Cách sử dụng dầu ăn tốt cho sức khỏe

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dầu ăn là nguyên liệu dùng để chế biến thức ăn mà mọi nhà đều có. Tuy nhiên, ít chị em phụ nữ quan tâm thời hạn sử dụng dầu ăn là bao lâu sau khi mở nắp. Những lời khuyên của chuyên gia dưới đây giúp nhận biết rõ tác hại của việc sử dụng dầu ăn quá hạn khi mở nắp.
Dầu ăn nguyên liệu thường thấy trong mỗi gia đình.
Dầu ăn nguyên liệu thường thấy trong mỗi gia đình.

Thói quen dùng dầu ăn lâu sau khi mở nắp

Dầu ăn, bột canh hay đường đều là những nguyên liệu, gia vị mà bất cứ căn bếp của gia đình nào cũng có. Hiện nay, ngoài những loại dầu ăn từ mỡ heo, dầu lạc, dầu dừa thì đa phần các gia đình đều sử dụng dầu ăn từ thực vật được đóng chai cẩn thận.

Tuy nhiên, do thói quen sử dụng và một phần đời sống bận rộn, nhiều chị em thường ít để ý đến thời hạn dầu ăn và thường sử dụng hết chai dầu ăn rồi mới vứt đi. Thậm chí, nhiều gia đình còn có thói quen tái sử dụng dầu ăn cũ để tiết kiệm.

Chị Ngọc Quỳnh (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm) cho biết: “Tôi mua dầu ăn trong các siêu thị để đảm bảo chuẩn, uy tín và mới sản xuất nên yên tâm hơn về thời hạn sử dụng. Nhưng khi mua về sử dụng ít khi để ý đến thời gian dùng bao lâu, thường sẽ dùng hết chai dầu ăn. Khoảng một tháng rưỡi gia đình tôi dùng hết một chai dầu ăn”.

Trong khi đó, là người đề cao lợi ích của việc ăn nhạt, giảm các chất béo trong khi chế biến món ăn, dù vẫn có dầu ăn trong gia đình nhưng chị Nguyễn Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) lại ít sử dụng đến dầu ăn hơn. Chị cho biết, thường thời gian sử dụng hết một chai dầu ăn của gia đình chị là hơn hai tháng, có khi gần như không dùng trong các món thì mất 3 tháng mới hết. Do hạn chế sử dụng nên hầu như chị cũng ít mua các loại dầu ăn mới.

TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng - Phó khoa Dinh dưỡng Lâm sàng và Tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương từng có những chia sẻ về vấn đề này. Cụ thể, bác sĩ cho biết: “Dầu thực vật khi đun sôi quá lâu ở nhiệt độ cao hoặc dùng để chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ sản sinh ra những chất không tốt, gây hại cho sức khỏe. Đó là chưa kể tới việc dùng nhiều món ăn chiên, xào với lượng lớn dầu thực vật khiến cơ thể bị tăng cân, béo phì, thậm chí là các bệnh về tim mạch, mỡ máu, mỡ gan và tim mạch “như mỡ lợn”. Vì vậy, việc nhiều chị em hiện nay giữ thói quen để dầu ăn lâu sau khi mở nắp và tái sử dụng dầu ăn cũ gây ra nhiều tác hại đối với cơ thể.

Nên có 2 loại dầu ăn trong bếp.

Nên có 2 loại dầu ăn trong bếp.

Dùng dầu ăn như thế nào để đảm bảo sức khỏe?

Theo Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, các loại dầu ăn thực vật đóng chai thường chứa chất béo tốt, thường là các chất béo không bão hòa đa và có thể sử dụng với một lượng vừa phải, giúp cải thiện lượng cholesterol máu và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Chất béo này thường được tìm thấy trong các loại thực phẩm như các loại hạt (hạt hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng, hạt quả hồ đào, dầu ăn thực vật (dầu ôliu, dầu hạt cải, dầu đậu phộng), bơ dừa và bơ hạnh nhân, quả bơ. Vì vậy, dầu ăn được sử dụng với tỷ lệ hợp lý, bảo quản trong điều kiện tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, mỗi gia đình nên có sẵn 2 loại dầu ăn. Một loại dùng để xào, trộn dầu dấm, salat, nấu canh, ướp thịt cá...; loại còn lại dùng cho các món chiên, rán. Các loại dầu như hướng dương, đậu nành, hạt cải, ô-liu... nên dùng để xào, ăn sống, ướp thực phẩm, giúp người sử dụng hấp thu tốt các vitamin A, D, E, K có sẵn trong thực phẩm, bổ sung các a-xít béo thiết yếu và tăng vị ngon cho thức ăn. Các loại dầu hỗn hợp sẽ thích hợp cho việc chiên rán vì có khả năng chịu được nhiệt độ cao trong quá trình nấu nướng.

Trong việc chế biến hàng ngày, chị em cần lưu ý đến thời gian sử dụng dầu ăn sau khi mở nắp. Chỉ nên sử dụng trong khoảng 1 - 3 tháng trở lại và dầu ăn cũng cần được bảo quản trong điều kiện thích hợp, thường là môi trường sạch sẽ, hạn chế vi khuẩn, bụi có thể xâm nhập với dầu ăn.

Sau mỗi lần sử dụng dầu ăn cần đóng kín nắp chai để hạn chế sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, từ đó giúp bảo quản dầu ăn trong thời gian lâu hơn. Một lưu ý khi sử dụng dầu ăn là các gia đình cũng cần quan sát về màu sắc, độ trong, tinh khiết của dầu ăn trước khi chế biến.

Nếu phát hiện dầu ăn có lẫn những loại tạp chất, bụi hay các loại nấm mốc cần loại bỏ ngay lập tức vì những chất này lẫn trong dầu ăn sẽ sản sinh ra các chất độc hại, kết hợp với môi trường chế biến nhiệt độ cao sẽ sinh ra các chất độc, âm thầm gây hại đến sức khỏe gia đình bạn.

Dầu ăn đã đun nấu qua một lần, tốt nhất nên đổ đi, không sử dụng lại, bởi khi dầu ăn bị đun nóng nhiều lần, các vitamin và một số chất dinh dưỡng trong dầu bị phá hủy, sẽ xuất hiện một số chất gây hại cho sức khỏe và có thêm cả những cặn thực phẩm sau quá trình đun nấu mà mắt thường không nhìn thấy. Nếu thường xuyên sử dụng, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Ngoài ra, dầu ăn sử dụng lại cũng dễ bị ôxy hóa dẫn đến sự thay đổi bất lợi về mùi vị và màu sắc của món ăn. Thực phẩm khi chiên với dầu mới sẽ cho màu tươi, thơm ngon, còn với dầu sử dụng lại nhiều lần sẽ có màu vàng sậm, không hấp dẫn và không an toàn cho sức khỏe.

Ngoài ra, thay vì sử dụng những loại dầu ăn đóng chai, các gia đình có thể bổ sung chất béo thông qua những loại thực phẩm thông thường như cá, đậu phộng, mỡ lợn,… tuy nhiên, cần sử dụng với liều lượng hợp lý.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng cũng từng đưa ra lời khuyên cho các gia đình: “Về nguyên tắc, chúng ta phải sử dụng đa dạng nhiều loại thực phẩm. Chỉ dùng mỡ không dùng dầu cũng không được, mà chỉ dùng dầu không dùng mỡ cũng bất hợp lý. Bởi cả mỡ và dầu ăn đều quan trọng và cần sử dụng như nhau. Tùy theo thói quen hàng ngày mà người dân nên chọn lựa linh hoạt cả hai thực phẩm trên sao cho hợp lý, không nên quá lạm dụng hay quá nghiêng về sử dụng nhiều loại nào cả”.

Việc dùng dầu ăn theo độ tuổi cũng rất quan trọng. Cơ thể trẻ nhỏ có nhu cầu cao về chất béo. Cần cung cấp đầy đủ từ cả hai nguồn động và thực vật; DHA, omega 3 để trẻ được phát triển toàn diện. Càng lớn tuổi, nhu cầu cơ thể về chất béo và đặc biệt là mỡ động vật càng giảm. Khi đó cần giảm tỷ lệ mỡ động vật trong khẩu phần và sử dụng các loại dầu ăn chứa omega 3, 6, 9... để bảo vệ sức khỏe.

Nhiều người không biết rằng, đây vốn là thói quen gây hại đến sức khoẻ gia đình. Thông thường, một chai dầu ăn khi chưa mở nắp có thời hạn sử dụng ghi trên nhãn chai là từ 18 - 24 tháng. Trên thực tế, các chuyên gia khuyến cáo các gia đình chỉ nên sử dụng dầu ăn trong vòng 3 tháng trở lại sau khi đã mở nắp.

Thời gian trên là thời gian thích hợp để sử dụng dầu ăn trong gia đình sau khi đã mở nắp và được bảo quản trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, với điều kiện ẩm thấp, nhiều bụi, thời gian bảo quản dầu ăn sẽ càng rút ngắn lại do sự xâm nhập các loại vi khuẩn. Hơn hết, việc để dầu ăn quá lâu sau khi mở nắp và sử dụng lại các loại dầu ăn đã cũ gây nhiều hệ lụy với sức khỏe.

Đọc thêm