Phạt đến 400 triệu nếu không đăng ký giao dịch chứng khoán
Đây là nội dung mới tại Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cụ thể:
Hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán đúng thời hạn sẽ bị xử phạt với các mức khác nhau từ 10 triệu đồng đến 400 triệu đồng; tùy theo thời gian chậm trễ so với thời hạn quy định.
Do đó, các công ty đại chúng cần lưu ý vấn đề này để nghiêm túc thực hiện việc đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch Upcom theo hướng dẫn tại Thông tư 180/2015/TT-BTC .
Nghị định 145/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/12/2016.
Phạt đến 400 nghìn đồng xe không chính chủ
Theo Điều 30, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, CSGT sẽ phạt: Từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân. Từ 200.000 đến 400.000 đồng với tổ chức.
Là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên (chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.
Vứt rác bữa bãi
Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ ngày 1/2/2017 tới, người dân vứt rác bừa bãi có thể bị phạt tới 7 triệu đồng.
Nghị định này cũng quy định rằng việc vứt, thải, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng cũng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Việc bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định theo nghị định cũng sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng. Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt này sẽ bị tăng lên gấp đôi.
Quy định này được cho là nhằm ngăn chặn, phòng ngừa việc xả rác bừa bãi nơi công cộng thời gian qua.
Phạt đến 3 triệu đồng nếu tè bậy, vệ sinh cá nhân ở nơi công cộng
Cũng trong Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói trên, quy định về xử phạt việc tè bậy, nếu bị phát hiện, cũng đã được nhắc tới.
Theo đó, Nghị định nêu rõ: “Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng”.
Quy định này được đặt ra nhằm xóa bỏ hình ảnh xấu xí về việc người dân thực hiện nhu cầu cá nhân của mình ngay trên hè phố ngay nơi công cộng.
Sửa đổi hướng dẫn xử phạt vi phạm về hóa đơn
Vừa qua, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 176/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 10/2014/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn.
Theo đó, sửa đổi Thông tư số 10 để phù hợp với quy định tại Nghị định 49/2016/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí và hóa đơn có hiệu lực từ ngày 01/8/2016.
Đơn cử: Phạt từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người mua làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách) có liên quan đến bên thứ ba, bên thứ ba do người mua thuê (tại Thông tư số 10 là 2 triệu đến 4 triệu).
Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu 500 nghìn đồng đối với cả bên đặt in và bên nhận in hoá đơn đối với hành vi đặt in hoá đơn mà không ký hợp đồng in bằng văn bản (tại Thông tư số 10 là 2 triệu đến 4 triệu).
Phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm về nộp thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hóa đơn từ ngày thứ 1 đến hết ngày thứ 10 kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
Thông tư 176/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/12/2016.