Các tác phẩm tranh Việt lên sàn đấu giá

(PLO) - Khoảng một năm nay, tại Việt Nam, ngành mỹ thuật sôi động với các sàn đấu giá tranh. Tuy nhiên, tại một số phiên đấu giá, có không ít người nghi ngại về các tác phẩm đấu giá thật hay giả, những lùm xùm về việc đặt cọc rồi “chạy làng”. 
Tác phẩm Phố cũ của Bùi Xuân Phái.
Tác phẩm Phố cũ của Bùi Xuân Phái.

Sôi động các phiên đấu giá tranh

Ngày 30/7/2017, 12 tác phẩm nghệ thuật đặc biệt của 2 bộ tứ trụ trong hội họa Việt Nam: Trí- Lân-Vân- Cẩn và Nghiêm- Liêm- Sáng- Phái được mang ra đấu giá  tại Nhà Đấu giá nghệ thuật Chọn (số 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội). Các tác phẩm được mang ra đấu giá bao gồm: Chân dung (Bùi Xuân Phái); Trung đoàn 69 (Tô Ngọc Vân); Du kích (Tô Ngọc Vân); Trung Thu (Bùi Xuân Phái); Chân dung (Văn Dương Thành - Bùi Xuân Phái); Chân dung (Dương Bích Liên - Nguyễn Tư Nghiêm); Phố cũ (Bùi Xuân Phái); Vệ thần (Nguyễn Tư Nghiêm); Con giáp (Nguyễn Tư Nghiêm); Tượng chân dung (Nguyễn Sáng - Cần Thư Công); Tình yêu đầu tiên (Trần Văn Cẩn)...

Càng ngày số lượng các nhà sưu tập ở Việt Nam càng nhiều và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao. Trong 4 phiên đấu giá trước, Chon’s đã thu hút hàng trăm nhà sưu tập, các họa sĩ và những người mộ điệu nghệ thuật hội họa. 28 tác phẩm là những bức tranh phong cảnh, tĩnh vật, chân dung được thể hiện trên những chất liệu khác nhau như: lụa, màu nước, sơn dầu, sơn mài, phấn màu, chì, chì than được đưa ra đấu giá.

Các tác phẩm lần này là sáng tác từ những năm cuối 1925 (thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương) cho tới những năm 60-70 của thế kỷ trước của các họa sĩ Nguyễn Huyến, Trọng Kiệm, Trần Hữu Chất, Thái Hà (Nguyễn Như Huân), Cao Thương, Mai Văn Hiến, Nguyễn Dung... trong 28 tác phẩm của 17 họa sĩ, thì có đến 10 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Huyến. Trong 28 bức tranh được đấu giá có 23 tác phẩm đấu giá thành công. 

Trước đó, phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam do Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2016. Phiên đấu giá “mở hàng” của nghệ thuật Việt đã đạt được những con số ấn tượng. Cụ thể, bức tranh “Hạnh Phúc” của tác giả Hoàng Phượng Vĩ đã được mua với giá 65 triệu đồng. Bức “Tiên nữ vùng cao” của họa sĩ Quách Đông Phương được mua với giá 95 triệu. Bức tranh “Bên dòng sông đỏ” của họa sĩ Đào Hải Phong được bán với mức giá 150 triệu đồng.

Phiên đấu giá tranh được xem là “vị nghệ thuật” đầu tiên ở TP HCM, diễn vào giữa tháng 12 năm 2016. Tại đây, có 14 tác phẩm nghệ thuật được bán đấu giá trực tiếp, đặc biệt nhất của phiên đấu giá là sự tái hợp của 2 danh họa sinh cùng năm: Lê Phổ (Việt Nam) và Affandi (Indonesia). Khoảng 20 năm qua, hai cố họa sĩ này để tạo nên niềm hứng khởi, sự kịch tính cho các phiên đấu giá quốc tế. Họ cũng đang thuộc số ít các tác giả được tìm kiếm bậc nhất tại Đông Nam Á. Một tác phẩm của Lê Phổ từng bán hơn 840.000 USD, tác phẩm của Affandi bán được hơn 940.000 USD. Bên cạnh đó, phiên đấu giá còn có những tác phẩm của các họa sĩ: Trần Đồng Lương, Lê Văn Xương và những họa sĩ trẻ: Lê Kinh Tài, Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Ngọc Đan, Lương Lưu Biên, Lê Thiết Cương, Nguyễn Hoài Hương...

Cam kết tính pháp lý của các tác phẩm

Trước đây, tác giả hay chủ sở hữu các tác phẩm mỹ thuật có giá trị vẫn đang quen với cách bán phổ thông, chủ yếu là ký gửi tác phẩm tại các phòng tranh, các triển lãm với một giá được niêm yết. Nếu giao dịch thành công, tác giả hay chủ sở hữu phải chi trả một phần giá trị tài sản bán được cho bên nhận ký gửi. Bên cạnh đó, những hình thức bán đấu giá từ thiện vẫn diễn ra lại không phản ánh được giá trị đích thực của tác phẩm… 

Nhận thấy cách bán mua này lỗi thời, họ bắt đầu thay thế bằng những phiên đấu giá tranh. Việc đấu giá các tác phẩm nghệ thuật sẽ góp phần mở ra một kênh mua, bán tác phẩm nghệ thuật một cách công khai, hạn chế tình trạng thất thoát thuế của Nhà nước và góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác của các họa sĩ trong nước, giúp những người yêu nghệ thuật, những nhà sưu tập có thêm cơ hội tìm đến những tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được pháp luật bảo hộ. 

Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, tại một số phiên đấu giá, có không ít người nghi ngại về các tác phẩm đấu giá thật hay giả, những lùm xùm về việc đặt cọc rồi “chạy làng”. Ví như, tác phẩm Phố cũ của họa sĩ Bùi Xuân Phái đang bị nghi ngờ là giả ngay rong thời gian triển lãm trước phiên đấu giá. Ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Tổ chức Việt Art Space, thành viên đồng sáng lập Chọn Auction House khẳng định: “Mỗi bức tranh khi đưa ra đấu giá đều phải thực hiện bản cam kết bảo đảm tính pháp lý về sản phẩm của chủ sở hữu tác phẩm. Sau khi đấu giá thành công, chủ sở hữu sẽ trích lại 20% cho Chon’s và người thắng cuộc sẽ trích lại 10% của tác phẩm đã đấu giá thành công”.

Còn việc chuyện “chạy làng”, ông Tuấn Anh cho hay, việc các nhà đầu tư đặt cọc mua tranh với giá cao rồi sau đó chấp nhận mất tiền đặt cọc rồi không tới đấu giá, không mua tranh thì điều này chưa xảy ra với sàn đấu giá Chọn nhưng nếu có trường hợp đó xảy ra chúng tôi sẽ chiểu theo luật Nhà nước ban hành.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật- Nhiếp ảnh và Triển lãm cho hay, sắp tới ngành mỹ thuật sẽ nghiên cứu xây dựng các thông tư đi kèm cho hoạt động đấu giá, sao cho sát với thực tế, cụ thể và chuẩn xác. Ví như việc đặt cọc các tác phẩm nghệ thuật rồi sẵn sàng bỏ cọc thì sẽ điều chỉnh mức cọc lên cao hơn để nâng tính ràng buộc…

Theo các chuyên gia mỹ thuật, để nâng cao chất lượng nghệ thuật tại các phiên đấu giá mỹ thuật, ban tổ chức cần chọn người giới thiệu, tác giả, tác phẩm và người điều hành phiên đấu giá có uy tín hơn. Ngoài ra, đây là đấu giá nghệ thuật nên phiên đấu giá phải có tính văn hóa, sang trọng chứ không thể “tạp nham” như các sản phẩm khác.

Đọc thêm