Rừng của dân bị chặt ở Vĩnh Phúc: Chính quyền lơ mơ, kiểm lâm thờ ơ (!)

(PLO) - Không những rừng của gia đình bị chặt phá, chiếm dụng trái pháp luật mà khi chính quyền mở đường qua khu đất lại đền bù cho người chiếm đất trái phép…
Rừng của dân bị chặt ở Vĩnh Phúc: Chính quyền lơ mơ, kiểm lâm thờ ơ (!)
Chiếm đất, chặt cây rừng vẫn ung dung
Theo đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Biên, thường trú tại Cầu Xây, xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, khu đất rừng thuộc lô 36 – Khoảnh IV tại xã Ngọc Thanh được UBND huyện Mê Linh giao gia đình bà sử dụng và khai thác từ năm 1995. Gia đình bà là những người đầu tiên khai hoang và mang cây giống đến ươm, cung cấp cho cả cánh rừng của xã.
“Đây là dự án trồng rừng PAM của Xí nghiệp Nông lâm nghiệp (XN) Mê Linh. Sau khi ươm cây trồng rừng xong, sau 3 năm gia đình tôi được chính quyền giao khu đất này để khai thác, sử dụng. Từ đó đến nay, nhà tôi trông coi bảo vệ liên tục”, bà Biên cho biết.
Năm 1998 bà Biên làm tờ trình dự án xin chuyển đổi khu đất S6 phục vụ cho việc trồng cây ăn quả, theo tinh thần của Đảng, Nhà nước vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên khi cho máy móc, nhân công vào làm thì ông  Tạ Văn Tuấn (công nhân của XN Mê Linh ) cản trở. Bà Biên đã gửi đơn lên xã rồi lên huyện tố cáo ông Tuấn chiếm đoạt trái phép đất của bà. Tính đến nay đã thay 6 đời chủ tịch xã mà dự án này chưa được giải quyết.
Sự việc càng nóng và phức tạp hơn khi  XN Mê Linh giải thể (năm 2003). XN tổ chức họp bàn phân chia vật liệu của nông trường cho công nhân. Được sự đồng ý của bà Biên, Hội đồng giải thể của XN quyết định: Bán vật liệu thanh lý nhà trung tâm Đội 2 Lập Đinh và chuồng bò Lập Đinh số 1 của XN cho ông Tuấn và ông Tuấn phải dỡ bỏ nhà trung tâm đội 2 để trả lại mặt bằng cho bà Biên. 
“Nhưng ông Tuấn không những không thu dọn đồ đạc, trả lại đất mà còn chặt cây cũ, trồng cây mới trên mảnh đất nhà tôi. Vừa mới đây ngày 2/8/2015, ông Tuấn tổ chức khai thác trái phép 2ha rừng với 1.925 cây bạch đàn gần 30 năm tuổi, ước tính 220 triệu đồng của nhà tôi. Tôi lên Ủy ban xã đề nghị có phương án giải quyết nhưng Ủy ban không thực hiện”, bà Biên bức xúc.
Cây rừng trên mảnh đất nhà mình bị chặt, bà Biên đến báo Hạt Kiểm lâm quản lý khu vực rừng xã Ngọc Thanh về tình trạng chặt phá rừng nhưng phải gần chục ngày sau đơn vị này mới cho người lập biên bản kiểm đếm, đào xới, cắt gốc cây. Hiện bà Biên không nắm được số gỗ mà họ khai thác được vận chuyển đi đâu và làm gì(?).
Chính quyền đền bù cho người chiếm giữ đất trái phép
Năm 2009 tỉnh Vĩnh phúc có chủ trương xây dựng hồ tích trữ nước thủy lợi phục vụ tưới tiêu. Một phần đất Lô S6 của nhà bà Biên nằm trong diện tích quy hoạch của dự án. Nhưng lạ lùng thay, Ban giải phóng mặt bằng không đền bù cho chủ đất mà lại lên kế hoạch đền bù cho người chiếm giữ trái phép.
“Khi biết Nhà nước có chủ trương làm hồ Lập Đinh, lô đất nhà tôi có một phần trong dự án. Tôi lên UBND xã hỏi thì được biết Ban giải phóng mặt bằng đã kê khai đền bù cho nhà ông Tuấn chứ không phải nhà tôi. Mặc dù chủ sử dụng, người được pháp luật công nhận là tôi, còn ông Tuấn chỉ là người chiếm dụng trái phép. Đến giờ, tiền đền bù nhà tôi không được nhận, đất thì bị chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật, mặc dù tôi làm đơn nhiều lần đến các cấp chính quyền nhưng cứ như “đá ném ao bèo”, bà Biên cho biết.
“Chưa hết, khoảng hơn 1 tháng trước khi tôi đi trông cháu ở Hà Nội về, thấy con đường hơn 100m chạy qua phần đất của nhà mình. Tôi phản ánh lên chính quyền xã thì nơi đây bảo là do chủ trương của thôn và thôn cho người làm, xã không nắm rõ. Tôi thấy quá kỳ cục. Đất của tôi, thôn tự ý mở đường mà không thông báo và được sự chấp thuận của tôi. Đây là sự xâm phạm khá rõ ràng! Không hiểu nơi này còn luật pháp nữa không!”- bà Biên bức xúc.
Bà Biên dò hỏi ai cho phép mở con đường xuyên qua đất nhà bà thì nhận được câu trả lời là xã chỉ đạo, thôn phụ trách. Thôn vận động bà con xung quanh và được ông Vượng, ông Quý đồng ý cho thôn, xã mượn hết năm. Nhưng thôn không mở đường trên đất của 2 nhà đó mà tự ý mở đường trên đất của bà Biên.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh đến độc giả.

Đọc thêm