Các biến thể ma túy mới: Nguy cơ khó xử lý đối tượng vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại Việt Nam xuất hiện nhiều chất ma túy, chất hướng thần mới có tính năng, tác dụng tương tự ma túy nhưng chưa có tên trong Nghị định 60/2020/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.
Một vụ tai nạn giao thông tại Long An do tài xế dương tính với ma túy điều khiển phương tiện.
Một vụ tai nạn giao thông tại Long An do tài xế dương tính với ma túy điều khiển phương tiện.

Xuất hiện nhiều chất tác hại như ma túy

Theo số liệu của cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp quốc (UNODC), cứ khoảng 1 tuần đến 10 ngày trên thế giới lại phát hiện thêm một chất hướng thần mới. Xu hướng xuất hiện những loại ma túy mới trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng rất phức tạp, gây khó khăn cho công tác giám định và đấu tranh với loại tội phạm này.

Một trong các loại chất đang được nhiều đối tượng sử dụng nhất hiện nay là “bóng cười”, nhưng không có chế tài xử lý tội danh liên quan ma túy. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Trong trường hợp cười do hít “bóng cười”, việc cười quá mức, liên tục cũng có thể gây ngạt do thiếu ôxy.

Việc sử dụng N2O kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong.

Thời gian qua, ma túy tổng hợp “núp bóng” nhiều dạng khác nhau tấn công giới trẻ, học sinh, sinh viên như “Nước vui”, đựng trong các lọ nhỏ khoảng 10-15ml rất bắt mắt, thường trộn lẫn các loại nước có ga để uống, tạo cảm giác hưng phấn, vui vẻ kéo dài. Hay “trà sữa” tồn tại ở dạng bột, có mùi sữa, được pha cùng với các loại nước có ga tạo thành dung dịch có màu sắc, mùi vị giống như trà sữa thông thường, làm tăng độ hưng phấn cho người sử dụng. Kẹo mút cần sa với thành phần các loại bánh kẹo có chứa tinh dầu cần sa khiến người dùng có cảm giác kích thích, mơ màng. Tem giấy còn gọi “bùa lưỡi” là miếng giấy như mảnh bìa chơi của trẻ em, được tẩm chất gây ảo giác LSD - chất ma túy nguy hiểm nhất.

Mới đây, “nấm ma thuật” có hình dáng không khác các loại nấm thường dùng làm thực phẩm, du nhập vào Việt Nam, gây ảo giác bay bổng, cười khóc vô cớ, người trầm cảm trở nên vui tươi lạ thường..., nhưng sử dụng nhiều sẽ gây ức chế trung tâm thần kinh vận động và hô hấp, loạn trương lực cơ, lú lẫn, co giật, hôn mê, có thể dẫn đến tử vong.

“Nước biển” hay “GHB”, “Vitamin G” là cách gọi của “dân chơi” dùng cho chất Gamma Hydroxy Acid Butyrat, có dạng dung dịch lỏng không mùi, vị hơi mặn. Sử dụng “nước biển” thường khiến con người cảm thấy hưng phấn, xuất hiện ảo giác, kích thích hoạt động (nhất là ở nơi có âm thanh mạnh như vũ trường, quán bar, karaoke...).

Lợi dụng danh mục ma túy để “lách luật”

Trung bình cứ sau 2 - 3 năm, Nghị định quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất lại sửa đổi, bổ sung danh mục các chất ma túy và tiền chất được ban hành. Tuy nhiên, tội phạm ma túy đã kịp “sáng chế” những loại ma túy mới không nằm trong danh mục để lách luật.

Vào năm 2015 - 2016, cảnh sát phát hiện nhiều vụ nhập lậu hàng tấn lá khát về Hải Phòng. Trước đó, giới “dân chơi” cả nước đã biết đây là loại lá được mệnh danh là lá “thiên đường” với mức độ “phê” cực cao. Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an xác định lá khát có chứa chất cathinone - một chất kích thích có mức độ nguy hiểm hơn ma túy “đá” gấp nhiều lần, độc hại hơn các loại ma túy thông thường gấp 500 lần. Tuy vậy, tới năm 2018, với Nghị định số 73/2018, lá khát mới được xác định là chất ma túy, được bổ sung vào danh mục bị cấm.

Năm 2020, tại Việt Nam cũng xuất hiện nhiều chất ma túy, chất hướng thần mới chưa có trong danh mục các chất ma túy và tiền chất được áp dụng thời điểm đó, như loại “nấm thức thần” có chất Acetylpsilocine, hay những loại viên nén ma tuý. Sau khi phát hiện, tới tháng 5/2020, Acetylpsilocine mới được bổ sung vào danh mục chất ma túy tại Việt Nam.

Tháng 6/2021, lực lượng khoa học hình sự phát hiện thêm 8 chất có tính năng tương tự ma túy. Qua giám định, các chất mới tìm thấy không nằm trong danh mục của Nghị định 60/2000/NĐ-CP nên không thể xử lý như tội phạm ma tuý.

Để xử lý vấn đề này, Thượng tá - Tiến sĩ Đặng Văn Đoàn - Viện phó Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an cho rằng, cần phải kết hợp nhiều biện pháp. Đầu tiên phải kiểm soát thật tốt nguồn cung ma túy ngay từ cửa khẩu, từ biên giới. Ngoài ra, ngay từ trong nội địa cần phải kiểm soát chặt chẽ các hóa chất, tiền chất cũng như các loại tân dược, thuốc thú y có liên quan tội phạm ma túy.

Đối với công tác giám định cần bổ sung các chất chuẩn ma túy, đây là cơ sở then chốt để giải quyết các vụ án về ma túy. Hiện danh mục ma túy cần kiểm soát tại nước ta đã có 543 chất, đối với các chất mới chưa có trong danh mục cần sớm bổ sung vào danh mục chất ma túy cần kiểm soát.

Đọc thêm