Cách nào để giảm giá nhà ở thương mại?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Xây dựng thừa nhận, hiện nay giá nhà ở thương mại đang ở mức cao khiến những người có thu nhập trung bình khó tiếp cận. Bởi vậy, một trong những nội dung quan trọng của chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 là phát triển nhà ở thương mại có diện tích trung bình và có giá hợp lý.
Căn hộ chung cư ở Hà Nội có giá dao động từ trên 30 triệu - 40 triệu đồng/m2.
Căn hộ chung cư ở Hà Nội có giá dao động từ trên 30 triệu - 40 triệu đồng/m2.

Cung lớn hơn cầu

Trong những năm gần đây, giá nhà ở thương mại liên tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, ở khu vực nội thành hai đô thị lớn nói trên khó tìm đâu ra được những căn chung cư có giá 2 tỷ đồng. Theo khảo sát, một căn hộ chung cư ở Hà Nội có giá trung bình từ 3 - 4 tỷ đồng, tức mức giá dao động từ trên 30 triệu - 40 triệu đồng/m2.

Tại báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội, Savills Việt Nam mới đây cho biết, các căn hộ có giá phổ biến trên 1.500 USD/m2, chiếm 66% nguồn cung mới của thành phố, tăng 32% theo năm. Trong 9 tháng đầu năm 2021, nhu cầu cho các sản phẩm có giá từ 1.500 USD/m2 đến 2.000 USD/m2 tăng và chiếm 50% số lượng căn bán được.

Các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình và Cầu Giấy tập trung chủ yếu các dự án hạng A, có giá chào bán cao nhất trên 3.000 USD/m2. Theo sau là các quận Đống Đa và Tây Hồ với mức giá biến động từ 2.000 USD/m2 đến 3.000 USD/m2. Các quận/huyện khác với chủ yếu các dự án hạng C có mức giá dưới 1.500 USD/m2.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng từng thừa nhận, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, các ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng, nền kinh tế cũng tăng trưởng chậm, hoạt động bất động sản trầm lắng hơn nhưng giá bất động sản vẫn tăng.

Giải thích về điều này, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng do quan hệ cung – cầu. Theo đó, nhu cầu về nhà ở của người dân đô thị, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang rất cao. Rất nhiều người sinh sống ở hai thành phố này dù công việc đã ổn định nhưng vẫn chưa có nhà. Số lượng người có nhu cầu mua nhà là rất lớn, trong khi “cung” thị trường bất động sản thời gian qua lại không nhiều.

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến giá nhà ở thương mại cao dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nguyên nhân chính là nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu cao. Ngoài ra, quỹ đất tại các khu vực trung tâm không còn nhiều, do đó khi có dự án giá thường được đẩy lên cao.

Đại diện Bộ Xây dựng thừa nhận giá nhà thương mại tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang có mức giá rất cao, thu nhập người dân bình thường không thể mua được. Chính bởi vậy, mục tiêu của Bộ Xây dựng trong thời gian tới là tìm giải pháp kìm hãm giá nhà ở thương mại tăng cao. Một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển hệ thống nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho lao động ở khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX).

Kiến nghị gói 30.000 tỷ cho nhà giá rẻ

Hôm qua - 20/10, Bộ Xây dựng đã phát đi thông tin liên quan đến phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, theo Bộ này, đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn; đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 276.000 căn. Trong đó, đối với nhà ở xã hội dành cho công nhân KCN, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án, quy mô khoảng 54.000 căn hộ.

Để tiếp tục phát triển loại hình nhà ở xã hội có giá rẻ, Bộ Xây dựng vừa kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội vay. Nếu đề xuất này được chấp nhận, chắc chắn sẽ có hàng trăm dự án nhà ở thương mại giá rẻ được tung ra thị trường. Khi đó, “cầu” nhà ở thương mại sẽ giảm, đồng nghĩa với việc giá nhà ở thương mại sẽ giảm theo.

Cũng trong ngày hôm qua, Bộ Xây dựng có Công văn số 3822/BXD-QLN về giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội gửi UBND các tỉnh, thành đề nghị có các cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 của Bộ Xây dựng rất quan trọng, là cơ sở cho việc hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển nhà ở cũng như góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh.

Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty GP Invest cho rằng, Bộ Xây dựng cần có cơ chế ưu đãi để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại có mức giá trung bình, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực phát triển nhà ở…

Đọc thêm