Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư
* Tổng công ty Cửu Long là đơn vị được giao làm đại diện chủ đầu tư đồng thời cũng đang trong quá trình chuẩn bị một số dự án cao tốc lớn như Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau… Để sớm nâng được số km cao tốc lên tương xứng với tiềm năng kinh tế, quy mô dân số của ĐBSCL, cần nhất những vấn đề gì, thưa ông?
ĐBSCL hàng năm đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực, 65% sản lượng thủy sản và 70% lượng cây ăn trái của cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt trên 12% /năm, cao hơn bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nhất là mạng lưới giao thông đường bộ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện tại cũng như tương lai.
Để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trong khu vực, giao thông cần phải đi trước một bước. Cụ thể, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Cửu Long làm chủ đầu tư trong giai đoạn chuẩn bị dự án một số dự án trọng điểm như: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tuyến đường bộ An Hữu - Cao Lãnh, tuyến Mỹ An - Cao Lãnh….
ĐBSCL hiện chỉ có 39km đường cao tốc (qua Tiền Giang, Long An), trong khi đó số dân của khu vực này chiếm trên 21/97 triệu dân của cả nước.
Để từng bước hoàn thiện và triển khai đầu tư xây dựng các dự án trên, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là việc thu xếp nguồn vốn cho dự án. Để đảm bảo được nguồn vốn rất lớn cần phải ưu tiên đầu tư công; đồng thời phát huy, tận dụng tối đa các nguồn lực trong xã hội, đa dạng hoá các nguồn vốn như: Ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và cả hình thức đối tác công - tư.
Đặc biệt, đối với công tác giải phóng mặt bằng, cần có sự phối hợp và hỗ trợ của các địa phương nơi dự án đi qua. Ngoài ra, cũng cần cơ chế, chính sách về đất đai đồng bộ giữa các địa phương trong vùng do một dự án có thể đi qua nhiều địa phương, để tạo thuận lợi cho giải phóng mặt bằng…
Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tuyến cao tốc phía Tây ĐBSCL sẽ thông tuyến trong năm nay. |
* Đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ do Tổng công ty Cửu Long làm đại diện chủ đầu tư là điểm cuối của trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một “gạch nối” quan trọng giữa TPHCM với ĐBSCL, đến nay vẫn chưa khởi công trong khi trên tuyến này, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận sắp hoàn thành, Cầu Mỹ Thuận 2 cũng đã khởi công. Công tác chuẩn bị cho dự án này đang diễn ra như thế nào?
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là phân đoạn trong tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016. Để đảm bảo kết nối tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, đồng thời để đồng bộ với một số dự án đang triển khai trên tuyến như Trung Lương - Mỹ Thuận sắp hoàn thành, Cầu Mỹ Thuận 2 đã khởi công, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 trong đó chỉ đạo khởi công dự án này vào cuối năm 2020, mục tiêu thông xe kỹ thuật vào năm 2021 và khánh thành năm 2022.
Xác định được tầm quan trọng của dự án, tổng công ty đã tranh thủ sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ GTVT và các Bộ liên quan, chủ động lập kế hoạch, xây dựng tiến độ triển khai các hạng mục công việc, phối hợp kịp thời với các bên liên quan đảm bảo thủ tục, trình tự thực hiện theo quy định, nhất là phối hợp với địa phương (Vĩnh Long, Đồng tháp) trong công tác giải phóng mặt bằng để có thể khởi công dự án vào cuối năm nay.
Cầu Vàm Cống bắc qua Sông Hậu, cây cầu lớn nhất của Dự án kết nối khu vực trung tâm Mê Công. |
Lập Ban Mỹ Thuận, không ảnh hưởng tiến độ các dự án
* Khối lượng công việc được giao về phát triển cơ sở hạ tầng của Tổng Công ty Cửu Long tại khu vực ĐBSCL là khá lớn nhưng đơn vị đang trong quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động thành Ban Mỹ Thuận, theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Thực tế này có ảnh hưởng tới công tác quản lý, triển khai các dự án của đơn vị tại địa bàn nói trên?
Từ khi thành lập (năm 2011) đến nay, hoạt động chủ yếu của Tổng công ty Cửu Long vẫn là công tác quản lý dự án do Bộ GTVT giao, đây cũng là hoạt động kế thừa nhiệm vụ của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận trước đây (năm 2011 trở về trước).
Tổng công ty là đơn vị có kinh nghiệm trong công tác quản lý dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, dự án ODA của ngành trong khu vực, trong đó có 4 dự án cầu dây văng qua sông Tiền, sông Hậu (Mỹ Thuận, Cần Thơ, Vàm Cống, Cao Lãnh), và các Dự án Quốc lộ 14, 50, 51, đường Xuyên Á, cao tốc TPHCM - Trung Lương, đường Nam Sông Hậu…. ; đội ngũ cán bộ, kỹ sư của tổng công ty cũng đã tích lũy nhiều kinh nghiệm qua các dự án trên.
Chúng tôi đã được Bộ GTVT tín nhiệm giao quản lý thực hiện hoặc đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án do Bộ GTVT làm chủ quản.
Hiện, tổng công ty đang thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lại Tổng công ty Cửu Long để thành lập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận trực thuộc Bộ GTVT và sáp nhập Tổng công ty Cửu Long vào Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam; trong đó, Thủ tướng chỉ đạo không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án hiện nay đang giao cho Tổng công ty Cửu Long.
Bộ GTVT đã trình Thủ tướng và đã được Thủ tướng chấp thuận quyết định thành lập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận trực thuộc Bộ GTVT. Theo đó, cơ cấu tổ chức, nhân sự của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận sẽ được Bộ GTVT xem xét xét tuyển từ các nhân sự đang làm công tác quản lý các dự án của Tổng công ty Cửu Long hiện nay để có tính kế thừa và không làm ảnh hưởng đến các dự án được giao.
Do vậy, công tác chuyển đổi mô hình hoạt động từ Tổng công ty Cửu Long trở lại thành Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận không ảnh hưởng đến việc quản lý các dự án mà đơn vị đang triển khai trong khu vực.
Trân trọng cảm ơn ông!