Cách nào tốt nhất để ngăn rừng rơi vào tay “đại gia”?

(PLO) - Từ thực tế giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã nhận định như vậy.
“Ôm”, “thả” đúng loại mới phát triển
Theo phản ánh, các nông, lâm trường mới chỉ tái cơ cấu theo kiểu “đổi tên” mà vẫn giữ hệ thống quản trị cũ khiến việc quản lý, sử dụng đất đai không hiệu quả. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó?
- Tôi cho rằng đó là do chưa xác định được chức năng, nhiệm vụ, vị trí của nông, lâm trường (NLT) trong nền kinh tế để khẳng định nên cho tồn tại hay không. Chỉ khi bàn được vấn đề đó thì mới bàn đến các vấn đề tài chính, giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất hiệu quả, mới có trách nhiệm. Tôi không cổ vũ tư nhân hóa sở hữu đất đai nhưng không chuyển đổi mô hình quản trị NLT mà cứ nói đến giao đất quản lý cho hiệu quả thì rất khó.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh 
Chuyển đổi là cần thiết, vậy ông có định hình được một mô hình quản trị nông, lâm trường như thế nào cho hiệu quả? Trong mô hình đó, Nhà nước có can thiệp nữa không?
- Dù chuyển đổi mô hình thì NLT là tổ chức kinh tế của Nhà nước nên Nhà nước phải can thiệp. Nhưng phải tách ra một cách rõ ràng NLT nào làm chức năng công ích, NLT nào làm chức năng kinh tế để xác định loại NLT nào Nhà nước cần “ôm”, loại nào phải “thả” để NLT tự bươn chải, phát triển theo đúng quy luật thị trường và quy định pháp luật.
Bộ, ngành nào cũng muốn có một vài công ty để làm kinh tế thì không được vì khi quản lý nhà nước lẫn sang kinh doanh thì sẽ có chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Công ty nông, lâm nghiệp không giữ vai trò lớn như “ông” điện, “ông” xăng dầu là ngành kinh tế cấp quốc gia thì không cần phải vương vấn đến mức cứ “ôm khư khư”. 
Quản không xuể thì sẽ “phát canh thu tô”
Chúng ta không cho sở hữu tư nhân về đất đai để tránh “phát  canh thu tô” nhưng thực tế quản lý đất nông, lâm trường đang có những biểu hiện như vậy. Ông bình luận gì về vấn đề này?
- Nhà nước giao đất cho NLT dưới hình thức cho thuê, mà khi đã thuê thì họ sẽ phải tính đến việc sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Nhưng với một công ty nông, lâm nghiệp chỉ có 30-40 người mà quản lý 10 nghìn hécta thì không xuể nên mới sinh ra việc “phát canh thu tô”. Đấy cũng cách để các công ty nông, lâm nghiệp tận dụng những lợi ích của Nhà nước ưu đãi cho thông qua việc giao đất. 
Như vậy phải rà soát lại để thu hồi phần đất nông, lâm trường sử dụng không hiệu quả để giao cho người dân?
- Điều này là đương nhiên. Tranh chấp đất NLT không chỉ giữa người dân với NLT mà còn cả giữa địa phương với NLT vì thấy NLT “phát canh thu tô” nhiều quá. Giám sát cho thấy cả chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh đều không đồng ý với cách quản lý như vậy. 
Phải rà soát xem NLT thực quản lý bao nhiêu đất được giao, những vấn đề phát sinh, trách nhiệm của Nhà nước, các NLT. Chỉ khi nào giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh thì doanh nghiệp mới được ký hợp đồng cho thuê đất. 
Bên cạnh đó, khi chuyển đổi mô hình quản lý là cổ phần hóa thì phải làm rõ về quyền sử dụng đất. Hiện không cổ phần hóa quyền sử dụng đất, nhưng lại chưa giải quyết được câu chuyện tài sản trên đất hiện hữu khi cổ phần hóa dẫn đến những tranh chấp triền miên.
Cuối cùng phải giải quyết đất sản xuất, đất ở cho người dân tại địa phương có đất rừng, chứ giao đất, cho thuê đất, khoán đất rừng cho người dân ở nơi khác, địa phương khác thì phát sinh tranh chấp là đương nhiên.
Không thể “nói mồm” tái cơ cấu
Có ý kiến lo ngại sau khi giao đất, nhất là đất rừng thì người dân sẽ bán, cuối cùng thì toàn rơi vào tay các "đại gia”?
- Đây là câu chuyện khác. Luật Đất đai quy định người quản lý, sử dụng đất có rất nhiều quyền nên nếu chỉ dùng biện pháp hành chính thì rất khó giải quyết. Thực tế, điều này cũng xảy ra ở một số nơi do người dân lâm vào tình cảnh khó khăn nên buộc phải chuyển nhượng cho các đối tác khác để đáp ứng yêu cầu trước mắt mà chưa tính đến yếu tố lâu dài. 
Khi bàn về vấn đề này, Hội đồng Dân tộc đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có một số biện pháp để hạn chế chuyển nhượng quyền sử dụng đất như tuyên truyền vận động, quy định thời gian sử dụng đất được giao trước khi được chuyển nhượng… 
Các chính sách đều có mặt trái, có những vấn đề phát sinh nhưng phải có sự lựa chọn tốt nhất, hạn chế tối đa những tác động của mặt trái vì mục tiêu phát triển. Nên nếu sợ người ta chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không giao thì không được. Để bảo vệ và phát triển rừng thì phải giao, nhưng đi kèm đó là cơ chế để gắn sinh kế của người dân với đất được giao.
Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm