đã hòa giải thành và thực hiện xong các nghĩa vụ về bồi thường thiệt hại, xin lỗi người bị hại, không có đơn khiếu nại và người bị hại có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, việc quy định thực hiện xong các nghĩa vụ về bồi thường thiệt hại rồi mới ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự sẽ giúp hạn chế xảy ra các tranh chấp về dân sự.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 thì điều kiện để áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng là “khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự”. Theo quy định này, có khả năng xảy ra trường hợp người bị hại đồng ý hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự nhưng nghĩa vụ bồi thường thiệt hại sẽ thực hiện sau và người bị hại cũng đồng ý với việc đó. Trong trường hợp này, nếu người phạm tội có cam kết thực hiện hết nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và người bị hại cũng chấp nhận điều đó và cơ quan tiến hành tố tụng sẽ quyết định miễn trách nhiệm hình sự, áp dụng biện pháp hòa giải thì trong Nghị định này cũng cần có điều khoản quy định về việc giám sát, giáo dục người chưa thành niên thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đó.
Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, Thứ trưởng Lê Tiến Châu nhận định, giao Công an xã làm đầu mối và giao cá nhân trực tiếp làm nhiệm vụ giám sát, giáo dục các đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự dưới 18 tuổi là hợp lý song cần quy định rõ về trách nhiệm phối hợp giữa Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan, giữa đầu mối và người trực tiếp thực hiện. Để Nghị định đảm bảo tính khả thi, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, cần tiến hành khảo sát, tìm hiểu thực tế ở xã, phường để nắm bắt được thực trạng, từ đó đưa ra các quy định phù hợp.