Các ông bầu thao túng sự nghiệp của nghệ sĩ trẻ: Chuyện thường ngày ở showbiz?

(PLVN) - Chuyện nam thành viên một nhóm nhạc Việt trong chương trình “Người giấu mặt” tố cáo bị ông bầu gạ tình, do từ chối lời mời nên bị đánh, đuổi ra khỏi nhóm đã làm dư luận thực sự phẫn nộ nhiều ngày qua. 
MC Lê Anh và nhân vật nam trong tập "Bóng tối của giấc mộng hào quang" thuộc chương trình Người giấu mặt. Ảnh: Chụp màn hình
MC Lê Anh và nhân vật nam trong tập "Bóng tối của giấc mộng hào quang" thuộc chương trình Người giấu mặt. Ảnh: Chụp màn hình

Điều này cũng dễ hiểu bởi việc ông bầu gạ tình “gà cưng” trong làng giải trí (showbiz) vốn không còn xa lạ… nhưng câu chuyện còn hé lộ ra một mặt trái về những hợp đồng nghệ sĩ mà ở đó sự bất lợi thường thuộc về các nghệ sĩ trẻ.  

Hợp đồng “quyền lực” như thế nào?

Chia sẻ trong chương trình “Người giấu mặt”, nam thành viên cho biết do được “lọt vào mắt xanh” của một ông bầu (ca sĩ, nhạc sĩ) vì vẻ bề ngoài và được đề xuất ngay hợp đồng 7 năm với công ty mà hoàn toàn không đọc những điều khoản ràng buộc trong đó.

Thời gian đầu, công ty định hướng nhóm phải bám vào scandal hòng nổi thật nhanh, thu hút kinh phí thực hiện các sản phẩm âm nhạc tiếp theo. Sau đó, do không gặt hái được thành công như dự tính, nhóm vẫn phải tiếp tục tạo dựng ồn ào mặc dù không muốn. Đỉnh điểm là cuộc gặp riêng giữa anh và ông bầu, ông bầu đã thẳng thừng gạ gẫm chàng trai 19 tuổi “làm người tình” để đổi lấy “hào quang showbiz”.

Khi anh chàng thẳng thừng từ chối thì ông bầu bắt đầu “ra tay thao túng” sự nghiệp của anh như: khiến anh bị cắt hợp đồng xuất hiện trong gameshow, bị cắt line hát trong single mới, bị cấm túc ra ngoài công ty và không được sử dụng các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính hay mạng xã hội, thậm chí còn bị đánh đập ngay trên phố vì tỏ thái độ phản kháng.

Cuối cùng, ông bầu này yêu cầu thanh lý hợp đồng cùng nhiều điều khoản bất lợi cho người bị hại như cấm được hoạt động nghệ thuật trong vòng 3 năm với khoản bồi thường 20 triệu đồng.

Sau khi câu chuyện được lan truyền rộng rãi trên khắp mạng xã hội, nhiều người vẫn đặt nghi vấn đây chỉ là chiêu trò, nhưng phần lớn cư dân mạng đều bày tỏ những bức xúc. Bởi trên thực tế, việc các ông bầu, nhà sản xuất, đàn anh đàn chị trong nghề gạ tình nghệ sĩ mới, rồi dùng quyền lực, quan hệ trong nghề đề ép buộc, “trù dập” họ theo ý mình vốn không phải chuyện hiếm gặp. 

Như diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc từng chia sẻ: “Vấn đề này ở đâu cũng có nhưng trong showbiz thì nổi trội hơn cả, vì môi trường này đôi khi khắc nghiệt hơn để có một chỗ đứng, một cơ hội. Đến bây giờ thì không chỉ còn phái nữ nữa mà đến phái nam cũng có quá nhiều câu chuyện gạ tình”.

Nữ diễn viên còn bày tỏ, làng giải trí Việt quả thực đang rất thiếu thốn “sự bảo vệ con người”, bởi những người bị lạm dụng, bị gạ tình, rồi bị “trù dập” dường như cũng phải đánh đổi quyền được lên tiếng bảo vệ cho mình, vì những cơ hội được tiến thân trong showbiz. 

Thậm chí, ngoài những tố cáo về mặt gạ tình, còn có những lời đồn về việc tấn công tình dục, bạo hành về cả thể chất lẫn tinh thần, hoặc ép buộc họ sử dụng chất kích thích trong các cuộc giao lưu… Khi ký vào bản hợp đồng làm việc độc quyền với một công ty, hầu hết những nghệ sĩ trẻ chỉ rơi vào khoảng 16, 17 tuổi, chưa thể hiểu hết những ràng buộc về mặt pháp lý trong hợp đồng đó.

Không những bị ràng buộc về “sự tự do” trong sáng tác nghệ thuật, nghệ sĩ trẻ còn phải đối mặt với nhiều bất lợi về quyền được công khai, lên tiếng về những gì mình đang làm. Nhiều nghệ sĩ trẻ còn bị “đe dọa” sẽ bị hủy hoại sự nghiệp, tước toàn bộ mọi quyền hoạt động nghệ thuật nếu công khai những điều bất lợi cho công ty, thậm chí không chỉ hủy hoại cuộc sống của mình mà cuộc sống của gia đình cũng có thể bị đe dọa.

Điều này dường như rất điển hình trong ngành công nghiệp âm nhạc, hợp đồng đã nhận được sự đồng thuận của cả hai bên, nhưng các điều khoản thường rất có lợi cho bên sử dụng nghệ sĩ.

Nghệ sĩ có quyền được sáng tạo nghệ thuật

Trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013, “quyền sáng tạo nghệ thuật”, “quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa” là quyền của mọi người. Bởi vậy, theo câu chuyện trên, dù hai bên đã thỏa thuận bằng hợp đồng, hợp đồng đó cho dù chặt chẽ đến bao nhiêu, có được tước đi quyền được tham gia hoạt động nghệ thuật, hay quyền được lên tiếng bảo vệ cho bản thân của nghệ sĩ hay không? 

Thực tế cho thấy, mỗi khi có nghệ sĩ nào đứng lên tố giác việc bị gạ tình, bị lạm dụng, thì cũng chỉ được dư luận quan tâm một thời gian, sau rồi câu chuyện cũng trôi vào dĩ vãng. Những đối tượng bị tố giác ngoại tình chỉ cần im lặng hoặc phủ nhận người kia đang cố tạo scandal để nổi tiếng là qua chuyện, hoàn toàn chưa có những biện pháp thực tế để bảo vệ người nghệ sĩ. 

Có thể nói, văn hóa tố giác hầu như không tồn tại trong làng giải trí Việt. Nhưng, nếu dưới pháp luật ai có quyền lực và quan hệ, cũng có thể “một tay che trời”, sử dụng nhiều thủ đoạn trực tiếp hoặc gián tiếp để “thao túng” sự nghiệp của người khác, đẩy họ vào thế bất lợi, rồi đe dọa họ phải giữ im lặng, nếu những trường hợp này không bị xử lý, liệu sau này còn ai muốn phản kháng, hoặc lên tiếng để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng nghệ sỹ? 

Hiện nay, về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có hai nghị định liên quan gồm: Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định 15/2016/NĐ-CP  sửa đổi một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP.

Tuy vậy, có ý kiến cho rằng hai nghị định trên chỉ mới quy định về thủ tục cấp phép, kinh doanh biểu diễn chứ chưa đưa ra những chính sách phát triển ngành nghệ thuật nói chung. Thủ tục cấp phép, kinh doanh biểu diễn chỉ là một mảng nhỏ chứ chưa hướng đến mặt bằng lớn của phát triển nghệ thuật biểu diễn, mà trong đó đạo đức nghề nghiệp, đạo đức làm nghề chính là một rào cản lớn trong làng giải trí, nghệ thuật của Việt Nam.

Đến hiện giờ, vẫn chưa có những văn bản cụ thể quy phạm về đạo đức nghề nghiệp, quy định những điều nên và không nên làm, cũng như biện pháp để điều chỉnh, bảo đảm những hành vi đúng đắn được thực hiện. 

Thiết nghĩ, việc kêu gọi ý thức và cái gọi là “liêm sỉ” trong showbiz vẫn chỉ dừng lại ở lời nói, không thể giải quyết vấn đề thực tế chỉ bằng việc kêu gọi ý thức được. Nếu không có những quy định cụ thể thì những bất công vẫn còn tiếp diễn xảy ra, là rào cản cho những người hoạt động nghệ thuật chân chính, làm mất đi sự trong sạch của môi trường sáng tạo nghệ thuật, mà quan trọng hơn, chính các cơ quan chức năng cũng khó bề can thiệp để xử lý nghiêm minh, răn đe cho các trường hợp tương tự sau này.