Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng hoan nghênh việc tổ chức Hội thảo với những chuyên đề rất sâu, rất thời sự, đồng thời đánh giá cao thành phần tham dự Hội thảo, nêu nhiều vấn đề mang tính cấp bách hiện nay.
Thủ tướng nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đó là thay lao động bằng tự động hóa, thay vốn bằng trí thức, dữ liệu, thay đổi toàn bộ mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, chủ thể trong nền kinh tế thông qua việc xóa bỏ cơ chế trung gian, kết nối trực tiếp…, đặc biệt là thay đổi thói quen tiêu dùng, hành vi ứng xử của toàn xã hội.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường, có thể ứng dụng công nghệ lõi, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây… – những công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội. Những công nghệ tiên tiến cùng với chất lượng nguồn nhân lực, năng lực thể chế quyết định tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa đột phá nguồn tài nguyên công nghệ. Như vậy, có thể nói công nghệ - nguồn nhân lực - thể chế là chìa khóa phát triển cho Việt Nam.
Đứng trước cơ hội này, thời gian qua, Thủ tướng cho hay, Việt Nam đã có một số thành công đáng khích lệ. Theo đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng, dẫn đầu nhóm quốc gia tăng trưởng trung bình. Cụ thể, năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/100 quốc gia… Ngoài ra, Việt Nam đứng thứ 4 ASEAN về tốc độ internet, đứng thứ 3 ASEAN về tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh, đứng thứ 2 ASEAN về tốc độ tăng trưởng về thanh toán qua điện thoại di động.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, yêu cầu với hệ thống pháp luật là phải đảm bảo phát triển bền vững, an toàn, an ninh, chủ quyền quốc gia, lấy quyền và lợi ích công dân làm trọng tâm |
Bên cạnh kỳ vọng thành công, theo Thủ tướng, chúng ta cũng cùng nhau nhận thức đâu là thách thức với Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0 để có giải pháp khắc phục. Đó là trình độ khoa học – công nghệ có khoảng cách khá xa so với các quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, nhất là khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học – công nghệ với phát triển ứng dụng vào đời sống xã hội, sản xuất; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún; nghiên cứu phát triển trong khu vực doanh nghiệp còn ít, thiếu kết nối hiệu quả với các trường đại học, viện nghiên cứu; chưa xây dựng môi trường chính sách, pháp luật phù hợp để huy động nguồn lực, tận dụng thế mạnh công nghệ 4.0.
“Sự chậm trễ này đôi khi còn là rào cản làm nhụt nhuệ khí đổi mới sáng tạo, làm nản tâm huyết cống hiến, trí tuệ của nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, khiến chúng ta không thể đột phá và dễ tụt lại phía sau” – Thủ tướng tâm tư.
Yêu cầu cấp bách trong thời đại công nghệ 4.0 là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật nên Hội thảo là dịp để nhận diện rõ những vướng mắc về thể chế, pháp lý cần giải quyết, đồng thời đề xuất giải pháp, hiến kế với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trước hết, chúng ta cần nhận diện chính xác những vấn đề pháp lý phát sinh, đặc biệt khi công nghệ đang làm mờ dần ranh giới giữa các quốc gia, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang biến những vấn đề pháp lý quốc tế thành vấn đề pháp lý của quốc gia và ngược lại.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Hội thảo |
Nhắc lại nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển Chính phủ điện tử, Thủ tướng cho biết thêm ngay trong sáng 24/6 ông đã trực tiếp khai trương E-cabinet, một nội dung quan trọng của Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số. Thủ tướng khẳng định tới đây sẽ có những chỉ đạo mang tầm chiến lược về dữ liệu số quốc gia trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư để hướng tới một Việt Nam số, trong đó tất cả ngành nghề, lĩnh vực đều hướng tới kết nối số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thay đổi không ngừng để thích nghi môi trường số hóa.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng các Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý |
“Đây là cơ hội lịch sử mà những người làm công tác pháp luật cần tích cực nhấn mạnh, còn ngược lại sẽ bị ảnh hưởng. Việc thiết kế cơ chế, chính sách phải đồng bộ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với những tư duy mới phù hợp với xu thế thế giới” – Thủ tướng nói đầy thôi thúc.
Theo Thủ tướng, yêu cầu với hệ thống pháp luật là phải đảm bảo phát triển bền vững, an toàn, an ninh, chủ quyền quốc gia, lấy quyền và lợi ích công dân làm trọng tâm, thúc đẩy khoa học – công nghệ tiên tiến, khả năng đổi mới sáng tạo và xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đảm bảo quản lý nhà nước trên không gian mạng để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan. Trước mắt, cần nhanh chóng xây dựng khung chính sách đối với mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ cao, mô hình kinh tế chia sẻ, quản lý các tài sản kỹ thuật số, tài sản mã hóa, các phương thức thanh toán mới…
“Tư duy không quản được thì cấm là điều cần lưu ý trong xây dựng thể chế” – Thủ tướng nhắc nhở và cho rằng những vấn đề công nghệ 4.0 cũng liên quan trực tiếp đến quá trình hoạch định, xây dựng chính sách pháp luật. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực pháp luật cũng cần bắt kịp các xu thế mới.
Ngoài ra, những công nghệ tiên tiến có thể ứng dụng được trong công tác thực thi thể chế, pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật như công nghệ cảm biến thông minh, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật… hoàn toàn có thể ứng dụng trong phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật để kịp thời ngăn ngừa, xử lý vi phạm pháp luật, khắc phục tình trạng “nhờn luật” còn khá phổ biến trên nhiều lĩnh vực đang gây bức xúc xã hội.
Một điều quan trọng nữa là tư duy làm chính sách, pháp luật trong cách mạng 4.0 cần những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống mới thúc đẩy đổi mới sáng tạo… Bởi thế, các bộ, ngành cần khẩn trương rà soát pháp luật hiện hành, đánh giá rõ hơn về tính tương thích với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kịp thời có đề xuất hướng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Trước mắt, tập trung rà soát đề xuất khung pháp lý thử nghiệm các thí điểm của Chính phủ nhằm thúc đẩy mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ.
Đối với từng bộ, ngành cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp tập trung nghiên cứu, đề xuất những vấn đề đặt ra, tham mưu các giải pháp đẩy mạnh quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực thi hiệu quả pháp luật trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đảm bảo xây dựng, thực thi pháp luật luôn bắt kịp và đồng điệu với nhịp đập ngày càng nhanh của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân, doanh nghiệp. Bộ Tư pháp cần sớm hình thành ý tưởng chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp đang được giao xây dựng sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cần nghiên cứu các vấn đề đặt ra đối với quy trình soạn thảo, ban hành, giám sát thực thi pháp luật, bảo đảm yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tận dụng thời cơ 4.0, xây dựng Chính phủ điện tử, công tác dự báo, phân tích phản ứng chính sách một cách kịp thời, chính xác, theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, xây dựng cơ chế phản hồi thông tin chính xác, nhanh chóng trong thi hành chính sách, pháp luật.
Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tận dụng cách mạng 4.0; Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu định danh quốc gia, hoàn thiện hướng dẫn thực thi Luật An ninh mạng; Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương đánh giá tác động của việc xuất hiện mô hình một số đồng tiền kỹ thuật số, sớm hoàn thiện ban hành các quy định về các hình thức huy động vốn cộng đồng mới.
Bộ Thông tin và Truyền thông thì tập trung thể chế, nguồn lực thúc đẩy hạ tầng công nghệ thông tin, sớm triển khai mạng 5G, phối hợp xây dựng hệ thống thanh toán điện tử; Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất sử dụng linh hoạt công cụ tài chính để làm đòn bẩy ứng dụng công nghệ, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về thuế nhằm khuyến khích nhân tài công nghệ thông tin nhưng đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế thu nhập của doanh nghiệp, cá nhân…