21 năm chờ được bồi thường do bị kết án oan

(PLO) - Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông nói khá nhiều về con đường đi tìm công lý của những người bị kết án oan. Để cầm được quyết định minh oan trên tay có người phải mất  hàng năm trời, cá biệt có trường hợp lên đến hơn 20 năm, với biết bao gian nan, tủi nhục. 
Ông Phan Văn Lá (ngoài cùng bên phải) cùng hai người em ông Lá là ông Tân, ông Châu trình bày về vụ việc của ông.
Ông Phan Văn Lá (ngoài cùng bên phải) cùng hai người em ông Lá là ông Tân, ông Châu trình bày về vụ việc của ông.
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!
Trong số những người phải chờ đợi thời gian đòi bồi thường do bị kết án oan hơn 21 năm là trường hợp của ông Phan Văn Lá ở xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. 
Tối ngày 21/07/1991, đường dây dẫn điện của ấp 1, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An bị mất điện, nghi có kẻ gian cắt trộm nên người dân trong ấp đi tuần tra. Cùng lúc đó hai em Phan Văn Tân (15 tuổi) và Phan Văn Châu (13 tuổi) đang đi soi cá, sợ bị thu bình điện nên Tân bỏ chạy mang theo bình điện về nhà anh Trọng (ngụ xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành) gửi rồi mượn xe đạp của anh Trọng quay lại Hiệp Thạnh thì bị bắt cùng với Châu. 
Trong quá trình điều tra, Tân và Châu không nhận tội nhưng buộc phải khai ra người thực hiện hành vi cắt trộm dây điện. Do bị đánh nên Tân đã khai anh ruột mình là ông Lá có tham gia, mặc dù vào thời điểm nói trên, ông Lá đang ngủ ở nhà.
Bản án sơ thẩm số 16/HSST ngày 28/12/1991, TAND huyện Châu Thành đã tuyên phạt ông Lá 4 năm tù giam về tội “Hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa”. 
Sau đó, ông Lá kháng cáo kêu oan lên TAND tỉnh Long An. Bản án phúc thẩm số 44/HSPT ngày 05/9/1992 TAND tỉnh Long An đã hủy toàn bộ án sơ thẩm, giao hồ sơ điều tra xét xử lại theo thủ tục chung do TAND huyện Châu Thành vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và chưa đủ căn cứ kết luận ông Lá phạm tội. 
Ngày 15/10/1992 VKSND huyện Châu Thành đã ra quyết định hủy bỏ việc tạm giam, cho ông Lá tại ngoại. Đến tháng 9/2013, tức sau gần 21 năm công an huyện Châu Thành mới ban hành quyết định đình chỉ điều tra, xác định ông Lá không có hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm của TAND huyện Châu Thành quy kết vào năm 1991.
Tương tự, ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cũng xảy ra vụ án oan kéo dài từ năm 2000, đến năm 2013 mới có quyết định minh oan. Đó là trường hợp của chị em bà Phan Thị Tuyết Loan, Phan Thị Kim Phụng. 
Do không đồng ý với quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tháp Mười vì phần đất của gia đình nằm ngoài quy hoạch của chính phủ xây dựng thị tứ Trường Xuân, huyện Tháp Mười. Khi UBND huyện Tháp Mười tiến hành cưỡng chế, bà Loan, bà Phụng ra ngăn cản nên bị công an huyện khởi tố, bắt giam.
Sau đó, bà Loan, bà Phụng bị TAND huyện Tháp Mười kết án về tội “Chống người thi hành công vụ với mức án từ 12 đến 18 tháng tù. 
Hai bà kháng cáo kêu oan và được TAND tỉnh Đồng Tháp xử phúc thẩm hủy án sơ thẩm vì cấp sơ thẩm có dấu hiệu vi phạm tố tụng và chưa đủ căn cứ để buộc tội bà Loan, bà Phụng. 
Trong quá trình chờ được minh oan, UBND tỉnh Đồng Tháp đã xem xét lại việc thu hồi đất của UBND huyện Tháp Mười và xác định việc thu hồi này là chưa đúng pháp luật. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã có quyết định sửa sai bằng cách bồi thường thiệt hại cho gia đình bà Loan, bà Phụng đối với phần đất thu hồi sai. 
Riêng về phần bị xử lý hình sự, mãi đến tháng 3/2013, Công an huyện Tháp Mười mới ra quyết định đình chỉ xác định hành vi của bà Loan, bà Phụng không cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ” như án sơ thẩm của TAND huyện Tháp Mười.
Điệp khúc “chờ hướng dẫn”!
Sau khi nhận quyết định đình chỉ điều tra, xác định không có hành vi phạm tội, ông Lá, chị em bà Loan, bà Phụng đều làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị kết án oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (TNBTNN). 
Ông Phan Văn Lá với chồng đơn kêu oan và đòi bồi thường thiệt hại.
 Ông Phan Văn Lá với chồng đơn kêu oan và đòi bồi thường thiệt hại. 
Sau khi nhận được đơn của ông Lá, TAND huyện Châu Thành ra thông báo trả lại đơn với lý do chưa xác định được cơ quan nào chịu trách nhiệm bồi thường do kết án oan đối với ông (?) Tương tự, bà Loan, bà Phụng cũng được lãnh đạo TAND huyện Tháp Mười trả lời chờ ý kiến chỉ đạo của TAND tỉnh. Liên hệ với TAND tỉnh Đồng Tháp, bà Phụng, bà Loan được trả lời chờ hướng dẫn của TAND Tối cao. 
Không đồng ý với cách trả lời này, cả ông Lá, bà Phụng, bà Loan đều làm đơn gửi đến Chủ tịch Nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhờ can thiệp. Các cơ quan này có văn bản thông báo cho ông Lá, bà Loan, bà Phụng là đã chuyển đơn của họ về cho TAND tỉnh Long An và tỉnh Đồng Tháp để giải quyết theo thẩm quyền.
Thế nhưng, mới đây, ngày 19/12/2013, ông Lá được TAND tỉnh Long An mời lên giải quyết đơn. Tiếp ông Lá là Phó Chánh án TAND tỉnh Lê Quang Hùng. Tại buổi làm việc, ông Hùng cho rằng hiện nay TAND tỉnh đang gửi văn bản xin ý kiến TAND tối cao, khi nào có văn bản trả lời của TAND tối cao thì TAND tỉnh mới giải quyết.
Khi ông Lá đề nghị cho xem nội dung văn bản gửi TAND tối cao thì ông Hùng nói “đây là tài liệu nội bộ của ngành nên không được xem” và ông Hùng cũng không xác định được khi nào việc của ông Lá sẽ được giải quyết. 
Sau buổi làm việc với ông Lê Quang Hùng, ông Lá cho biết: “Hơn 21 năm chờ đợi trong mòn mỏi để được minh oan. Tưởng đâu, khi được giải oan rồi thì các cơ quan gây oan sai phải nhanh chóng bồi thường, xin lỗi một tiếng, đằng này cứ đẩy tới đẩy lui, không biết đến bao giờ mới có câu trả lời từ người có trách nhiệm. Tết nhứt tới nơi mà phải đi lên tòa đòi bồi thường oan sai hoài, còn thời gian đâu nữa mà làm ăn”.
Tâm trạng của ông Lá cũng là tâm trạng của bà Loan, bà Phụng. Để được minh oan, hai chị em bà Loan bà Phụng phải trải qua những tháng ngày “ăn dầm nằm dề” ở Hà Nội để kêu oan, cha chết, tuổi thanh xuân đi qua, gia đình ly tán… Vậy mà giờ đây, họ lại tiếp tục phải chờ đợi. Còn chờ đến bao giờ thì người có trách nhiệm không xác định được.  
Luật TNBTNN, Nghị định 16 (năm 2010) của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật TNBTNN, Thông tư liên tịch 05 (năm 2012) hướng dẫn bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự đã hướng dẫn rất cặn kẽ, chi tiết: trường hợp bản án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm hủy án giao về điều tra lại mà cơ quan điều tra đình chỉ vụ án do bị can không thực hiện tội phạm (hoặc không chứng minh được hành vi phạm tội của bị can) thì tòa án cấp sơ thẩm đã kết án oan có trách nhiệm bồi thường.
Luật đã có, vậy mà người bị oan cứ phải chờ để được bồi thường thiệt hại, chờ được xin lỗi. Họ cảm thấy uất ức khi đi đòi công lý do người có trách nhiệm gây ra mà chẳng khác nào đi xin xỏ. 

Đọc thêm