Cách nào giúp doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để tiến đến được mốc này, điều quan trọng phải làm ngay là kiểm kê khí nhà kính và thực hiện các kế hoạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Giảm sử dụng năng lượng góp phần giảm phát thải khí nhà kính. (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)
Giảm sử dụng năng lượng góp phần giảm phát thải khí nhà kính. (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)

3.000 doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050. Để làm được điều này, bà Cecilia Brennan - Tham tán Kinh tế (Đại sứ quán Australia tại Việt Nam) đánh giá, Việt Nam đã có các chiến lược, kế hoạch theo lộ trình giảm phát thải để đạt net zero. Trong đó, cần phải xác định, điều quan trọng nhất là kiểm kê chính xác lượng phát thải khí nhà kính (KNK).

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết thêm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-zôn. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành cũng đã xây dựng và ban hành các văn bản, chính sách liên quan để thực hiện. Tuy nhiên, việc triển khai các quy định này đang gặp một số khó khăn nhất định và cần phải tăng cường năng lực cho các cán bộ quản lý, chuyên gia trong các hoạt động xây dựng báo cáo, kiểm kê KNK.

Hiện Bộ TN&MT đã ban hành danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK, bao gồm các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất thuộc các ngành Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng và nhiều ngành khác có mức phát thải từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên. Theo danh mục này, có khoảng 3.000 DN phải thực hiện kiểm kê định kỳ và báo cáo kết quả giảm phát thải hàng năm.

Theo các quy định liên quan trong Luật Bảo vệ TNMT, các DN sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê KNK trước ngày 31/3 theo định kỳ 2 năm/lần. Tuy nhiên, hiện nhiều DN vẫn đang lúng túng trong hoạt động này. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, không một nước nào có thể giảm phát thải KNK nếu không có sự đóng góp của các DN. Bởi DN đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các cam kết giảm phát thải KNK, bản thân các DN phải có sự chuyển dịch xanh để hướng tới sử dụng các công nghệ ít phát thải các-bon cũng như sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho nguồn năng lượng truyền thống như than, dầu, khí.

Nhưng trước khi thực hiện giảm phát thải KNK thì DN buộc phải biết và tham gia vào quá trình kiểm kê KNK, để từ đó đưa ra được quy trình nào cần phải giảm bớt phát thải và có kế hoạch cho hoạt động này.

Sẽ lập Quỹ Tiết kiệm năng lượng

Giáo sư Tuấn Ngô - nhà triệu tập mạng lưới ngành công nghiệp xây dựng khử các-bon (Đại học tổng hợp Melbourne, Úc) phát biểu tại một hội thảo về báo cáo, kiểm kê KNK, cho biết, hiện tại, tổng lượng phát thải KNK từ sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam là 101,89 triệu tấn/năm và con số này tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Do đó, cần phải có chiến lược để áp dụng các vật liệu các-bon thấp.

Song song đó, áp dụng các biện pháp cải thiện hiệu quả năng lượng như bắt buộc hệ thống quản lý năng lượng, thúc đẩy mạng lưới công nghiệp, tiếp cận và ứng dụng công nghệ sản xuất bền vững; Khuyến khích chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn (như khí đốt, điện khí hóa, hydro)…

Ông Hoàng Văn Tâm - đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ này đã và đang triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ nhằm sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm, hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải KNK… Trong đó việc tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả được coi là một trong những giải pháp khả thi nhằm giảm phát thải KNK.

“Bộ Công Thương đã có nghiên cứu và xem xét cơ chế thành lập Quỹ Tiết kiệm năng lượng (TKNL). Bộ Công Thương sẽ là cơ quan quản lý, điều hành Quỹ để hỗ trợ các dự án đầu tư TKNL trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, để thành lập được Quỹ này thì còn rất khó khăn và thách thức” - ông Tâm nói. Đồng thời cho biết thêm, hiện các DN muốn tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại cũng gặp khó bởi vì năng lực của bộ phận chuyên môn tại các ngân hàng để đánh giá cho vay dự án TKNL còn hạn chế. Do đó, Bộ Công Thương đã có những dự án để cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật, có các chuyên gia giúp ngân hàng đánh giá thẩm định cho vay các dự án TKNL.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (có hiệu lực từ năm 2011) để trình Quốc hội vào năm 2025 theo hướng xây dựng các chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp TKNL.

Theo đánh giá của chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới, nếu có các chế tài bắt buộc thực thi trong TKNL, chắc chắn Việt Nam sẽ giảm được lượng năng lượng đang sử dụng tăng lên hàng năm, qua đó, sẽ giảm phát thải KNK. Bởi theo thống kê, hiện các ngành công nghiệp của Việt Nam tiêu thụ hơn 50% tổng mức năng lượng toàn quốc và phát thải khoảng 70% tổng lượng KNK của Việt Nam.

Đọc thêm