Các tỉnh đua nhau xin xây… trạm cân!

Để ngăn chặn tình trạng “phá hoại” hệ thống giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) đang lên kế hoạch triển khai hệ thống trạm kiểm tra trọng tải xe đường bộ (trạm cân) tại hai tỉnh phía Bắc. Theo đó, quốc lộ 5 (QL5) sẽ là một trong hai địa điểm được chọn làm thí điểm.

Để ngăn chặn tình trạng “phá hoại” hệ thống giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) đang lên kế hoạch triển khai hệ thống trạm kiểm tra trọng tải xe đường bộ (trạm cân) tại hai tỉnh phía Bắc. Theo đó, quốc lộ 5 (QL5) sẽ là một trong hai địa điểm được chọn làm thí điểm.

Trạm cân Quảng Ninh
Trạm cân Quảng Ninh

Ngoài các trạm cân cố định, đề án thể hiện cũng sẽ xây dựng 76 bộ cân lưu động, thành lập các trạm cân lưu động tại các vị trí ở các tuyến đường có lưu lượng xe tải lớn, khu vực chưa có trạm cân cố định.

Trước đó, theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam lên Bộ GTVT, từ nay đến năm 2030 sẽ tiến hành xây dựng 45 trạm cân với tổng mức đầu tư dự kiến 6.300 tỷ đồng, để có tiền thực hiện đề án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đang nhìn vào túi tiền từ Quỹ bảo trì đường bộ.

“Ủng hộ” đề xuất chi hàng nghìn tỷ xây trạm cân của Tổng cục, các Sở GTVT miền Bắc nhanh chóng có những báo cáo “hợp xướng” lên Bộ GTVT về thực trạng các tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng do tình trạng xe quá tải hoạt động, đồng thời kiến nghị những giải pháp cụ thể.

Với lý do có nhiều mỏ quặng nên số lượng phương tiện có tải trọng nặng và quá khổ hoạt động gia tăng, ngoài việc cho các đơn vị khắc phục các đoạn đường xuống cấp, sở chuyên môn Lào Cai thuộc vào hàng máu mắn nhất có đề nghị Bộ GTVT “sớm triển khai xây dựng trạm cân”.

Riêng tại Hải Phòng, với đặc thù có tới 9 bến cảng container và 35 doanh nghiệp khai thác cảng biển. So với các tỉnh miền Bắc, số phương tiện lưu thông trên đường quốc lộ được xếp đầu bảng. Ngoài việc đưa ra số liệu thống kê về việc có quá nhiều phương tiện trọng tải lớn, trong văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Hải Phòng thậm chí còn cho in ảnh các phương tiện quá tải tung hoành trên đường, kèm theo đó là đề xuất “bố trí trạm kiểm tra tải trọng xe trên Quốc lộ 5”.

Cùng chung quyết tâm với Lào Cai và Hải Phòng, các địa phương như Lạng Sơn, Hải Dương, Vĩnh Phúc… cũng đồng loạt đề nghị Bộ GTVT “lắp dựng các trạm kiểm soát tải trọng xe” trên các tuyến đường, cầu.

Theo Khu Quản lý đường bộ II, một số tuyến đường quốc lộ có lưu lượng xe tải trọng lớn gồm QL 5, 10, PV-CG và QL1,2,3 và QL 38. Trong đó, riêng QL 5, thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói rằng, trung bình mỗi ngày có 1.000 xe quá tải lưu trên huyết mạch này, có xe trọng tải lên đến 80 tấn, cho thấy quá tải trên 200%. Tổng cục này nhận định, do tình trạng xe quá tải vận hành nên hệ thống cầu đường trong thời gian qua đã bị hư hại một cách nghiêm trọng, như cầu Đại Tân (QL18), cầu Đuống cũ (QL1), cầu Hạc và cầu Bố (QL1), cầu Cẩm Tiên, Phố Giàng, Ngòi Lục…

Trong khi, liên quan đến hai trạm cân xây dựng thí điểm tại Quảng Ninh và Dầu Giây (Đồng Nai), Bộ GTVT vừa phải thừa nhận những “hạn chế” của những trạm cân bạc tỷ này. Theo đó, mặc dù được đầu tư đồng bộ với nhiều kinh phí, nhưng khi xe chạy qua trạm để biển số xe cong, vênh, mờ, hoặc các xe đi liền sát vào nhau, không tuân theo quy định về khoảng cách tối thiểu, khi lưu thông qua cân động, hoặc xe đi dưới tốc độ 20km/h và trên 60km/h là thiết bị cân cũng… không có giá trị.

Độc lập hơn với các đồng nghiệp cùng đưa ra kiến nghị xây trạm cân, trong phần đề xuất của mình, tỉnh Hà Nam và Cao Bằng chỉ đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam “tăng cường kiểm tra, không đăng kiểm cho xe cơi nới, không cho nhập xe vượt tải trọng thiết kế…”.

Trong khi đó, với dự án quy mô này, dư luận và các chuyên gia cũng tỏ ý băn khoăn về tính khả thi đối với quá trình thực hiện. Liên hệ Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam Lê Đình Thọ, ông cho hay “cái này hỏi anh Cường”. Tuy nhiên, điện thoại của ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng luôn đổ chuông nhưng không có người bắt máy.

Việt Hưng

Đọc thêm