Tại Quảng Ngãi, ngày 2/1, Sở LĐTB&XH tỉnh đã nhận báo cáo tình hình thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán của 125/5.063 doanh nghiệp (DN) với 10.200 lao động trên địa bàn tỉnh.
DN có báo cáo tình hình thưởng Tết gồm: nhóm Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ 4/13 DN với 1.148 lao động; Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước 5/24 DN với 1.484 lao động; DN dân doanh 114/4.972 DN với 5.313/69.728 lao động; DN có vốn đầu tư nước ngoài 2/54 DN với 2.255/15.369 lao động.
Cũng theo Sở này, với tình hình thưởng Tết Dương lịch, DN có vốn đầu tư nước ngoài có người lao động được hưởng mức thưởng cao nhất 616 triệu đồng; DN dân doanh có người lao động được hưởng mức thưởng thấp nhất là 200 nghìn đồng.
Mức thưởng Tết Dương lịch bình quân của nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài 25,4 triệu đồng; Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ 5,3 triệu đồng; Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước 1,4 triệu đồng; DN dân doanh 400 nghìn đồng.
Với tình hình thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý, DN dân doanh có người lao động được nhận mức thưởng Tết cao nhất 120 triệu đồng; Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước có người lao động nhận mức thưởng Tết thấp nhất 1 triệu đồng.
Mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân của các nhóm Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khoảng 10 triệu đồng; DN có vốn đầu tư nước ngoài 8,3 triệu đồng; DN dân doanh 8,2 triệu đồng và công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước 2,7 triệu đồng.
Ngoài ra, Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận mức lương năm 2019 đối với người lao động thuộc bốn nhóm doanh nghiệp nêu trên dao động từ 7,2 đến 10,8 triệu đồng. Trong đó, người hưởng lương cao nhất 308,8 triệu đồng, thấp nhất 3,1 triệu đồng.
Sở LĐTB&XH Quảng Nam cũng cho biết, đã có báo cáo về tình hình tiền thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 của 53 doanh nghiệp trong tỉnh.
Theo báo cáo, có 40/53 doanh nghiệp thưởng Tết Dương lịch 2020 cho gần 11.000 lao động, mức thưởng bình quân đạt 2,1 triệu đồng/người, giảm 22,7% so với năm 2019. Mức thưởng cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI với 80 triệu đồng/người. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp chỉ đưa ra mức thưởng 100.000 đồng/người.
Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, mức thưởng cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI với mức 500 triệu đồng đồng/người; tiếp đến là các công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước với mức thưởng 112 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh có mức thưởng đạt 90 triệu đồng/người và công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mức thưởng đạt 12 triệu đồng/người.
Tại Đà Nẵng, Sở LĐTB&XH TP này cho biết, năm nay các doanh nghiệp thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cao hơn so với năm trước. Cụ thể, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất hơn 209 triệu đồng thuộc loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất gần 930 triệu đồng thuộc về các doanh nghiệp dân doanh; Mức thấp nhất chỉ 100.000 đồng thuộc về doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước ngoài khu công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Phó phòng Lao động tiền lương - Bảo hiểm Xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn giữ được nhịp độ sản xuất, kinh doanh ổn định, đảm bảo việc làm, đời sống của người lao động; hầu hết các doanh nghiệp đều tính toán thưởng lương tháng 13 cho người lao động. Cũng lời ông Vinh, một số công ty còn được hỗ trợ quà, vé xe cho người lao động về quê đón Tết. Qua kết quả khảo sát tiền lương, tiền thưởng Tết Dương lịch và Âm lịch năm nay cao hơn so với năm trước.
Trước đó, Bộ LĐTB&XH đã yêu cầu các Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành chủ trì phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất khảo sát, nắm tình hình tiền lương, nợ lương năm 2019 và kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết 2020 cho người lao động ở các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất trên địa bàn… tổng hợp gửi về Bộ trước ngày cuối tháng 12/2019.
Theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động hiện hành: “Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở".
Bắt đầu từ năm 2021, Bộ luật Lao động năm 2019 sẽ bổ sung thêm một số quy định về tiền thưởng, theo đó thưởng Tết cho người lao động không nhất thiết phải bằng tiền mà có thể bằng tài sản hoặc bằng các hình thức khác.
Trong trường hợp nhân viên làm việc tại công ty chưa đủ 12 tháng vẫn có thể nhận tiền thưởng Tết nếu hợp đồng lao động hai bên đã ký có quy định các khoản thưởng công việc vào cuối năm. Tuy nhiên, khoản tiền thưởng nhận về chắc chắn sẽ thấp hơn vị trí tương tự làm đủ một năm lao động.
Thống kê về thưởng Tết năm 2019 của Bộ LĐTB&XH, mức thưởng bình quân trong dịp Tết Nguyên đán 2019 vào khoảng 6,31 triệu đồng/người, tăng 11,4% so với năm 2018.
Theo Sở LĐTB&XH TP HCM, thưởng Tết Dương lịch cho người lao động cao nhất hiện thuộc về một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở TP HCM với mức thưởng 3,5 tỷ đồng. Số tiền thưởng này vượt xa mức thưởng cao nhất của Tết Dương lịch 2019 (500 triệu đồng/người), gấp gần 3 lần so với mức thưởng cao nhất của Tết Nguyên đán 2019 (gần 1,2 tỷ đồng/người).
Đối với mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất trên địa bàn TP HCM đến lúc này là 800 triệu đồng. Mức thưởng bình quân khoảng 10 triệu đồng/người, tăng khoảng 1% so với dịp Tết Âm lịch 2019.
Trong khi đó, tại Hà Nội, kết quả thống kê từ gần 6.200 doanh nghiệp, mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2020 cao nhất thuộc về doanh nghiệp dân doanh với mức 420 triệu đồng/người. Mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất 70 triệu đồng/người thuộc về khối doanh nghiệp FDI.
Báo cáo của Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, Tết Nguyên đán 2020 mức thưởng được nhiều doanh nghiệp dự kiến chi trả bình quân tăng cao hơn khoảng 5% so với năm trước. Mức thưởng Tết Dương lịch của khối dân doanh tăng 13,6%, khối FDI tăng 13%, doanh nghiệp Nhà nước tăng gần 5%.