Cách nào mở rộng xuất khẩu trực tuyến cho doanh nghiệp Việt?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có nhiều dự đoán cho rằng, năm 2026 thương mại điện tử xuyên biên giới (xuất khẩu trực tuyến) của Việt Nam sẽ đạt giá trị 10 tỷ USD và trở thành một ngành xuất khẩu lớn thứ 5 tại Việt Nam.
Xuất khẩu trực tuyến có thể là ngành XK trên 10 tỷ USD thứ 5 của Việt Nam. (Ảnh: congthuong.vn)
Xuất khẩu trực tuyến có thể là ngành XK trên 10 tỷ USD thứ 5 của Việt Nam. (Ảnh: congthuong.vn)

Thương mại điện tử cần có nhiều chính sách cụ thể

Trong bối cảnh xuất khẩu (XK) là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, việc tận dụng công nghệ số và thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới để khai thác tiềm năng XK toàn cầu đang được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá cao và điều hướng tập trung. Cùng với đó là dự báo về tiềm năng phát triển của XK trực tuyến khi nhiều nghiên cứu cho rằng, giá trị XK trực tuyến B2C (từ nhà bán hàng đến người tiêu dùng) của Việt Nam dự kiến đạt 12 tỷ USD vào năm 2027.

Ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho rằng, tập trung phát triển XK trực tuyến là một trong những trụ cột quan trọng được Chính phủ quan tâm trên hành trình thúc đẩy tiềm năng XK của Việt Nam. Trong đó, việc tạo môi trường xây dựng các mối quan hệ hợp tác kinh doanh, nắm bắt quy trình vận hành trên nền tảng số và hiện đại hóa hoạt động thương mại góp phần không nhỏ đến cơ hội mở rộng thị trường của các DN thuộc mọi quy mô.

PGS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Bộ sẽ thúc đẩy TMĐT và XK trực tuyến thông qua những chính sách như hạ tầng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin, đào tạo kỹ năng số cho người dân để triển khai TMĐT. Tất cả những chính sách này thể hiện trong Quyết định số 36/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng 2050.

Cùng với đó, Bộ sẽ hỗ trợ DN, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ thực hiện chuyển đổi số. Chương trình sẽ bắt đầu triển khai trong quý III/2024, sau đó sẽ mời các DN Việt Nam có năng lực hỗ trợ các DN nhỏ và vừa về phần mềm, nền tảng số với nhiều ưu đãi tốt như có thể được sử dụng miễn phí trong 3 - 6 tháng, sau đó là các kế hoạch cụ thể hỗ trợ đối tượng DN này.

Ông Phạm Duy Hưng - Giám đốc Chính sách công của Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, sau 5 năm có mặt tại Việt Nam, điều mà Amazon Global Selling Việt Nam tâm đắc nhất là chính sách đã đóng vai trò định hướng để phát triển XK trực tuyến tại Việt Nam...

Với riêng về các hoạt động XK trực tuyến, ông Hưng nhận định, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội liên quan cần nhiều chính sách hỗ trợ DN bán hàng xuyên biên giới hơn. Bởi khi DN đã bán hàng ổn định trên nền tảng XK xuyên biên giới tức là DN đã “cắm cờ” tại thị trường quốc tế thì rất cần những bước hỗ trợ tiếp theo. Bởi thực tế, DN Việt chỉ mới thực hiện XK xuyên biên giới nên rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Nhà nước để bảo vệ được các thị trường XK này.

Giúp doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu trực tuyến

Theo ông Phạm Duy Hưng, một điểm rất quan trọng trong mở rộng XK trực tuyến là cần phát triển về logistics. Do đó, Bộ Công Thương cần có các hướng dẫn, các chiến lược cụ thể, đặc biệt tập trung vào hướng dẫn phát triển logistics để quy hoạch phát triển có thể gắn với hạ tầng giao thông, quy hoạch của các vùng sản xuất. Thực tế, các nước phát triển XK trực tuyến đều có hệ thống kho bãi, kho vận rất gần, kết nối một cách rất hợp lý với khu vực sản xuất tập trung, từ đó sẽ giảm thiểu chi phí sản xuất và XK giữa các bên.

Ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt đánh giá, bán hàng truyền thống thường phải thông qua các khâu trung gian. Ở mô hình này, hầu hết các nhà sản xuất ở Việt Nam mới chỉ tham gia ở mắt xích đầu tiên là cung ứng hàng hoá. Và nếu ở mắt xích thứ nhất đều có lợi nhuận thấp.

XK trực tuyến đã góp phần xóa các khâu trung gian, hàng hóa sẽ từ nhà sản xuất đến thẳng tay người tiêu dùng. Điều này có nghĩa là lợi nhuận của nhà sản xuất sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, khó khăn sẽ gia tăng do các nhà sản xuất sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến việc kiểm soát hàng hoá, vận chuyển, phân phối và xây dựng thương hiệu...

Theo ông Toàn, để có thể thành công và mở rộng thị trường XK trực tuyến, DN cần lắng nghe nhu cầu của thị trường, bán hàng thị trường cần; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa để đạt được sự công nhận của khách hàng, đạt tiêu chuẩn về chất lượng của các thị trường mục tiêu mà DN nhắm đến. Đặc biệt là vấn đề thương hiệu, cần tập trung xây dựng thương hiệu trên nền tảng trực tuyến ngay từ đầu cho dù thương hiệu đã đạt được hiệu quả nhất định ở Việt Nam.