1. Lương tối thiểu vùng
Theo điều 3 của Nghị định 153/2016/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Thì từ ngày 01/01/2017, mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ tăng từ 180.000 - 250.000 đồng/tháng so với năm 2016. Và cụ thể như sau:
Đối tượng áp dụng mức lương này: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
- Vùng I: 3.750.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng/tháng).
- Vùng II: 3.320.000 đồng/tháng (tăng 220.000 đồng/tháng).
- Vùng III: 2.900.000 đồng/tháng (tăng 200.000 đồng/tháng).
- Vùng IV: 2.580.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng).
Đối với doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.
Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.
2. Lương tối thiểu chung (lương cơ sở)
Căn cứ khoản 10 Điều 2 của Nghị quyết 27/2016/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 do Quốc hội ban hành.
Từ ngày 01/01/2017 mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện, ở cấp xã, ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang là 1,3 triệu đồng/tháng tăng 90 nghìn đồng/tháng so với trước đây.
Với việc tăng mức lương tối thiểu vùng và lương cơ sở như trên thì đối với người lao động là người giúp việc có có những thay đổi như sau:
Tại Khoản 1 Điều 15 của Nghị định 27/2014/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình. Theo đó lương tối thiểu đối với người giúp việc gia đình không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể là: Vùng I:người giúp việc có lương không thấp hơn 3.750.000 đồng/tháng
Vùng II: người giúp việc có lương không thấp hơn 3.320.000 đồng/tháng.
Vùng III: người giúp việc có lương không thấp hơn 2.900.000 đồng/tháng.
Vùng IV: người giúp việc có lương không thấp hơn 2.580.000 đồng/tháng.
Đối với lương tối thiểu ngành từ ngày 1/1/2017 cũng có những sự thay đổi sau:
Khoản 3 Điều 91 của Bộ luật Lao động 2012 quy định mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành và mức lương này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Tức là vùng I: không thấp hơn 3,7 triệu đồng/tháng; vùng II: không thấp hơn là 3,32 triệu đồng/năm; vùng III: không thấp hơn là 2,9 triệu đồng/năm; vùng IV: không thấp hơn là 2,58 triệu đồng/năm.
Địa bàn thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP.