Các Văn phòng Thừa phát lại sẵn sàng triển khai Nghị định mới

(PLVN) - Ngày 24/2 tới đây – tức là khoảng 3 tuần nữa – Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (TPL) sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định 08 có một số quy định mới so với các văn bản trước nhưng nhiều văn phòng TPL đã sớm bắt tay triển khai để bảo đảm Nghị định đi vào thực tiễn cuộc sống.

Nghị định 08 bao gồm 6 Chương, 75 Điều, thay thế cho 2 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, một vấn đề được quan tâm suốt từ khi Nghị định 08 mới đang được bắt tay soạn thảo chính là phạm vi các công việc TPL được làm

Cụ thể, theo Nghị định 61 và 135, TPL là người được Nhà nước bổ nhiệm, hoạt động độc lập, được tiến hành thực hiện 4 nội dung chủ yếu sau: Tống đạt giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án hoặc cơ quan Thi hành án dân sự; Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. TPL không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Trong 4 lĩnh vực hoạt động của TPL, việc lập vi bằng mang lại hiệu quả tốt nhất, đã đáp ứng được nhu cầu rất lớn, phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau của người dân và đã dần trở thành một nhu cầu trong các hoạt động dân sự, sản xuất, kinh doanh, thương mại. 

Thừa phát lại kiểm tra hồ sơ giấy tờ trước khi thực hiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng
 Thừa phát lại kiểm tra hồ sơ giấy tờ trước khi thực hiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng

Còn theo Nghị định 08 mới ban hành, TPL vẫn được làm 4 công việc, bao gồm: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này; Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, nội dung, tính chất của 4 công việc trên đã có sự thay đổi nhất  định

Đại diện Văn phòng TPL Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), Trưởng Văn phòng Nguyễn Văn Thuyết đề cao tính tích cực, thuận lợi của Nghị định 08. Ông cho biết, Nghị định 08 đã nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của TPL ở chỗ TPL phải chịu trách nhiệm rất cao về việc lập vi bằng, có chế tài xử lý nếu xảy ra vi phạm trong lập vi bằng. 

Đặc biệt, nếu 2 Nghị định 61 và 135 quy định địa hạt lập vi bằng của TPL chỉ trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt văn phòng TPL thì với Nghị định 08, TPL được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp không được lập vi bằng quy định tại Điều 37 Nghị định này.

“Việc mở rộng địa bàn lập vi bằng của TPL là phù hợp và còn nhằm tạo điều kiện để phát triển hoạt động của các văn phòng TPL, đáp ứng nhu cầu lập vi bằng của cá nhân, tổ chức cả ở các tỉnh, thành phố chưa thực hiện chế định TPL” – ông Thuyết nhận định.

Đón tiếp người dân đến giao dịch tại Văn phòng Thừa phát lại
Đón tiếp người dân đến giao dịch tại Văn phòng Thừa phát lại 

Hơn nữa, quy định mới cũng thông thoáng hơn trong đăng ký vi bằng vì Sở Tư pháp không tham gia sâu vào đánh giá nội dung của vi bằng, đồng thời các Sở Tư pháp sẽ xây dựng hệ thống thông tin về vi bằng. Phạm vi tống đạt thì được mở rộng sang các văn bản của Viện kiểm sát và đơn giá được điều chỉnh tăng lên.

Có điều, ông Thuyết nhận thấy, quyền chủ động của TPL trong công tác thi hành án theo Nghị định 08 bị thu hẹp lại. Theo đó, TPL không được độc lập ra quyết định thi hành án (phải chuyển hồ sơ cho cơ quan Thi hành án dân sự xem xét ban hành), không được tổ chức cưỡng chế thi hành án.

Đây cũng chính là điểm thay đổi cơ bản nhất của Nghị định 08 so với Nghị định 61 và 135 được Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình (thành phố Hà Nội) Nguyễn Văn Lạng chỉ ra. Với thay đổi này, ông Lạng cho hay những việc đang được thi hành án của Văn phòng bắt buộc phải chuyển giao cho cơ quan Thi hành án dân sự. Ông Lạng còn bày tỏ lo ngại sẽ xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi thực hiện quy định về việc lập vi bằng trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, ông Lạng nhấn mạnh, quy định của Nghị định 08 là rõ ràng nên Văn phòng TPL Ba Đình cùng các Văn phòng TPL khác đều đang “vào guồng” triển khai như tại Văn phòng của ông Lạng đã lên kế hoạch tập huấn cho đội ngũ nhân viên của Văn phòng.

“Quy định mới sắp có hiệu lực song thời điểm hiện tại, dịch do virus Corona gây ra đang diễn biến phức tạp khiến người dân ngại tiếp xúc, giao dịch nên công việc của chúng tôi khá bộn bề” – ông Lạng chia sẻ và kiến nghị Bộ Tư pháp sớm triển khai tập huấn Nghị định 08 cho các TPL để các quy định mới kịp thời đi vào cuộc sống. 

Đọc thêm