Sửa đổi nhiều quy định về quyền tác giả

(PLO) - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, trong đó đề xuất sửa đổi nhiều quy định nhằm tăng cường năng lực, hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan để tạo môi trường cho doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chưa có quy định cụ thể về quyền lợi, nghĩa vụ của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan hiện hành đã tạo hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo. Về cơ bản, nó đã kế thừa các giá trị của các văn bản pháp luật được thể nghiệm trong thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, nhà sử dụng, công chúng thụ hưởng, bảo vệ lợi ích quốc gia, tương thích với luật pháp quốc tế, thể hiện sự minh bạch, khả thi. Vì vậy, nó đã thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia, góp phần quan trọng trong hội nhập quốc tế.  

Các Nghị định đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nhiều nội dung quan trọng, phức tạp đang phát huy hiệu quả trong hoạt động thực thi. 

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, một số điều khoản của Luật Sở hữu trí tuệ cần được tiếp tục hướng dẫn cụ thể để các tổ chức, cá nhân có thể bảo vệ được quyền của mình và thực hiện nghĩa vụ theo quy định pháp luật như: cơ chế hoạt động, chính sách, pháp luật liên quan đến các hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; chưa có quy định cụ thể về quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức đại diện tập thể thể quyền tác giả, quyền liên quan…

Đây là những điều kiện quan trọng để tăng cường năng lực, hoạt động của các tổ chức bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan để tạo môi trường cho doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, nâng cao đạo đức kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và phù hợp với thông lệ quốc tế theo tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Nghị định đang được xây dựng sẽ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tăng cường năng lực, hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan để tạo môi trường cho doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, nâng cao đạo đức kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nghị định đó thay thế Nghị định số 100/2006/NĐ-CP và Nghị định số 85/2011/NĐ-CP, trong đó có nội dung quy định về hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.

Chia tiền quyền tác giả như thế nào?

Liên quan đến quy định về tác giả, Dự thảo Nghị định bổ sung “đồng tác giả”, đồng thời làm rõ tác giả, đồng tác giả, người hỗ trợ, góp ý, cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo không được công nhận là tác giả.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, trong phần quy định về tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, dự thảo Nghị định bổ sung điều khoản quy định về “Biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan”. Theo đó, các tổ chức đại diện tập thể có nghĩa vụ xây dựng Biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan, đàm phán với bên khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. 

Trường hợp không thỏa thuận được, các bên áp dụng theo Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) cho đến khi hai bên thỏa thuận được.

Tại điều khoản quy định về việc “Thu, phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan” được bổ sung vào Dự thảo Nghị định lần này, quy định: “Trường hợp tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chưa ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thu và phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan đối với việc khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng theo quy định tại khoản 1 Điều 26 và các khoản 1, 2 Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ; 

Trường hợp tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan không phân chia được tiền quyền tác giả, quyền liên quan vì lý do khách quan”. 

Dự thảo cũng bổ sung điều khoản quy định về việc “Khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ”: “Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thỏa thuận, thống nhất, ủy quyền đàm phán cấp phép, thu tiền quyền tác giả, quyền liên quan. Tỷ lệ phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan thu được do các tổ chức này tự thỏa thuận”.

Tác phẩm báo chí

Tác phẩm báo chí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ là sản phẩm báo chí có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.

(Điều 9 Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan).

Đọc thêm