Các y, bác sỹ Việt Nam đã sẵn sàng ứng phó với 'bão Corona' ở mức độ cao nhất

(PLVN) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Corona (nCoV), cả hệ chống chính trị đã vào cuộc. Ban Bí thư, Chính phủ đã luôn đưa ra những chỉ đạo kịp thời để phòng chống dịch nCoV lây lan trong cộng đồng. 
Các bệnh viện đã có kế hoạch ứng phó với dịch Corona từ khi phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên
Các bệnh viện đã có kế hoạch ứng phó với dịch Corona từ khi phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên

Các bộ, ngành, UBND các địa phương cũng vào cuộc tích cực chung tay cùng ngành Y tế trong cuộc chiến đầy cam go này. Toàn bộ hệ thống y tế đã có những biện pháp trong công tác phòng chống dịch nCoV sự chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng từ nhân lực, vật lực, các phòng bệnh cách ly,… cho mọi tình huống ở mức cao nhất.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus nCoV được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc. Tính đến 16h00 ngày 6/2/2020 trên thế giới đã có 28.336 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus nCoV, chủ yếu là ở Trung Quốc với 17.205 người. Tổng số trường hợp tử vong có 565 người, trong đó Trung Quốc có 563 người tử vong và Philippines có 1 người tử vong. 

Tại Việt Nam, tính đến 19 h 00 phút ngày 5/2/2020 có 10 người mắc nCoV. Trong đó có 02 cha con người Trung Quốc (01 người đã khỏi); 04 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc; 01 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc; 01 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Các bệnh viện đã sẵn sàng chống dịch nCoV

Một nữ công dân người Việt Nam làm lễ tân tại khách sạn TP Nha Trang (Khánh Hoà) bị nhiễm virus Corona (nCoV) đã nhập viện từ ngày 27/1 đến nay đã có những tiến triển rất tốt, ổn định. 

Trao đổi với PV ngày 2/2, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa cho biết: Hiện BV này đang điều trị cách ly 7 bệnh nhân nghi nhiễm nCoV, trong đó có người phụ nữ 25 tuổi (quê huyện Vạn Ninh, nhân viên lễ tân khách sạn ở TP Nha Trang bị nhiễm virus nCoV). Theo BV Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, hiện sức khỏe bệnh nhân tiến triển rất tốt, ổn định, đã được đưa ra khu cách ly dành cho bệnh nhân sắp xuất viện.

Nữ nhân viên lễ tân bị nhiễm nCoV này được ngành y tế Khánh Hoà phát hiện sớm, khi đưa vào BV đã được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. “Sức khỏe nữ bệnh nhân này hiện tại rất ổn định, không ho, không sốt. Trong tuần tới BV sẽ cho xét nghiệm lần thứ 3 đối với bệnh nhân này, nếu âm tính với nCoV có thể cho xuất viện”, một lãnh đạo BV Bệnh nhiệt đới Khánh Hoà cho hay.

Tiến sỹ, bác sỹ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới - BV Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh – người trực tiếp điều trị cho 2 bệnh nhân dương tính với virus Corona kể: Ngày 22/1 (tức ngày 28 tháng Chạp Kỷ Hợi), BV tiếp nhận 2 bệnh nhân là 2 cha con người Trung Quốc được chuyển lên từ BV huyện Bình Chánh với những nghi vấn nhiễm bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đang hoành hành ở Trung Quốc. Ngay lập tức, 30 nhân viên y tế có chuyên môn cao của Khoa được huy động trở lại để thực hiện việc phân luồng, cách ly và theo dõi, điều trị nhằm không để bệnh phát tán ra ngoài, dù trước đó lịch nghỉ Tết, trực Tết đã được phân công.

Tuy nhiên, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn do đây là bệnh mới xuất hiện, chưa có phác đồ điều trị chuẩn. “Lúc tiếp nhận 2 ca bệnh đầu tiên, chúng tôi chỉ biết đây là virus gần giống với SARS, gây viêm phổi, viêm đường hô hấp trên, độc lực mạnh, nguy cơ tử vong cao, khả năng lây lan rộng… khiến chúng tôi gặp áp lực rất lớn”, bác sỹ Hùng chia sẻ.

 Ngay cả các nhân viên y tế cũng lo lắng bởi nguy cơ chính họ mang mầm bệnh về lây lan cho gia đình, người thân là rất lớn. Do đó, xuyên Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, toàn bộ ê-kíp cũng tự cách ly mình vừa để toàn tâm, toàn ý theo dõi, điều trị cho người bệnh, vừa không mang mầm bệnh phát tán ra ngoài.

Với sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Ban Giám đốc BV Chợ Rẫy, Khoa Bệnh Nhiệt đới đã túc trực 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến của hai bệnh nhân và kịp thời ứng biến đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp với diễn tiến sức khỏe của người bệnh.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân Li ZiChao (người con, 28 tuổi) có diễn tiến bệnh thuận lợi do còn trẻ, sức đề kháng tốt, không có bệnh nền kèm theo nên sức khỏe hồi phục tốt và đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus Corona sau 7 ngày điều trị. Riêng bệnh nhân Li Ding (người cha, 66 tuổi) do có nhiều bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch và ung thư phổi nên việc điều trị khó khăn hơn.

Các bác sỹ vừa phải tìm ra phương pháp khống chế virus Corona vừa phải theo dõi vấn đề của các bệnh lý kèm theo. Đến ngày thứ 4, bệnh nhân có diễn tiến bệnh xấu nhưng nhờ kịp thời xử lý, các bác sỹ đã giúp người bệnh qua cơn nguy kịch và hiện đang trên đà hồi phục tốt.

 “Kinh nghiệm từ những lần chống dịch trước, khi chưa có phác đồ điều trị chuẩn, chúng tôi sử dụng phương pháp cá thể hóa mỗi bệnh nhân, có nghĩa là phương án điều trị tùy thuộc vào tình hình sức khỏe, thể trạng, bệnh nền của bệnh nhân và theo dõi sát diễn tiến của bệnh. Đáng mừng là phương pháp này đã mang lại những hiệu quả nhất định, người con đã âm tính với virus dự đoán trong 1-2 ngày tới người cha cũng sẽ âm tính với virus này”, bác sỹ Hùng cho hay.

Còn tại BV Nhi Trung ương cũng đã sẵn sàng các phương án điều trị cho mọi tình huống của dịch nCoV. 

Trao đổi với PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi TW cho hay, ngay từ khi có thông tin về dịch nCoV bùng phát và diễn biến phức tạp, BV Nhi TW đã xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh này. Theo đó, BV quán triệt tuân thủ việc tổ chức sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV ngay tại nơi đón tiếp. BV cũng chuẩn bị sẵn khu cách ly và cơ số giường trong khu vực cách ly, bố trí 1 phân luồng bệnh nhân 1 chiều...

Về công tác điều trị, PGS. Điển cho biết, hiện nay phác đồ điều trị các trường hợp bệnh đều theo hướng dẫn Bộ Y tế và WHO. Tuy nhiên, BV Nhi TW đã lên phương án về trang thiết bị, cơ số thuốc phù hợp với từng tình huống dịch bệnh cụ thể. BV yêu cầu, lãnh đạo BV quán triệt các khoa, phòng liên quan phải tuân thủ tuyệt đối việc phân luồng, cách ly và điều trị, trong đó đặc biệt là chống lây nhiễm chéo, để hạn chế thấp nhất lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, BV Nhi TW đã thành lập 2 đội chống dịch cơ động, mỗi đội 8 người, gồm 3 bác sĩ về cấp cứu, hồi sức và truyền nhiễm và 3 diều dưỡng, 1 lái xe, 1 chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn.

PGS.TS Trần Minh Điển cũng cho biết, BV Nhi TW cũng đã họp và lên kịch bản, nếu dịch ở mức độ 4, lan tràn cộng đồng thì Trung tâm Bệnh nhiệt đới của BV sẽ được mở rộng.

Hiện tại Trung tâm này đang có 150 giường bệnh, có thể nâng lên 200 giường trong tình huống cần. Ngoài ra, các y, bác sĩ cũng đảm bảo đủ phục vụ nếu cần số lượng lớn hơn có thể điều động các y, bác sĩ từ các khoa khác mà vẫn đảm bảo được chuyên môn.

“BV đã họp và xác định, sẽ cô lập toàn bộ khu vực Trung tâm này trong tình huống dịch cấp độ 4 và lan tràn. Theo đó, dựa trên kịch bản số lượng bệnh nhân sẽ tăng, chúng tôi chia thành 3 tầng để phân luồng, thu dung và điều trị bệnh nhân. Tầng 1 sẽ là nơi khám, phân loại bệnh nhân nghi ngờ và xác định. Tầng 2 ở mức độ ca bệnh vừa. Tầng 3 là những ca bệnh nặng, thậm chí có thể phải thở máy, làm ECMO, hoặc lọc máu...”- PGS.TS Trần Minh Điển cho biết.

Chủ động ứng phó “bão Corona”

Theo bác sỹ Lê Quốc Hùng, từ khi có thông tin về bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) rộ lên ở Vũ Hán (Trung Quốc), BV Chợ Rẫy đã thành lập các nhóm chuyên trách riêng bởi dự đoán không sớm thì muộn, chắc chắn mầm bệnh sẽ lây lan về Việt Nam.

Sau 8 ngày phát hiện và điều trị tích cực cho 2 bệnh nhân nhiễm virus Corona, các bác sỹ Việt Nam đã chứng minh được khả năng lây truyền từ người sang người của virus này. “Chúng tôi đã gửi báo cáo lên Tổ chức Y tế thế giới cũng như các chuyên gia điều trị lâm sàng những bằng chứng xác thực về khả năng virus Corona lây từ người sang người, dù trước đó thế giới chưa thể kết luận điều này”, bác sỹ Hùng cho biết.

Cụ thể, theo bác sỹ Hùng, bệnh nhân Li Ding (người cha) mang mầm bệnh từ Vũ Hán (Trung Quốc), sang Việt Nam đã lây cho con trai của mình là bệnh nhân Li ZiChao. Trong khi đó, bệnh nhân Li ZiChao đã sống ở tỉnh Long An (Việt Nam) 4 tháng trước đó, không bay qua vùng dịch, không có bất kỳ sự tiếp xúc nào với người đến từ vùng dịch hoặc người nghi ngờ mắc bệnh khác, chỉ đến khi tiếp xúc với người cha mới bắt đầu nhiễm bệnh.

Mặc dù vậy, bác sỹ Hùng vẫn băn khoăn: “Gia đình này có 3 người, 2 cha con đều nhiễm bệnh nhưng người mẹ lại không nhiễm bệnh dù có tiếp xúc với cả 2 người bệnh. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho chúng tôi và các nhà chuyên môn trên thế giới để nghiên cứu, tìm hiểu thêm”.

 Trong bối cảnh thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với virus Corona và tình hình dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp tại Trung Quốc, virus có thể lây truyền từ người sang người, bác sỹ Lê Quốc Hùng khuyến cáo người dân tự phòng tránh bằng các biện pháp: Tránh những chỗ đông người, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh hoặc người đi từ vùng dịch về, tốt nhất nên giữ khoảng cách trên 1,5m.

Bác sỹ Hùng khẳng định: Bệnh có thể lây lan qua đường hô hấp, có giọt bắn của nước bọt khi hắt hơi, nói chuyện. Do đó, cần che miệng khi ho, rửa tay thường xuyên và súc họng bằng các dung dịch sát khuẩn thường xuyên trong ngày.

Đọc thêm