Các cấp toà đang "vênh" nhau khi xét xử côn đồ?

(PLO) - Cùng là bị cáo có nhân thân xấu, thực hiện hành vi côn đồ, tàn ác nhưng ở vụ án này, cấp phúc thẩm TANDTC cho rằng hành vi mang tính côn đồ, ở vụ án khác lại cho rằng hành vi không mang tính côn đồ. Cùng là phán quyết của cấp phúc thẩm TANDTC, với hành vi phạm tội mang tính chất tương tự nhau nhưng lại có những cách phán quyết “tréo ngoe” khiến ngay bản thân cấp sơ thẩm cũng không phục, còn dư luận thì hoài nghi, bức xúc. 
Hình chỉ mang tính minh họa (internet)
Giết người vì bị ngược đãi, vẫn côn đồ!
Vũ Ngọc Tú (SN 1962, ở xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) từng có 2 tiền án, chưa được xóa án tích. Tháng 9/2011, sau khi mãn hạn tù, Tú bị vợ bỏ, con theo mẹ nên không còn gia đình làm chốn dung thân, đành dọn đến ở cùng mẹ già và gia đình anh trai là Vũ Văn T. 
Cuộc sống hết sức bức bối, ngột ngạt, bản thân Tú bị kỳ thị là kẻ nhân thân xấu, phải ăn nhờ ở đợ nên rất mặc cảm. Mặc dù trước kia khi còn trai tráng, chưa vướng bận gia đình Tú cũng có công sức đóng góp vào việc xây ngôi nhà hiện tại của anh T.
Tối 6/1/2013, giữa Tú và anh T. xảy ra mâu thuẫn, tranh luận về việc Tú bị gia đình anh T. khinh rẻ, ngược đãi. Lời qua tiếng lại, hai anh em dẫn đến xô xát, bị anh T. đánh, Tú tức giận rút con dao gọt hoa quả đâm nạn nhân tử vong. 
Với hành vi trên, TAND tỉnh Nam Định xử sơ thẩm xác định rằng bị hại là người có lỗi trước và hành vi phạm tội của bị cáo xuất phát từ lỗi của bị hại nên tuyên phạt Vũ Ngọc Tú mức án 12 năm tù theo Khoản 2 Điều 93 BLHS.
 Bản án sơ thẩm trên bị VKSNDTC kháng nghị phúc thẩm theo hướng xử bị cáo về hành vi phạm tội mang tính côn đồ theo Khoản 1 Điều 93 BLHS và xử tăng mức án. Sau đó, TANDTC xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, tuyên Vũ Ngọc Tú mức án 15 năm tù theo Khoản 1 Điều 93 BLHS.
Nhiều người cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo Tú có nguyên nhân do lỗi của bị hại chứ không phải mang tính chất côn đồ. Với người có tình trạng nhân thân như Tú thì vẫn có thể bị kết án 15 năm tù, mức án cao nhất của khung hình phạt theo Khoản 2 Điều 93 BLHS. Nhưng vẫn với mức hình phạt như thế mà “khép” thêm cho bị cáo phải chịu tình tiết “phạm tội có tính côn đồ” là khiên cưỡng. 
Đang trốn nã, lại giết người thì không côn đồ
Bị cáo là Đỗ Văn Tuyến (SN 1980, quê Quốc Oai, Hà Nội) là đối tượng từng có 2 tiền án. Trong khi chưa được xóa án tích, Tuyến lại tiếp tục phạm tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm. 
Trong khi đồng bọn bị bắt thì Tuyến vào Đồng Tháp trốn lệnh truy nã. Ngày 21/12/2011, Tuyến đã dùng dao thủ sẵn đâm anh Phan Văn Thông trúng vào tay. Nghe tiếng anh Thông kêu cứu, anh Đỗ Quốc Phong và anh Phan Văn Giàu liền chạy đến truy hô, rượt đuổi, vây bắt Tuyến. Khi bị anh Giàu xông vào ôm, khống chế, Tuyến móc dao đâm thẳng vào ngực anh Giàu; đâm vào ngực và lưng  anh Phong. Anh Giàu được đưa đi cấp cứu nhưng 20 ngày sau thì tử vong. Anh Phong bị thương tật 5%, anh Thông thương tật 1%.
Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Tháp xác định Đỗ Văn Tuyến có nhân thân xấu, đang bị truy nã lại tái phạm nguy hiểm, hành vi phạm tội có tính chất côn đồ, giết nhiều người nên tuyên phạt Tuyến mức án tử hình. Sau đó Tuyến kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. HCM xét thấy bản án sơ thẩm là đúng pháp luật nên vẫn tuyên y án tử hình đối với bị cáo.
Điều bất ngờ là sau đó bản án phúc thẩm trên đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị giám đốc thẩm với lý do hành vi của Tuyến chỉ phạm tội thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm”; không đủ cơ sở xác định Tuyến phạm tội mang tính côn đồ và giết nhiều người. Chính vì vậy, tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đã giảm hình phạt cho Đỗ Văn Tuyến từ tử hình xuống còn chung thân. Phán quyết trên đã gây ra nhiều tranh cãi pháp lý, khiến dư luận không “tâm phục, khẩu phục” còn các bị hại thì vô cùng bức xúc, bất bình. 
Thiếu hướng dẫn, áp dụng không thống nhất
Thực tế, có nhiều vụ án các cấp tòa “vênh” nhau trong việc xác định hành vi có hay không có tính chất côn đồ. Thậm chí có tòa cấp dưới bị tòa cấp trên hủy, sửa bản án về vấn đề này còn bày tỏ sự phản ứng, không “tâm phục, khẩu phục”. Nguyên nhân là do hiện luật vẫn chưa quy định rõ ràng, chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là “hành vi phạm tội có tính chất côn đồ” để các cơ quan tố tụng căn cứ vào đó mà xác định cho chuẩn xác. 
Hiện nay, các tòa án thường căn cứ vào Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự để xác định khái niệm phạm tội có tính chất côn đồ là trường hợp phạm tội chỉ vì những nguyên cớ nhỏ nhặt hoặc vô cớ, thể hiện tính coi thường pháp luật, xem thường tính mạng, sức khỏe của người khác. 
Thực tế, những trường hợp bị cáo có nhân thân xấu, có tiền án, tiền sự, khi phạm tội thể hiện tính hung hăng, càn quấy thì cũng bị quy là phạm tội có tính chất côn đồ… Tuy nhiên, vì thiếu hướng dẫn nên vẫn có trường hợp nhân thân cực xấu, hành vi hung hăng táo tợn như bị cáo Vũ Ngọc Tuyến kể trên vẫn được xác định “không côn đồ” và thoát án tử ngoạn mục. 
Thiết nghĩ, TANDTC cần sớm có hướng dẫn cụ thể vấn đề này để việc áp dụng pháp luật đảm bảo đồng bộ, thống nhất.      

Đọc thêm