Liên tiếp có người mắc
Sau hơn chục năm biến mất, Việt Nam mới ghi nhận ba trường hợp mắc bệnh than (hay bệnh hậu bối). Trong một tháng qua, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã tiếp nhận ba ca bệnh này, trong đó có cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài.
Ngày 23/5, các bác sĩ trong tua trực cấp cứu đã tiến hành phẫu thuật cho người bệnh nữ 56 tuổi đến từ Lạc Thủy, Hòa Bình với tổn thương vùng gáy gần 2 tuần. Tổn thương là những ổ áp xe nhỏ nhiều vách và ngóc ngách, tổ chức dưới da hoại tử và mủ trắng… Xét nghiệm mủ là Staphylococcus Aureus - tụ cầu vàng.
Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân (75 tuổi, Hà Nội). Bà có tiền sử điều trị tiểu đường nhiều năm, ung thư vú trái đã mổ. Bà có biểu hiện sưng tấy đau lưng 2 tuần nhưng do tâm lý sợ đến bệnh viện nên tự điều trị, tổn thương lan rộng đau nhức nhiều mới đến khám. Xét nghiệm vi khuẩn là Staphylococcus Aureus. Bác sĩ Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn – đơn vị chăm sóc vết thương của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã điều trị cho người bệnh ổn định và tiến hành phẫu thuật ngày 19/5.
Bệnh nhân khác là nam giới quốc tịch Sri Lanka. Vốn là một nhân viên tàu viễn dương, mang trong mình bệnh tiểu đường mạn tính, trong những tháng ngày lênh đênh trên biển, không may xuất hiện các cụm nhọt nhiễm trùng vùng lưng.
Vì điều kiện thiếu thốn thuốc men trang thiết bị, tổn thương nhanh chóng lan rộng và tạo thành ổ mủ dọc suốt chiều dài từ lưng xuống tận hông 2 bên.
Ngay khi đặt chân lên bờ ông đã được đưa đến cơ sở y tế địa phương hội chẩn và sau đó chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị trong tình trạng nhiễm trùng dai dẳng, đường huyết dao động. Vi khuẩn xét nghiệm là tụ cầu vàng (Staphylococcus Aureus).
Ngày 14/5, người bệnh được được tiến hành hội chẩn và phẫu thuật rạch tháo mủ, cắt lọc làm sạch các ổ nhiễm trùng vùng lưng, đùi cùng với việc kiểm soát đường huyết.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Chính - Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, người trực tiếp phẫu thuật cho những trường hợp trên cho biết, các bệnh nhân có đặc điểm chung là bệnh lý nền (tiểu đường) với tổn thương điển hình là một vùng viêm tấy đỏ, đau nằm vùng gáy, lưng.
Sau vài ngày diễn biến xuất hiện vỡ mủ nhưng thành nhiều nốt nhỏ trông giống tổ ong hoặc gương sen, đau nhức. Có một số trường hợp do điều trị không đúng hoặc tự ý đắp lá sẽ gây tổn thương lan rộng, hoặc biến chứng như nhiễm khuẩn huyết có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Triệu chứng của bệnh than
Cả ba bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đều có đặc điểm chung là có bệnh tiểu đường với tổn thương điển hình là một vùng viêm tấy đỏ, đau nằm vùng gáy, lưng. Sau vài ngày, da bệnh nhân bị vỡ mủ thành nhiều nốt nhỏ trông giống tổ ong hoặc gương sen, đau nhức.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh than có những triệu chứng sau:
Triệu chứng đầu tiên của bệnh than thể phổi là triệu chứng cấp tính nhẹ và không đặc trưng của suy hô hấp giống như bị nhiễm đường hô hấp trên thông thường. Trên X-quang cho biết trung thất to hơn, sốt và sốc sau 3-5 ngày và sau đó là tử vong.
Triệu chứng ở thể da: Chỗ da bị nhiễm trùng xuất hiện ngứa đầu tiên, sau đó dẫn đến tổn thương, nổi sần, mụn nước và từ 2 - 4 ngày sau phát triển thành nốt loét màu đen. Xung quanh chỗ loét thường có phù mức độ từ nhẹ đến nặng và lan rất rộng, đôi khi có mụn nước nhỏ thứ phát. Nốt loét thường không đau, nếu có đau là do phù hoặc bội nhiễm.
Ở đầu, cánh tay và bàn tay là nơi hay bị tổn thương nhất. Nốt loét có thể bị nhầm lẫn với viêm da. Nơi nhiễm khuẩn không được điều trị có thể lan tới các hạch bạch huyết vùng rồi vào máu gây nhiễm trùng huyết và tổn thương não. Tỷ lệ tử vong bệnh than thể da không được điều trị từ 5 - 20%. Nếu điều trị kháng sinh có hiệu quả ít khi xảy ra tử vong.
Bệnh than thể ruột hiếm gặp và khó phát hiện trừ khi bệnh có xu hướng xảy ra thành dịch lớn ở dạng ngộ độc thức ăn. Đau bụng dữ dội kèm theo sốt, nhiễm khuẩn huyết và kết thúc bằng tử vong trong những trường hợp điển hình.
Bệnh than được xem là đặc biệt nguy hiểm khi người bệnh mắc phải thể bệnh than nhiễm qua đường hô hấp. Sau thời gian ủ bệnh kéo dài từ 1 đến 5 ngày, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm như sốt cao kèm ớn lạnh, tím tái, khó thở, ra mồ hôi đầm đìa, đau đầu,... bệnh nhanh chóng chuyển sang nhiễm khuẩn huyết, viêm thận, viêm màng não, nhiễm độc toàn thân và khiến bệnh nhân tử vong.
Tỷ lệ tử vong ở thể bệnh này rất cao, lên đến 90%. Trong trường hợp được điều trị tích cực, chỉ có khoảng 55% bệnh nhân khỏi bệnh.
Một điểm nữa khiến bệnh than trở nên nguy hiểm chính là bào tử của vi khuẩn gây bệnh than có khả năng sinh tồn rất cao. Như đã nêu ở trên, bào tử Bacillus anthracis có thể tồn tại rất lâu trong điều kiện tự nhiên, thậm chí là vài chục năm trước khi xâm nhập vật chủ, tái kích hoạt và sinh sôi. Một lượng nhỏ vi khuẩn bệnh than bằng móng tay cũng có khả năng làm hơn 10.000 người thiệt mạng.
Vi khuẩn gây bệnh than. Nguồn: Internet |
Cách phòng tránh
Theo Tổ chức phi lợi nhuận Plos (chuyên xuất bản các tạp chí về y khoa), bệnh than là một bệnh do vi khuẩn gây bệnh xảy ra trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 2.000 đến 20.000 trường hợp mắc bệnh than ở người xảy ra mỗi năm.
Hậu bối không tự khỏi theo cách thay băng thông thường hoặc tự uống thuốc mà cần sự can thiệp của các bác sĩ. Khác với nhọt bọc - tổn thương rất nông và thường là một khối mủ có thể trích đơn giản, hậu bối bắt buộc phải phẫu thuật mở rộng và lấy tổ chức hoại tử bên dưới mới khỏi được.
Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, từ động vật lây sang người, do trực khuẩn than gây ra. Nguồn bệnh là động vật như: Trâu, bò, ngựa, dê, lợn, chuột… bị bệnh.
Người lây bệnh do: Tiếp xúc qua da, hít phải vi khuẩn, ăn phải thịt có mầm bệnh than.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:
Nên tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh than cho súc vật nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát bệnh.
Không bán da của những súc vật nhiễm bệnh than và không được dùng xác những súc vật này làm thức ăn.
Nếu nghi là bệnh than thì không cần mổ xác súc vật nhưng lấy mẫu máu vô khuẩn ở cổ để nuôi cấy vi khuẩn. Tránh gây nhiễm ra xung quanh. Do sơ suất đã mổ xác súc vật thì phải tiệt khuẩn và tiêu hủy tất cả các dụng cụ và vật dùng. Tẩy uế nơi có xác chết và chất thải của gia súc bằng dung dịch kiềm 5%, oxit canxi (vôi bột). Xác súc vật phải được phủ một lớp vôi bột trước khi chôn.
Kiểm tra nước thải và chất thải từ các nhà máy chế biến súc vật có thể bị nhiễm bệnh và các nhà máy sản xuất sản phẩm từ lông, da có thể bị nhiễm khuẩn.
Những động vật chết vì bệnh than cần được tiêu hủy đúng cách, sau khi chôn sâu xác động vật nên rải bột vôi kín để tẩy uế và ngăn ngừa sự lan rộng của vi khuẩn.
Đối với người dân, nâng cao cảnh giác, ý thức và đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi. Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, chăm sóc và lưu ý đến các vết xước hoặc vết thương hở trên da.
Về môi trường: Sát khuẩn tẩy uế đồng thời tiệt khuẩn những chất tiết thải ra từ bệnh nhân và các đồ vật bị nhiễm. Biện pháp khử khuẩn bằng xông khói và hóa chất có thể sử dụng đối với trang thiết bị quý có giá trị.
Phải tiệt khuẩn khi khỏi bệnh. Súc vật bị bệnh phải được chôn ở nơi thích hợp và khử khuẩn trước khi chôn.
Hiện nay đã có vắc-xin phòng bệnh than cho con người, tuy nhiên vắc-xin này có số lượng giới hạn và thường chỉ tiêm cho các quân nhân phục vụ chiến đấu hoặc những người có đặc thù nghề nghiệp tiếp xúc nhiều với súc vật hay sản phẩm chứa nhiều vi khuẩn.
Bệnh than là một vấn đề quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng vì các bào tử đã được sử dụng làm vũ khí chiến tranh sinh học.
Do đó, PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức khuyến cáo: Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh, đặc biệt là người sức đề kháng kém hay có bệnh chuyển hóa như đái tháo đường,… cần đến ngay các cơ sở y tế khám và điều trị, tránh những diễn biến nặng của bệnh có thể gây ra hậu quả đáng tiếc, thậm chí biến chứng nhiễm khuẩn huyết còn có thể gây tử vong.