Cách phòng tránh và điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Zika

(PLO) - Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh do Zika. Các nhà chuyên môn ước tính phải mất ít nhất 10 -12 năm để có loại vacxin chống Zika hiệu quả.
Trẻ mắc hội chứng teo não do virus Zika.
Trẻ mắc hội chứng teo não do virus Zika.

Virus Zika (ZIKV) được phát hiện ở loài khỉ Macaca mulatta trong rừng Zika ở Uganda năm 1947. Năm 1968, phát hiện trên người ở Nigeria và từ 1951 – 1981 ở Cộng hòa Trung Phi, Ai Cập, Gabon, Sierra Leone, Tanzania, Uganda và một số nước châu Á gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines,Thái Lan cũng phát hiện trên người.

Năm 2007, virus này lan đến đảo Yap, thuộc liên bang Micronesia (trên Thái Bình Dương, phía đông bắc Papua New Guinea), sau đó qua Thái Bình Dương đến Polynesia thuộc Pháp, đến đảo Phục Sinh (ở nam Thái Bình Dương, thuộc Chile) năm 2015, rồi lan ra toàn Trung Mỹ, vùng Caribbean và Nam Mỹ - nơi Zika phát đại dịch.

Ngày 1-2-2016, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus Zika, sau khi có ý kiến của các chuyên gia dịch tễ học, y tế công cộng, bệnh truyền nhiễm toàn thế giới tại một cuộc họp Ủy ban y tế khẩn cấp.

Ngày 5- 4-2016, WHO thông báo từ cuối năm 2015 dịch bệnh do Zika diễn biến phức tạp ở 61 quốc gia và vùng lãnh thổ; 130 nước có loài muỗi Aedes Aegypti mang virus Zika, nguy cơ phát tán rộng virus này là rất lớn và cảnh báo dịch Zika có thể diễn biến tồi tệ hơn trước khi được kiểm soát.

Vật chủ trung gian truyền virus - muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn truyền virus sốt xuất huyết, hoạt động ban ngày) - là nguồn truyền bệnh chính, ngoài ra một số loài Aedes khác cũng truyền loại virus này sang người.

Sốt do virus Zika thể nhẹ (không có biến chứng) không gây tử vong, gồm các triệu chứng sốt (thường không cao như sốt xuất huyết), đau đầu, phát ban, khó chịu trong người, có thể viêm kết mạc (lòng trắng) mắt hoặc đau khớp, đau lưng. Thường sốt đến ngày thứ ba thì giảm rồi phát ban. Tuy nhiên, WHO vừa công bố những bằng chứng về mối liên hệ giữa virus Zika và hội chứng teo não (hội chứng đầu nhỏ) ở trẻ sơ sinh và hội chứng Guillain-Barré (GBS) ở người lớn, mà bản chất là viêm đa rễ, đa dây thần kinh ngoại biên cấp tính.

Năm 2015, phát hiện gene (ARN) của virus Zika trong nước ối của hai bào thai. Ngày 20-1-2016, các nhà khoa học tiểu bang Parana, Brazil phát hiện ARN của virus Zika trong nhau thai nhi dị tật đầu nhỏ bị sảy, cho thấy virus Zika đi qua hàng rào máu mẹ - thai nhi để xâm nhập bào thai.

Tổng kết các tài liệu lâm sàng nhận thấy bào thai ba tháng đầu có tỷ lệ dị tật đầu nhỏ cao nhất. Chính phủ các nước Mỹ, Brasil, El Salvador, Colombia và Ecuador... khuyên phụ nữ không nên mang thai và sinh con trong giai đoạn có dịch Zika. Mỹ khuyến cáo các thai phụ 3 tháng đầu không nên đến 14 quốc gia bị dịch để tránh lây nhiễm.

Khi phân lập được một chủng Zika ở mô não (trong một dòng tế bào là tiền thân của tế bào thần kinh) thai nhi của thai phụ đến Trung Mỹ lúc có thai tuần thứ 11. Các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ gene của virus và phát hiện tám đột biến gene của virus này so với các chủng Zika trước đây ở Trung Mỹ. Họ cho rằng các đột biến gene có thể liên quan với sự thích nghi của virus với mô não thai nhi.

Nghiên cứu đã giúp khẳng định liên quan giữa virus Zika và tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương thai nhi. Tuy nhiên, ở Brazil, tỉ lệ phụ nữ nhiễm Zika có con mắc hội chứng đầu nhỏ chỉ khoảng 10%, vì thế không nên quá lo lắng, mặt khác có trường hợp đầu nhỏ do di truyền.

Khi bị sốt Zika không có thuốc điều trị đặc hiệu, nên nghỉ ngơi; uống nhiều nước để bù dịch, dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau paracetamol, acetaminophen. Tuyệt đối không dùng Aspirin và các thuốc chống viêm không steroid (nhóm NSAID) như Ibuprofen và Naproxen... do nguy cơ chảy máu khi chưa loại trừ được sốt xuất huyết, vì sốt Zika có các biểu hiện lâm sàng rất giống sốt xuất huyết thể nhẹ (sốt Dengue). Nếu phát ban có triệu chứng ngứa có thể dùng diphenhydramine

Đã xác định được khoảng 80% người nhiễm Zika không có bất kỳ biểu hiện gì. Vì thế không phải tất cả phụ nữ mang thai đều phải xét nghiệm Zika mà những người mang thai 3 tháng đầu tại vùng dịch, có triệu chứng sốt, sổ mũi, viêm kết mạc mắt,  nổi ban... mới cần xét nghiệm.

Ở Việt Nam hiện có 11 đơn vị có khả năng xét nghiệm Zika, gồm Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP. HCM, Bệnh viện Nhiệt đới TW, Bệnh viện Nhiệt đới TP .HCM, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội… Phụ nữ có thai trên 15 tuần nhiễm virus Zika lấy mẫu nước ối làm xét nghiệm (RT-PCR).

Với trẻ sinh ra không mắc hội chứng đầu nhỏ có thể xác định đã nhiễm virus Zika (trong thời kỳ bào thai) bằng cách xét nghiệm máu dây rốn đến 2 ngày sau cuộc đẻ. Nếu thai phụ dương tính với Zika, phải theo dõi hội chứng đầu nhỏ. Chẩn đoán hội chứng đầu nhỏ bằng siêu âm không khó với định kỳ 2 tuần/lần.

Người có thai nghi ngờ hoặc xác định nhiễm virus Zika cần siêu âm thai 3 - 4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi. Khi phát hiện thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ có thể dừng thai nghén. Nếu phát hiện trước 22 tuần, việc quyết định ngừng thai nghén không khó, sau hơn 32 tuần việc đình thai khó khăn, nhiều nguy cơ cho mẹ.

Trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần - vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn co giật, động kinh. Theo dõi các biểu hiện yếu, liệt cơ sau khi bị bệnh để phát hiện, xử trí sớm hội chứng Gulain Barre.

Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh do Zika. Các nhà chuyên môn ước tính phải mất ít nhất 10 -12 năm để có loại vacxin chống Zika hiệu quả. Mới đây, Công ty dược Bharat Biotech,  Ấn Độ tuyên bố đã phát triển một loại vacxin chống virus Zika. Ngày 2-2-2016 Hãng dược Sanofi, CH Pháp thông báo bắt đầu dự án phát triển loại vaccine chống Zika. Nhưng thời điểm 2 loại vaccine này có mặt trên thị trường vẫn chưa được xác định. Vì vậy phòng chống bệnh không có cách nào khác là diệt muỗi và đề phòng những đường lây truyền khác./.

Đọc thêm