Tăng chỉ tiêu đối với xét điểm học bạ, tuyển thẳng
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong đợt 1 xét tuyển sinh ĐH năm 2021, có tới 265 nhóm ngành tăng mức điểm chuẩn từ 5 điểm trở lên, 30 nhóm ngành có mức điểm chuẩn tăng từ 9 - 11 điểm. Trong đó, dẫn đầu là nhóm ngành Kỹ thuật và Công nghệ (với 70 mã ngành tăng điểm chuẩn từ 5 điểm trở lên), tiếp đến là các nhóm ngành như Kinh doanh, Kinh tế…
Cùng với đó là sự đột phá của ngành Sư phạm tăng từ 2 - 10 điểm so với năm trước. Đây là điều khó lường trước khiến nhiều thí sinh đã không trúng nguyện vọng nào khi cộng trừ biên độ tăng 2-3 điểm so với năm trước trong những lựa chọn của mình.
Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã diễn ra căng thẳng, vất vả do vừa phải thực hiện ở quy mô kỳ thi quốc gia, vừa phòng chống dịch bệnh. Đề thi có mức độ giảm tải phù hợp với điều kiện học tập của thí sinh sau quãng thời gian dài dạy - học trực tuyến. Đó là lý do khiến kết quả thi khá cao và điểm chuẩn tăng đột biến gây hoang mang dư luận.
Theo đó năm nay, các tỉnh, thành sẽ chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương theo khung thời gian do Bộ GD-ĐT quy định, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở địa phương. Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12. Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ đã khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn. Và như thế, khả năng biên động điểm chuẩn xét tuyển ĐH cũng sẽ khó lường.
Như vậy, hai năm lại đây, đề thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh đã không còn đủ tính phân loại để xét tuyển ĐH, thời gian tổ chức thi thì phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Do đó, để chủ động tuyển sinh, đa số các trường ĐH đã cắt giảm dần chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức khác như xét điểm học bạ, tuyển thẳng... Có trường áp dụng cùng lúc tới 6 phương thức xét tuyển, có trường lại tổ chức thêm kỳ thi tuyển sinh riêng như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Việt - Đức, Học viện Báo chí và Tuyên truyền… `
Năm 2021, phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học bạ chiếm tỉ lệ chỉ tiêu tuyển sinh trung bình khoảng 30%, thậm chí có trường chiếm tới 65% chỉ tiêu như ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM.
Tuyển sinh năm 2022 có gì mới?
Năm 2022, ngoài việc giữ ổn định phương án tuyển sinh như năm 2021, nhiều trường ĐH dự kiến sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy/năng lực để tuyển sinh. Bộ GD-ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường đại học trong công tác tuyển sinh. Cũng có trường sử dụng kết quả quá trình học tập và thi tốt nghiệp THPT là cơ sở đánh giá nền tảng; sau đó, kết hợp thêm các tiêu chí đánh giá khác theo tiêu chí riêng của từng trường.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa cho biết, nhà trường đã có dự kiến về cách thức tuyển sinh ĐH chính quy năm 2022, trong đó giảm đáng kể chỉ tiêu cho phương thức dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp 2022, dồn chỉ tiêu chủ yếu cho phương thức dựa vào kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường sẽ xây dựng hệ thống đánh giá riêng là tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy để làm căn cứ lựa chọn thí sinh. Nhà trường dự kiến tổ chức kỳ thi này nhiều lần trong năm. Đồng thời, có thể khai giảng khóa mới 2 lần trong năm, vào học kỳ mùa thu và học kỳ mùa xuân giống như thông lệ quốc tế. Trong năm 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến tổ chức 7-8 đợt trong năm cho khoảng 30.000 thí sinh, phục vụ tuyển sinh diện rộng. Đợt thi sớm nhất có thể diễn ra từ tháng 2, sau đó rải rác đến tháng 8/2022.
PGS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, năm tới, những ngành có tỷ lệ chọi cao sẽ tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực, vì nếu dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ khá khó khăn. Ngành nào điểm chuẩn không cao lắm thì vẫn sẽ giữ ổn định các phương thức tuyển sinh, trong đó có phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Tương tự, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định: Năm 2022, dự báo các trường sẽ đi theo đúng phương hướng của Bộ GD-ĐT và ngày càng độc lập, ít phụ thuộc vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT hơn. ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ đưa ra phương án tuyển sinh phù hợp để bảo đảm hài hòa xu hướng này. Tuy nhiên, những thay đổi vẫn phải có lộ trình, không gây sốc cho thí sinh và xã hội.
Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ: “Nhà trường sẽ xây dựng hệ thống đánh giá riêng là tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy để làm căn cứ lựa chọn thí sinh. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho phép các trường khác dùng chung kết quả kỳ thi; trước hết là trường kỹ thuật công nghệ, hoặc những trường nguồn tuyển dựa vào thí sinh dự thi các môn khoa học tự nhiên gồm: Toán, Lý, Hóa, Sinh; Tiếng Anh, Tiếng Việt”.
Do đó, mới đây, các Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, ĐH Giao thông Vận tải; ĐH Mỏ - Địa chất; ĐH Thăng Long; ĐH Thủy lợi; ĐH Xây dựng Hà Nội đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác tham gia tổ chức và sử dụng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì thực hiện trong năm 2022 để xét tuyển đại học. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, đây là nhóm trường đại học có sự hợp tác và hoạt động thiết thực trong nhiều năm. Bộ GD-ĐT hoan nghênh chủ trương này. Làm sao để có ít kỳ thi, nhưng đã thi phải tin cậy, chất lượng, đảm bảo công bằng. Bộ GD-ĐT sẽ sửa đổi quy chế theo hướng đơn giản, không đi quá chi tiết nhưng đề ra những nguyên tắc theo đúng quy định của pháp luật. Những thay đổi lớn mà các trường và thí sinh phải có sự chuẩn bị thì sẽ có lộ trình.