Trong trường hợp không may bị vỡ thiết bị y tế, đặc biệt là cặp nhiệt kế bằng thủy ngân, các bậc phụ huynh nên bình tĩnh xử lý tình huống, không cuống khiến trẻ em nuốt sâu hơn thủy ngân hoặc sặc thủy ngân dẫn tới đe dọa tính mạng.
Nếu không may làm vỡ nhiệt kế thủ ngân phải nhanh chóng đưa trẻ và người thân ra khỏi phòng, tránh trường hợp thủy ngân bay hơi tan trong không khí làm hại phổi.
Nên thay toàn bộ quần áo đề phòng trường hợp thủy ngân dính vào người. Cần rửa sạch tay bằng xà phòng và nước hoặc rửa mắt bằng nước muối sinh lý.
Để làm sạch quần áo dính thủy ngân, nên ngâm nước lạnh và nước xà phòng ở nhiệt độ 70-80 độ C, ngâm tiếp 20 phút ở nhiệt độ cao trong nước pha chất tẩy rồi mới xả bằng nước.
Thu dọn hạt thủy ngân trên sàn bằng cách đeo găng tay, dùng bông tăm ướt hay giấy mỏng đặt sát xuống nền để gạt thủy ngân vào. Thủy ngân sau khi được thu gom xong phải để trong hộp kín, tránh đổ thủy ngân xuống cống vì có thể làm ô nhiễm nguồn nước.
Khi trẻ có dấu hiệu bị nhiễm thủy ngân như ngậm cặp nhiệt kế bị vỡ, không nên tìm mọi cách lấy thủy ngân như móc họng hoặc bắt trẻ nôn ra… mà cần bình tĩnh để trẻ không hoảng loạn. Trong lúc chờ đợi hãy cho trẻ uống thật nhiều nước và lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sỹ có biện pháp can thiệp, giải độc kịp thời.