Thách thức…
Theo Liên Đoàn Robotics Quốc Tế, ước tính đến năm 2019, số lượng robot công nghiệp được lắp đặt tại các nhà máy sẽ tăng lên 2,6 triệu từ 1,6 triệu so với năm 2015. Tờ New York Time trong bài viết mới đây cũng đưa ra con số cho thấy với sự phát triển của công nghệ sản xuất, năng suất lao động của công nhân ngày nay đã tăng 47% so với 20 năm trước.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia, sự phát triển này vẫn chưa đủ trước thách thức về nhu cầu ngày càng cao, đòi hỏi tốc độ, tính chính xác và độ tinh vi của sản phẩm. Để giải quyết vấn đề này, khái niệm nhà máy thông minh với hệ thống vận hành tự động hóa 24/7 đang nhận được sự quan tâm của toàn cầu.
“Trong kỷ nguyên 4.0, sự tích hợp của một số công nghệ mới đã mở ra các loại hình hệ thống tự động như “Robot hợp tác” hoặc Cobots - một hệ thống robot được thiết kế để làm việc an toàn cùng với con người”- ông Suttisak Wilanan, Giám đốc điều hành, Công ty Reed Tradex, một trong những công ty tổ chức hội chợ- triển lãm hàng đầu đến từ Thái Lan giới thiệu.
Theo báo cáo của Monetary Watch, sau khi một nhà máy ở thành phố Đông Hoản, Trung Quốc sử dụng robot vào dây chuyền sản xuất, năng suất sản xuất của họ tăng 250%, các lỗi trong quá trình sản xuất giảm 80%. Kể từ đó, lợi ích của việc nâng cấp sản xuất tự động hóa đã được công bố bao gồm hiệu quả cao hơn, năng suất tốt hơn, thời gian ngừng sản xuất ít hơn và nhiều lợi ích hơn nữa.
“Tất cả các nhà sản xuất không thể bỏ qua các công nghệ hiện đại về khả năng tùy chỉnh, độ chính xác, tốc độ sản xuất nhanh, và sự chuyển đổi từ analog sang vận hành kỹ thuật số trong thời đại công nghiệp 4.0. Sẽ không sai khi nói rằng những người không thích ứng được với sự chuyển biến này, thì nguy cơ rời xa hơn sau cuộc đua công nghiệp sẽ là điều dĩ nhiên…”- ông Suttisak Wilanan phát biểu.
Câu hỏi được đặt ra là, trong khi tự động hóa đang được phát triển để giúp giảm thiểu sai sót của con người, những trung tâm sản xuất mới nổi như Việt Nam cần có hướng đi như thế nào trước chuyển biến này? Làm cách nào để các nhà sản xuất tận dụng các thế mạnh sẵn có, cũng như tiếp tục đổi mới để chiếm lĩnh thị trường?
Doanh nghiệp phải tiên phong
“Tốc độ tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam ở mức trung bình trên 6%/năm trong giai đoạn tốc độ phát triển của thế giới chậm lại, đặc biệt là trong giai đoạn 2013- 2015 và việc tham gia thành công vào các Hiệp định Thương mại Tự do quan trọng như TPP, AFTA, EVFTA… đóng vai trò rất to lớn. Ngoài ra, Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể về dòng vốn FDI chảy vào trong 10 năm qua, góp phần thu hút nhiều tiến bộ công nghệ và đầu tư nước ngoài vào trong nước…”- ông Suttisak Wilanan nhận định.
Cùng với đó, trong những năm gần đây Việt Nam lại một lần nữa thực hiện một động thái chiến lược để đẩy mạnh ngành sản xuất thành một cuộc CMCN mới. Tất cả các nhà sản xuất không thể bỏ qua các công nghệ hiện đại về khả năng tùy chỉnh, độ chính xác, tốc độ sản xuất nhanh và sự chuyển đổi từ amlog sang vận hành kỹ thuật số trong thời đại công nghiệp 4.0. “Đây là lý do các nhà sản xuất sẽ cần phải tự trang bị hành trang cho mình để phục vụ nhu cầu phát triển của khác hàng, theo kịp CMCN4.0…”- Giám đốc Reed Tradex khẳng định.
Nói về khả năng bắt nhập cuộc CMCN 4.0, ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA) dẫn chứng ngành công nghiệp điện tử và cho rằng trong những năm gần đây, ngành công nghiệp này có tốc độ tăng trưởng nhanh và trở thành ngành công nghiệp chủ chốt trong nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử năm 2017 đạt hơn 71 tỷ USD, gấp 2,5 lần công nghiệp dệt may, gấp 5 lần ngành da giày, dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo...
Số liệu từ Bộ Công thương cũng cho thấy, tổng số DN hiện đang tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 661 DN (trong đó: 591 DN sản xuất linh kiện điện tử, 56 DN sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi, 14 DN sản xuất băng, đĩa từ và quang học…
“Tuy nhiên, số lượng DN nội địa thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của ngành điện tử đã và đang là nhà cung cấp cho các DN FDI không nhiều. Một phần do hạn chế của nội tại các DN, mặt khác, do sự hiểu biết giữa hai phía còn hạn chế…”- Chủ tịch VEIA băn khoăn và khẳng định: “Việc kết nối giữa các DN FDI với DN nội địa là hết sức cần thiết”
Thay vì ra nước ngoài tìm kiếm công nghệ thiết bị,Chủ tịch VEIA cho rằng các DN Việt Nam cần tìm kiếm cơ hội ngay tại các cuộc triển lãm, hội chợ được tổ chức ngay tại Việt Nam. “Chúng tôi mong muốn giúp đỡ các DN giữ vững được vị thế cạnh tranh trên thị trường bằng nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có hoạt động hỗ trợ triển lãm thương mại, quảng bá hình ảnh của DN, kết nối các DN trong cùng ngành hàng trong nước và ở quy mô quốc tế…”- Ông Long chia sẻ…