Cách nào để doanh nghiệp dệt may an toàn vượt “bão Covid"?

(PLVN) - Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến toàn ngành dệt may vào tháng 6/2020 sẽ vào khoảng 12.000 tỷ đồng và 80% doanh nghiệp (DN) sản xuất phải cắt giảm việc làm. Vậy, số lượng nhân công cực lớn của ngành dệt may sẽ ra sao?
DN dệt may đang xoay mọi cách để giữ ổn định nhân công.
DN dệt may đang xoay mọi cách để giữ ổn định nhân công.

Vinatex cam kết “không sa thải lao động”

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho biết, sẽ có trên 30% lao động dệt may thiếu việc làm trong tháng 4/2020. Dự báo số lượng này trong tháng 5 sẽ trên 50% và tháng 6 thì rất khó dự đoán.

Với 2,8 triệu người lao động trực tiếp trong ngành dệt may, 6 triệu người phụ thuộc vào doanh thu của ngành công nghiệp dệt may, như vậy sẽ có 8,8 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi tác động từ việc hủy, giãn đơn hàng cho dù đã ở điều kiện sống tối thiểu.

Theo ông Trường, với lượng nhân sự đông, chỉ cần 3 tháng không có việc làm mà vẫn duy trì trả lương tối thiểu cho toàn bộ lực lượng lao động thì các DN dệt may sẽ hết vốn.

Riêng Vinatex, toàn tập đoàn có hơn 80 ngàn nhân sự, mỗi tháng phải chi quỹ lương rất “khổng lồ” và cũng đang đứng trước những rủi ro lớn khi nhiều khách hàng đã hủy, tạm hoãn đơn hàng từ nửa cuối tháng 3/2020.

Tuy nhiên, ông Trường khẳng định, Vinatex đã cam kết ưu tiên số 1 “giữ việc làm và trả lương duy trì đời sống cho người lao động”. Theo đó, các đơn vị sẽ tổ chức lại sản xuất để đảm bảo ai cũng được đi làm. Tập đoàn thực hiện tinh thần giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, chứ không sa thải lao động và quyết “bảo toàn lực lượng” đi qua mùa dịch.

Để làm được việc này, gần 2 tháng qua, Vinatex đã tổ chức sản xuất những mặt hàng chưa bao giờ sản xuất như khẩu trang phòng dịch, tiến tới là khẩu trang y tế, bộ quần áo y tế cho bác sĩ và bệnh nhân...

Cần khẩn trương đưa các gói chính sách cấp bách vào thực thi

Ông Lê Tiến Trường cho biết, hãng H&M đã quyết định chi trả toàn bộ các đơn hàng đã sản xuất xong nhưng chưa giao được hàng và mong muốn các đối tác trên thế giới cũng sẽ ứng xử với các DN dệt may Việt Nam tương tự để có thể giữ ổn định chuỗi sản xuất dệt may.

Theo ông Trường, để giúp DN dệt may vượt qua được thời kỳ khó khăn này, các gói chính sách cấp bách của Chính phủ như tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn phí cần nhanh chóng được đi vào thực thi đến từng cơ sở vì DN hiện không có dòng tiền về.

Ngoài ra, chính sách cho vay trả lương cho DN cũng nên rốt ráo được thực hiện để Vinatex nói riêng và các DN dệt may nói chung có dòng tiền để bảo đảm đời sống người lao động như đã cam kết.

Với tư cách Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), ông Trường cũng cho rằng đây là thời kỳ khó khăn nhất của ngành dệt may. Việc chậm, hủy, giãn đơn hàng lan rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn ngành và người lao động.

Do đó, Vitas mong muốn vì vấn đề an sinh, các đối tác đã đặt hàng chỉ nên giãn thời gian giao hàng, giảm tối thiểu việc hủy đơn hàng và cần thanh toán đúng hạn các khoản đối với hàng hóa đã sản xuất xong chờ ngày xuất khẩu. Đồng thời đề xuất, các đối tác hãy hỗ trợ cho các nhà máy ở Việt Nam trang trải một phần chi phí lương cho người lao động bằng các khoản thanh toán cho đơn hàng đã đặt nhưng chưa sản xuất do việc giãn thời gian giao hàng.

Đọc thêm