Theo truyền thống trong nước, đồng USD cùng với các loại tiền tệ khác luôn được nhiều người Nga muốn giữ như một hàng rào chống lại bất kỳ sự sụt giảm giá trị nào của đồng rúp hoặc gia tăng lạm phát, cả hai đều có thể là đích đến cho các các lệnh trừng phạt nước ngoài.
Trả lời hãng tin Reuters, ông Valery Piven - Giám đốc cấp cao tại ACRA - cho biết con số này dựa trên những báo cáo tháng thực tế mà các ngân hàng đã nộp lên Ngân hàng Trung ương Nga. Hồi tháng 11/2021, các ngân hàng này cũng đã nhập khẩu ngoại tệ trị giá 2,1 tỷ USD.
Theo các nguồn tin nói với Reuters, hiện Mỹ đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, đề xuất cắt một số ngân hàng hàng đầu của nước này khỏi các giao dịch bằng đồng USD và giảm khả năng thực hiện các nghĩa vụ bằng đồng USD của Nga.
“Tỷ lệ tài sản ngoại hối và nợ phải trả do các ngân hàng nắm giữ được quy định bởi ngân hàng trung ương và hiện tại không gây ra mối lo ngại. Trong khi đó, sự gia tăng nhập khẩu ngoại hối của quốc gia liên quan nhiều hơn đến nhu cầu tiền mặt có thể tăng đột biến”, ông Piven nói.
Ngân hàng Trung ương Nga từ chối bình luận trước thông tin này. Các ngân hàng Nga thường xuyên nhập khẩu ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu từ khách hàng muốn tích trữ tiền USD hoặc EURO, phục vụ cho việc đi lại ra nước ngoài hoặc trong các tình huống khó lường.
Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nga cho biết khoảng một nửa dự trữ ngoại hối và nợ của các nhà băng nước này là bằng USD. Các tỷ lệ này giảm so với 80% năm 2002 và 70% năm 2014.
Các nguồn tin cho biết, để chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt có thể xảy ra đối với các giao dịch bằng đồng USD, các ngân hàng hàng đầu của Nga đã mở tài khoản đại lý giữa họ với nhau, cho phép họ chuyển đô la trong nước, với điều kiện ít nhất một bên cho vay lớn không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.