Một ngày mùa hè nóng nực năm 1942, một cô gái trẻ xinh đẹp với nụ cười rạng rỡ trên môi thong thả đẩy chiếc xe đạp trên con đường yên bình ở vùng quê Oxfordshire của Anh. Sóng bước cùng cô là một chàng trai cao ráo, mắt nâu. Hai người nắm tay nhau chậm rãi bước, thi thoảng lại hướng ánh mắt về phía sau đầy tình tứ.
Vỏ bọc hoàn hảo
Chính sự lãng mạn toát lên trong khung cảnh đó đã khiến những người xung quanh không còn chú ý tới việc người đàn ông trông vô cùng lo lắng, sợ hãi. Trên thực tế, 2 người có vẻ như là tình nhân đó là những thành viên của mạng lưới tình báo quân sự của Nga đang tìm cách chuyển bí mật hạt nhân quan trọng của Anh cho Moscow. Cả 2 đều được xếp vào nhóm những điệp viên quan trọng nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Người phụ nữ là Sonya – một thành viên của Cơ quan tình báo quân sự Liên Xô. Còn người đàn ông là Klaus Fuchs, cũng là một người Đức nhập cư. Tại thời điểm diễn ra cuộc gặp, Ursula đang là điệp viên chìm của Liên Xô còn Klaus là một nhà vật lý tài năng đang làm việc cho dự án Tube Alloys của Anh. Đây là dự án nghiên cứu sản xuất uranium-235 tinh khiết, tiền đề cho Dự án Manhattan – dự án chế tạo bom hạt nhân đầu tiên của Mỹ được thực hiện với sự hỗ trợ của Anh và Canada.
Các tài liệu của Cơ quan tình báo Anh (MI5) và tài liệu của tình báo Đông Đức mới được giải mật đều cho thấy, trước và sau chiến tranh, rất nhiều tài liệu mật về chương trình hạt nhân của Anh đã bị Klaus lấy cắp và chuyển cho Liên Xô thông qua Sonya. Theo tính toán, sự phản bội của Klaus đã giúp Moscow rút ngắn được ít nhất 2 năm nghiên cứu trong chương trình hạt nhân của nước này.
Tồi tệ hơn, hoạt động của bộ đôi gián điệp này cũng đã làm sụt giảm đáng kể uy tín của cơ quan tình báo Anh. Bởi, theo các tài liệu của MI5 mới được giải mật, cơ quan này đã được cảnh báo về sự nguy hiểm của Sonya và anh trai của bà ta là Jurgen nhưng vì chủ quan, khinh địch nên họ đã không có động thái ngăn chặn.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Có thể nói, toàn bộ câu chuyện về sự nghiệp gián điệp của Kuczynski bắt đầu bằng hành trình tới London, Anh vào năm 1933 của việc anh trai của bà ta là Jurgen Kuczynski. Là một nhà kinh tế học thống kê xuất sắc mới gần 30 tuổi, Jurgen tới Anh với danh nghĩa một người tị nạn đang tìm cách trốn chạy khỏi sự tàn ác của Đức Quốc xã.
Song, các sử gia về sau cho rằng, trên thực tế, khi tới Anh, Jurgen đã là 1 điệp viên của Liên Xô và mục đích của chuyến đi là để xây dựng mạng lưới gián điệp ở đây. Người em gái tên Ursula với mật danh Sonya chính là trợ lý tích cực của Jurgen trong hành trình này.
Sonya được nói ở đây có tên đầy đủ là Ursula Ruth Kuczynski, sinh năm 1907 ở Berlin, Đức. Sinh trưởng trong một gia đình giàu có, có cha là một nhà kinh tế học có tiếng nhưng Ursula lại sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản. Năm 1924, bà gia nhập nhóm thanh niên của đảng Cộng sản Đức, tích cực hoạt động trong phong trào này cho tới khi trở thành đảng viên Đảng cộng sản Đức năm 19 tuổi.
Về sau, bà mở một thư viện và bắt đầu viết bài cho các tạp chí của Đảng cộng sản Đức. Năm 1930, bà theo chồng tới Trung Quốc làm ăn. Tại đây, biết được cảm tình của bà, Richard Sorge – một đảng viên Đảng Cộng sản Đức và là người đứng đầu cơ quan tình báo Liên Xô tại Viễn Đông – đã tìm đến bà để đề nghị cùng tham gia hoạt động tình báo. Ursula về sau miêu tả cuộc gặp với Sorge là một trong những sự kiện có tính chất quyết định tới cuộc đời bà.
Chính Sorge là người đã đặt cho Ursula mật danh Sonya và đề nghị bà tới Moscow để tham gia khóa đào tạo gián điệp và liên lạc qua radio tại trụ sở cơ quan tình báo Liên Xô GRU. Sau khi hoàn tất khóa đào tạo, Ursula trở về Trung Quốc với nhiệm vụ thiết lập liên lạc giữa những người cộng sản ở Trung Quốc với Liên Xô, đồng thời giúp tổ chức lực lượng kháng chiến chiến đấu chống quân Nhật ở khu vực Mãn Châu cũng như theo dõi các hoạt động của quân Nhật ở đây.
Năm 1938, sau khi đưa các con về Anh sinh sống ổn định, Ursula được điều tới Thụy Sỹ, khi đó đang là trung tâm của các mạng lưới gián điệp của châu Âu như Rote Kapelle hay Đường dây Lucy vốn được những điệp viên ở Anh sử dụng để chuyển thông tin tình báo về Đức tới Liên Xô. Năm 1940, bà kết hôn với một đồng nghiệp người Anh nên được trao quyền công dân Anh và đã cùng chồng tới Anh chỉ ít ngày trước khi bị giới chức Thụy Sỹ phanh phui chuyện làm gián điệp.
Klaus Fuchs |
Nữ điệp viên xuất sắc nhất
Tại Anh, thông qua Jurgen, Ursula kết nối được với Klaus Klaus, khi đó đang là một nhà vật lý đang làm việc tại trung tâm nghiên cứu hạt nhân Harwell của Anh và thuyết phục được người này bán tin mật cho Liên Xô. Để thuận tiện cho việc trao đổi thông tin, Ursula thuê một căn nhà nhỏ ở một ngôi làng hẻo lánh ở gần Harwell. Mỗi lần cần trao đổi thông tin, 2 người lại đóng giả làm một cặp tình nhân lãng mạn để vừa đi vừa nói chuyện như đã nói ở trên.
Việc gặp gỡ này cũng được tiến hành rất tinh vi, mà như Ursula về sau nhớ lại: “Tôi và Klaus không bao giờ gặp nhau quá nửa giờ nhưng cũng không gặp nhau quá ngắn. Thật ra, chỉ cần 2 phút là đủ để trao đổi thông tin nhưng chúng tôi không làm vậy vì việc đi cùng nhau một quãng đường ngắn sẽ ít gây chú ý hơn so với việc chỉ gặp chớp nhoáng rồi tách ra”.
Hoặc, khi không tiện gặp mặt, theo thỏa thuận, vào buổi tối, Klaus sẽ lén ném những quyển tạp chí trong đó có chứa những thông tin đã được mã hóa qua hàng rào dây thép gai ở trung tâm Harwell cho Ursula.
Tại thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp vào các năm 1942-1943, Ursula đã chuyển về cho Moscow những tài liệu vô giá về hoạt động chế tạo bom của Anh do Klaus Klaus tuồn ra, bao gồm các bí mật hạt nhân của Anh và về sau là cả những bí mật từ phòng thí nghiệm của Mỹ ở Los Alamos.
Những tài liệu mới được giải mật gần đây cho biết, Ursula cũng chính là người kiểm soát Melita Norwood – gián điệp người Anh phục vụ cho Liên Xô trong thời gian dài nhất. Trong Chiến tranh thế giới II, Norwood làm việc cho Hiệp hội nghiên cứu phi kim của Anh và sau đó là trợ lý Giám đốc BN-FMRA G. L. Bailey – một thành viên của ủy ban cố vấn Dự án Tube Alloys.
Ở vị trí này, Norwood được tiếp cận những tài liệu mà theo miêu tả của Moscow là “rất đáng quan tâm và có giá trị trong việc phát triển bom hạt nhân”. Mãi đến năm 1999, hoạt động gián điệp của Norwood mới bị phát giác.
Theo một quan chức tình báo Liên Xô, chính Norwood là người đã cung cấp thông tin về phản ứng của uranium dạng kim loại ở nhiệt độ cao – thông tin đã giúp Liên Xô có thể thử nghiệm bom nguyên tử sớm hơn đến 4 năm so với dự đoán của tình báo Anh và Mỹ, từ đó giúp nước này có được lợi thế quan trọng trong tương quan lực lượng thế giới.
Trên thực tế, cơ quan phản gián Anh lúc bấy giờ cũng đã nhận được một số thông tin đề cập đến nghi vấn về một đường dây gián điệp nguy hiểm của Liên Xô nhưng đã chủ quan không tiến hành điều tra về thông tin này. Nhờ những kỹ năng sống và hoạt động gián điệp cộng với sự nhạy cảm vốn có, Ursula đã luôn có thể đi trước một bước trước khi bị phát giác.
Chỉ đến năm 1947, sau khi điệp viên Liên Xô Alexander Foote đào tẩu và tố giác, giới chức Anh mới nhận thức được sự tồn tại của một đường dây gián điệp ở nước này và bắt đầu lần tìm các thành viên trong đường dây. Năm 1949, sau khi từ Mỹ trở về, Klaus đã bị bắt giữ và sau đó bị kết án 9 năm tù giam vì tội hoạt động gián điệp. 1 ngày trước phiên tòa mà ở đó Klaus đã khai ra đầu mối tiếp nhận thông tin của ông ta, Ursula và anh trai đã nhanh chân trốn thoát tới Đông Đức.
Sau vụ việc của Klaus, Ursula đã dừng hoạt động gián điệp nhưng vẫn tích cực hoạt động vì chủ nghĩa xã hội. Về sau, bà chuyển sang nghề viết lách và có được những thành công đáng kể, bao gồm 1 tiểu thuyết hồi tưởng về quá trình làm gián điệp và 1 cuốn tiểu thuyết viết về 1 nữ dân quân ở Anh…/.