Các chuỗi cửa hàng “núp bóng” Hàn Quốc vẫn chưa minh bạch với khách hàng

(PLO) - Đã hơn 1 tháng kể từ khi bị phát hiện bán sản phẩm Trung Quốc dưới mác cửa hàng Hàn Quốc, các chuỗi cửa hàng gia dụng như Mumuso, Miniso… vẫn chưa đưa ra được giải thích thoả đáng cho người tiêu dùng, ngoài các chiêu “chữa cháy”.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Miniso và Mumuso vào Việt Nam đã hơn 2 năm nay, và là hai trong số rất nhiều thương hiệu cửa hàng gia dụng bán lẻ được giới trẻ rất ưa chuộng. Ưu thế của kiểu chuỗi cửa hàng bán lẻ này là mẫu mã rất đẹp, giá rẻ và được cho là xuất xứ từ các nước có sản phẩm chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản. Thế nhưng, vào tháng 5 vừa qua, hai chuỗi cửa hàng này đã bị phát hiện có sự nhập nhèm về nguồn gốc sản phẩm, cụ thể là từ 80-90% sản phẩm có bán tại cửa hàng xuất xứ từ Trung Quốc chứ không phải Hàn Quốc hay Nhật Bản như những dòng tiếng Hàn, tiếng Nhật đăng chi chít trên bao bì làm người tiêu dùng hiểu lầm.

Như thế, các thương hiệu này đã đánh vào sự ưa thích của người tiêu dùng Việt Nam như thích đẹp, rẻ, chuộng sản phẩm Nhật, Hàn... để lập lờ đánh lận và thu hút khách hàng. Sau đó, mặc dù phía các công ty này đã đưa ra giải thích rằng, để giảm giá thành sản phẩm nhưng vẫn bảo đảm chất lượng nên gia công ở Trung Quốc, thì vẫn không thể giải thích được vì sao ngay cả trụ sở công ty mẹ và giấy phép đăng kí kinh doanh của công ty lại ở Thượng Hải. Đồng thời, Bộ Công Thương đã chính thức bác bỏ lời giải thích này và khẳng định, Bộ chưa cấp phép nhượng quyền cho thương hiệu này vào Việt Nam. Truyền thông Hàn Quốc cũng cho rằng đây là công ty của Trung Quốc “núp bóng” Hàn Quốc vì các thương hiệu này không phải của công ty Hàn Quốc.

Mới đây nhất, cơ quan thuế đã rà soát thông tin về Công ty Mumuso Việt Nam và đưa ra những thông tin bất ngờ: Công ty này đã thay đổi thông tin kinh doanh đến 41 lần trong thời gian qua. Cơ quan thuế cũng cho biết sẽ tiếp tục rà soát vì công ty này có dấu hiệu mập mờ trong kinh doanh. 

Sau bao lùm xùm như thế, ngoài lời giải thích chưa có gì rõ ràng thì việc các công ty này đẩy mạnh là truyền thông truyền miệng, dùng nhiều người nổi tiếng để bênh vực mình, tác động vào tâm lý khách hàng. Và các cửa hàng vẫn hoạt động bình thường. 

Trong khi đó, người tiêu dùng cần một câu trả lời thành thật, cần thông tin minh bạch, vì các sản phẩm mỹ phẩm, đồ dùng hàng ngày... tại các cửa hàng này có nguồn gốc ở đâu, chất lượng thế nào có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tâm lý tiêu dùng. Nếu lâu dài mà doanh nghiệp vẫn chây ì và không có giải thích thoả đáng, có lẽ sự tẩy chay tiêu dùng sẽ đến như một điều đương nhiên. Và tất nhiên, điều cần thiết là động thái của các đơn vị quản lý nhà nước trước những doanh nghiệp có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. 

Đọc thêm