Nhiều rủi ro tiềm ẩn trên mạng ảo
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay mọi hoạt động đều dịch chuyển lên Internet, kéo theo rủi ro lớn cho phụ huynh, trẻ em như: lộ thông tin, bị lừa đảo, đánh cắp dữ liệu, dụ dỗ lôi kéo, tiếp cận thông tin giả mạo.
Ông Nguyễn Minh Đức, CEO kiêm Founder CyRadar cho rằng, cùng với việc kết nối online nhiều hơn, các chiến dịch tấn công mạng cũng gia tăng. Đặc biệt trong các hộ gia đình, các em nhỏ đang làm quen với việc học trực tuyến. Khi các em có điều kiện được tiếp xúc với các thiết bị máy tính, smartphone, rất có thể sẽ bị lôi cuốn theo các vấn đề diễn ra trên mạng.
Theo các chuyên gia, nếu “sống” quá nhiều trên không gian mạng thì các rủi ro kéo theo là rất lớn, ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của người dùng. Kết quả khảo sát hơn 1.000 người cho thấy, có đến 94% phụ huynh cho biết cấp cho con em các thiết bị máy tính, smartphone để phục vụ mục đích học tập, liên lạc và giải trí.
Tuy nhiên, có tới 75% cũng lo lắng khi trẻ em lợi dụng các thiết bị này để chơi game, bỏ bê việc học; sống ảo trên mạng xã hội (hơn 60%) và dùng sai mục đích; ảnh hưởng tới sức khỏe, ảnh hưởng tới thần kinh, thị giác.
Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành phiên bản 1 cẩm nang “Hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy và học trực tuyến”. Cẩm nang “Hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy và học trực tuyến” nhằm giúp giáo viên, học sinh và phụ huynh tự trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản để nhận biết nguy cơ mất an toàn thông tin trên không gian mạng cũng như trong quá trình dạy, học trực tuyến.
Tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình đặt ra mục tiêu kép vừa bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trước các nguy cơ rủi ro, đồng thời chú trọng xây dựng được “vaccine số”, các kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Cùng với đó xây dựng môi trường mạng lành mạnh, phát triển các sản phẩm dịch vụ giúp trẻ em học tập, vui chơi, giải trí sáng tạo.
Trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết
GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho rằng, cùng với những ưu điểm vượt trội thì ảnh hưởng tiêu cực của không gian ảo cũng dần bộc lộ một cách rõ nét. Với chế độ mở, không qua khâu kiểm duyệt, nội dung nên trên mạng luôn có những chuỗi, khối thông tin khổng lồ, đa diện và không kiểm soát.
Theo đó, bất kể mọi sự việc đều được phát sóng trực tiếp một cách nhanh chóng mà không cần xem xét đến nội dung hay tính nhân văn của nó. Các sự kiện, các vấn đề hay tình huống xã hội đã thu hút nhiều người, trong đó có cả nhiều học sinh tham gia ở các “vai” khác nhau.
Đồng thời, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng lo ngại sức thu hút của các khóa học trực tuyến (cả thu phí và miễn phí), khá nhiều diễn giả, người nổi tiếng, người huấn luyện và cả giáo viên các cấp xuất hiện trở thành giáo viên trên mạng. Song điều đáng nói là với sức ép của người học ảo, không ít khóa học đã khai thác hình ảnh giáo viên trên mạng phải độc đáo, mới lạ, cá tính. Từ đây, không ít hành vi, cử chỉ, cách nói năng và cả các hệ lụy xảy ra xung quanh cách triển khai lời giảng, cách cư xử hay ứng xử với người học.
Cũng theo GS Sơn, việc mua bán giáo án hay kế hoạch bài dạy, sáng kiến kinh nghiệm, báo cáo tổng kết hay các bài làm sau các khóa tập huấn được quảng bá, giao dịch công khai trên các hội nhóm bởi chính những người làm nghề giáo. Đây là một nỗi buồn bởi chính học sinh, phụ huynh và nhiều người khác đều nhìn thấy và biết rõ.
Bên cạnh đó, các nhà trường cần đẩy mạnh các biện pháp như phổ biến về Luật An ninh mạng và quy tắc ứng xử trên mạng xã hội hiệu quả. Bên cạnh đó, cần chú ý bồi dưỡng cho giáo viên một cách căn bản, có tầm nhìn về việc sử dụng Internet, nhất là kỹ năng chuyển đổi số và phát triển các giá trị văn hóa học đường trên không gian mạng.
“Không chỉ là việc hướng dẫn các thao tác, kỹ năng mà các chia sẻ về nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân, quản lý tài khoản, ứng xử với người lạ hay các tình huống có nguy cơ, quản lý thời gian sử dụng Internet, mạng xã hội, các biểu hiện văn hóa trên môi trường mạng, trách nhiệm của học sinh với an ninh mạng và ứng xử mạng văn minh là không thể thực hiện chậm trễ’, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.