Thương mại vùng núi còn nhiều hạn chế
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá, vùng TD&MNPB đã có những đóng góp vào thành công chung trong bức tranh XNK của đất nước. Cụ thể, trong 2 năm 2022 và 2023, trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch XNK toàn vùng lần lượt đạt xấp xỉ 119,5 tỷ USD và trên 115,5 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch XNK của cả nước. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu (XK) của vùng đạt xấp xỉ 67,4 tỷ USD năm 2022 và trên 64,8 tỷ USD năm 2023, tương đương 18% tổng kim ngạch XK của cả nước.
Cơ cấu hàng XK của vùng khá đa dạng, đóng góp vào nhiều nhóm hàng XK “tỷ đô” của cả nước như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, một số mặt hàng nông sản...
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng nêu trên, vùng TD&MNPB vẫn còn tồn tại một số hạn chế lớn, đó là quy mô kinh tế vùng tương đối nhỏ so với các vùng khác trong cả nước (xếp thứ 5/6 vùng về quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn trong năm 2020). Tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa các địa phương trong vùng dẫn đến chênh lệch phát triển nội vùng lớn, với một số địa phương đầu tàu có tốc độ phát triển nhanh hơn như Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Lào Cai.
Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp mới tập trung chủ yếu ở một số ít địa phương có thế mạnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ với các ngành chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, thông tin, cơ khí, chế biến nông sản, dệt may, da giày.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, việc phát triển doanh nghiệp (DN) trong vùng gặp nhiều khó khăn, mật độ DN trên 1.000 dân hiện thấp nhất cả nước, chỉ bằng 1/3 mật độ DN bình quân cả nước khiến giảm tính năng động của nền kinh tế vùng.
Đánh giá về vùng TD&MNPB, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, đây là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa được khai thác hết nên quy mô nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 nhỏ hơn các vùng khác.
Năm 2021, quy mô nền kinh tế được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp và dịch vụ. DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh trong vùng có 31.318 DN nhưng đa số là quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các địa phương trong vùng rời rạc; Hoạt động của các khu công nghiệp kết nối với các cụm liên kết trong sản xuất công nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều DN phụ trợ cho ngành công nghiệp mũi nhọn; Tỷ trọng giá trị gia tăng trong sản phẩm khai khoáng thấp; Tính gia công trong sản xuất công nghiệp còn phổ biến.
“Thêm vào đó, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư hiện hành chưa đủ mạnh để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp, thương mại. Đầu tư nước ngoài vào công nghiệp chưa đáng kể, mặt khác, sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong một số lĩnh vực còn rất cao” - ông Sơn cho hay.
Tăng cường liên kết vùng
Để hỗ trợ, thúc đẩy vùng TD&MNPB có sự chuyển mình khởi sắc trong hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển XNK mạnh mẽ hơn nữa, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh, trong thời gian tới cần liên kết với nhau để cùng thống nhất đồng hành phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực cho từng nhóm sản phẩm của vùng. Từ đó xác định các mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp để khai thác các giá trị sản phẩm tốt nhất. Ví dụ, các tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn đều có nhiều sản phẩm trà để làm quà tặng, nhưng loại trà nào mang ra nước ngoài bán có lợi thế nhất thì cần tính toán lại.
Ông Đỗ Quốc Hưng - Vụ trưởng Vụ Thị trường Á Phi (Bộ Công Thương) gợi ý, đối với thị trường truyền thống Trung Quốc, cần nghiên cứu khả năng phối hợp với Bộ, ngành chức năng, Hiệp hội và DN sản xuất, kinh doanh có uy tín của tỉnh tổ chức định kỳ hàng năm hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng lớn còn nhiều dư địa cho các sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh tại Trung Quốc (như Bắc Kinh, Hà Bắc, Hồ Nam, Sơn Đông, Tứ Xuyên…).
Ông Hưng cũng đề nghị địa phương cần tăng cường triển khai hướng dẫn các DN tiếp tục quan tâm khai thác thị hiếu người tiêu dùng của từng thị trường để có cách tiếp cận “đúng - trúng” với từng thị trường XK đã hướng đến. Đồng thời, quan tâm khai thác yếu tố thuận lợi trong “mùa vụ” với các thị trường. Ngoài ra, việc một số thị trường khu vực châu Á - châu Phi cũng canh tác nhãn, xoài nhưng có mùa vụ lệch so với vụ thu hoạch của Việt Nam cũng là điểm cần quan tâm, khai thác…
Còn theo ông Bùi Huy Sơn, cần tập trung ưu tiên phát triển XK các mặt hàng có quy mô XK lớn, lợi thế cạnh tranh cao (điện tử, dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ...) gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm XK cũng như tăng cường đa dạng hóa thị trường XK.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển XK qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài, thúc đẩy chuyển nhanh sang thương mại chính ngạch đối với các nước có chung đường biên giới gắn với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại…
Cùng với đó, tiếp tục củng cố, phát triển và quản lý tốt hệ thống phân phối, nhất là bán lẻ. Trước mắt, hình thành nhanh hệ thống phân phối của một số DN lớn kinh doanh những vật tư chiến lược và hàng tiêu dùng thiết yếu, đóng vai trò chủ lực và là “đầu tầu” để lôi kéo, liên kết và định hướng cho các DN khác trong việc phát triển các hệ thống phân phối và tổ chức thị trường vừa theo ngành hàng, vừa theo không gian kinh tế.