Các nhà giáo thất vọng vì tỷ lệ đỗ tốt nghiêp quá cao?

GS Phạm Minh Hạc cho rằng, tỷ lệ đỗ tốt nghiêp quá cao hoàn toàn không đáng tin. Thực tế, nếu việc dạy và học trong nhà trường thực sự tích cực thì việc mỗi năm tỷ lệ tốt nghiệp tăng vài phần trăm đã là khó, nếu tăng như hiện nay thì tất yếu sẽ đem lại nhiều hoài nghi. Vấn đề là Bộ phải nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật đó, có như vậy dư luận, người dân mới tin. Còn nói đã làm rất tốt rồi, tỷ lệ tốt nghiệp 100% thì chắc chắn không ai tin cả.

Những ngày này, việc xử lý sai phạm clip tiêu cực ở THPT Đồi Ngô ( Bắc Giang) cũng đã được công bố. Cùng với đó, những tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tại khắp các tỉnh thành đã được niêm yết với tỷ lệ gần như tuyệt đối…  Nhưng thay vì vui mừng là nỗi thất vọng của chính người trong cuộc… 

Dễ dàng vượt qua kỳ thi Tốt nghiệp
Dễ dàng vượt qua kỳ thi Tốt nghiệp
Từ 0% tới tỷ lệ đỗ 100%
Xu thế chung của các tỉnh thành năm nay, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đều tăng và có những nơi xấp xỉ đạt con số tuyệt đối như Hưng Yên, Hải Phòng... 
Ỏ miền Bắc, dẫn đầu là tỉnh Ninh Bình với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT và hệ giáo dục thường xuyên lần lượt là 99,9% và 99,3%.  Bắc Giang cũng đã công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt mức cao: 99,4 %, chỉ riêng trường THPT DL Đồi Ngô giảm gần 20% tỷ lệ đỗ tốt nghiệp so với năm 2011. Dẫn đầu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long là thành phố Cần Thơ, đạt 99,8% ở hệ trung học phổ thông và hệ giáo dục thường xuyên đạt 78,5%. Tại khu vực miền Trung, thành phố Đà Nẵng đạt tỷ lệ 99,5% và chỉ có 50 thí sinh trượt tốt nghiệp THPT. Thừa Thiên - Huế có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất từ trước đến nay với khối THPT là 99,7%, khối bổ túc THPT đạt 96,8%...
So với năm ngoái, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp năm nay của các địa phương đều tăng, trong đó số trường có tỷ lệ đỗ 100% cũng nhiều hơn, như Hải Phòng 41 trường; Bình Định có 32 trường trung học phổ thông và 5 trung tâm giáo dục thường xuyên đạt tỷ lệ 100%. Cà Mau có đến 16 trường trung học phổ thông và 2 trường thuộc hệ giáo dục thường xuyên tốt nghiệp đạt 100%.
Quảng Ngãi có 30 trường, đặc biệt, sau 5 năm, một ngôi trường năm 2007 từng mang “danh” đậu tốt nghiệp 0% tại Quảng Ngãi đã tiến bộ vượt bậc để đạt kỳ tích tốt nghiệp 100%...
Có tin được không?
Với những kết quả như trên, nhiều “người trong cuộc”, các nhà giáo đều bày tỏ sự thất vọng thay vì vui mừng. GS Nguyễn Lân Dũng chua xót gọi kết quả này là “hài hước” vì cho rằng với 6 môn thi, gần 100% học sinh đều vượt qua là điều không tưởng. 
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội cho rằng, năm 2007, khi thực hiện “Hai không”, tỷ lệ tốt nghiệp chỉ hơn 60%, năm 2011 đã tăng trở lại mức cũ trước 2007 và năm nay cao hơn năm trước. PGS Văn Như Cương nhấn mạnh nếu có tới 99% số tỉnh thành có tỷ lệ tốt nghiệp từ 95 đến 99,9% là điều nguy hiểm vì xã hội sẽ không còn tin vào những con số, tin vào kỳ thi tốt nghiệp nữa.
 GS Phạm Minh Hạc cũng cho rằng con số này hoàn toàn không đáng tin. Thực tế, nếu việc dạy và học trong nhà trường thực sự tích cực thì việc mỗi năm tỷ lệ tốt nghiệp tăng vài phần trăm đã là khó, nếu tăng như hiện nay thì tất yếu sẽ đem lại nhiều hoài nghi. Vấn đề là Bộ phải nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật đó, có như vậy dư luận, người dân mới tin. Còn nói đã làm rất tốt rồi, tỷ lệ tốt nghiệp 100% thì chắc chắn không ai tin cả.
Tỷ lệ tốt nghiệp chỉ là kết quả cuối cùng thôi, còn trong quá trình thực hiện như thế nào thì chỉ những người thực hiện là hiểu rõ, có những chuyện họ sẽ không bao giờ công bố”. GS Hạc phân tích: “Một kỳ thi quốc gia, hàng triệu thí sinh và hàng chục nghìn giám thị. Đội ngũ lớn như vậy là rất phức tạp, chỉ xảy ra 1% vi phạm đã là hàng chục nghìn người. Con số lớn như vậy cộng với tâm lý xuê xoa, muốn có tỷ lệ tốt nghiệp cao mà giữ được trọn vẹn thì khó lắm.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thẳng thắn, nếu chúng ta cùng quan niệm thực học, thực nghiệp, học cho mình chứ không phải để đối phó với thi cử; nếu chúng ta có một đội ngũ thầy cô giáo tận tâm và biết làm gương thì chúng ta sẽ có một thế hệ học sinh chăm chỉ học tập. Việc xét lên lớp hằng năm và cuối cùng là chuyện tốt nghiệp hay phải lưu ban là do các thầy cô giáo đề nghị và hiệu trưởng quyết định. Giám đốc sở chỉ cần kiểm tra sự trung thực của từng trường rồi ký bằng tốt nghiệp THPT. Sau đó tùy năng lực mà học sinh tự chọn ra đời ngay hay là thi vào loại trường nào.
Uyên Na

Đọc thêm