Cải cách hành chính phải thực chất, hiệu quả

(PLVN) - Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã yêu cầu như trên khi chủ trì tọa đàm diễn ra ngày 19/7 nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2018 và thảo luận giải pháp nâng cao hiệu quả công tác CCHC của Bộ trong thời gian tới.

Bộ Tư pháp thăng hạng 3 năm liên tiếp

Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, tổng số điểm Chỉ số CCHC của Bộ năm 2018 đạt 86,53/100 điểm – xếp thứ 3/18 bộ, là năm thứ 3 liên tiếp Bộ tăng giá trị điểm và thăng hạng trong đánh giá Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ. Điều đó thể hiện sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ cũng như sự nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ. 

Tổng giá trị điểm số của Bộ Tư pháp đều tăng giá trị đối với điểm chấm qua thẩm định cũng như đánh giá điều tra xã hội học. Phân tích 7 lĩnh vực đánh giá chỉ số cải cách cấp bộ năm 2018 có thể thấy rằng công tác chỉ đạo điều hành CCHC và xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức là 2 lĩnh vực dẫn đầu trong các lĩnh vực CCHC của Bộ, đều đạt tỷ lệ hoàn thành trên 90% theo yêu cầu, riêng lĩnh vực xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức đạt 100% số điểm chấm thẩm định. 

Bên cạnh việc có nhiều kết quả khả quan trong các nội dung CCHC thuộc diện chấm điểm thẩm định thì Bộ Tư pháp cũng đạt giá trị điểm, vị trí xếp hạng cao hơn ở nội dung đánh giá thông qua điều tra xã hội học. Kết quả này phản ánh sự nhìn nhận cũng như ủng hộ tốt hơn của người dân, tổ chức đối với việc thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ CCHC của Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, qua rà soát điểm trừ của Bộ Tư pháp thì còn một số hạn chế như chưa đạt tiến độ trong thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng quy định việc xin lỗi người dân, tổ chức khi trễ hẹn giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính… Đối với chỉ số hài lòng về các dịch vụ công lĩnh vực tư pháp thuộc diện đo lường năm 2018, vẫn còn 1 chỉ số về việc tiếp nhận, giải quyết góp ý,  phản ánh, kiến nghị chưa đạt mục tiêu 80%, trong đó, chỉ số này ở cấp cơ sở còn đạt dưới 70%. 

Mong muốn các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, phối hợp với Bộ Tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, ông Hoàn đặc biệt lưu ý các đơn vị thuộc Bộ chú trọng hơn nữa việc kiểm tra, theo dõi, đánh giá thực hiện nhiệm vụ CCHC tại đơn vị, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những nội dung CCHC bị trừ điểm. Một trong những vấn đề cần lưu tâm là số điểm qua điều tra xã hội học của Bộ vẫn thuộc nhóm trung bình nên các đơn vị cần thường xuyên nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc trong công tác tư pháp địa phương, đảm bảo kịp thời hơn việc hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, trả lời kiến nghị của địa phương.

CCHC là quá trình cố gắng liên tục, không ngừng

Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Ngô Quang Phát nhận định, kết quả tích cực của Bộ Tư pháp đã được Chỉ số CCHC ghi nhận, việc đánh giá là rõ ràng, khách quan. Đánh giá cao việc liên tiếp thăng hạng của Bộ Tư pháp, ông Phát cũng băn khoăn khi mà chỉ số tự đánh giá của Bộ không cao với tổng số 37,5/100; về điều tra xã hội học, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đánh giá xếp 11/19 bộ, cán bộ thực hiện CCHC đánh giá xếp 14/19 bộ, còn lãnh đạo sở, phòng thuộc Sở Tư pháp lại đánh giá Bộ Tư pháp rất cao, đứng thứ 2/19 bộ. Ông Phát cho rằng, Bộ Tư pháp cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền đối với chính đội ngũ lãnh đạo đơn vị và cán bộ thực hiện công tác CCHC trong Bộ, đồng thời tập trung cải thiện 4 tiêu chí thành phần chưa đạt kết quả cao. 

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan thì thẳng thắn chỉ ra một số điểm mà Bộ Tư pháp có nguy cơ tụt hạng và mất điểm trong năm tiếp theo. Theo ông Phan, mặc dù Bộ Tư pháp đứng thứ 3 năm 2018 nhưng xét giá trị điểm tuyệt đối lại cách xa so với cơ quan đứng thứ 2 và đứng rất gần với cơ quan đứng thứ 4… nên Bộ Tư pháp cần phải tiếp tục xem xét thêm.

Chia sẻ thực tiễn từ cơ sở, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Tống Thị Thanh Nam cho hay, Hà Nội là một trong những địa phương phải xin lỗi người dân, tổ chức do chậm, muộn giải quyết hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) mà nhiều trường hợp không phải nguyên nhân từ cơ sở. LLTP là lĩnh vực đụng chạm đến người dân rất nhiều, chậm muộn như thế thì đương nhiên sự hài lòng không thể cao được nên bà Nam đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu tháo gỡ cho các địa phương.


Lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng còn nhiều điểm Bộ Tư pháp phải cố gắng hơn nữa để công tác CCHC thực chất, hiệu quả. Cảm ơn các ý kiến thẳng thắn giúp Bộ Tư pháp nhìn nhận vấn đề, Thứ trưởng Ngọc tâm niệm, nhiệm vụ CCHC phải cố gắng liên tục, không ngừng mới có thể đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng của người dân, tổ chức.

Chia sẻ nguy cơ tụt hạng, mất điểm của năm 2019 là hiện hữu, Thứ trưởng cho rằng có những vấn đề cần thêm thời gian như thể chế, công tác phối hợp nhưng cũng có những vấn đề mà Bộ Tư pháp bị mất điểm hoàn toàn do chủ quan. Quan niệm công tác CCHC đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các đơn vị, Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị cùng suy nghĩ, trăn trở, tham mưu để hoàn thiện trong chính lĩnh vực do mỗi đơn phụ trách. 

Nhấn mạnh mục đích CCHC là thực chất, hiệu quả nhưng theo Thứ trưởng, quan trọng hơn là phải tăng được giá trị điểm. Để bảo đảm công tác CCHC hiệu quả, thực chất trong thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị cùng nhau rà soát lại dịch vụ công trực tuyến, sao cho tốt hơn, nhanh hơn chỉ tiêu Chính phủ giao; rà soát lại quy trình, thủ tục nội bộ để đạt được sự hài lòng của các đơn vị thuộc Bộ.


Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng đã trao tặng Bằng khen của Bộ Tư pháp cho 7 tập thể và 24 cá nhân đã có thành tích, đóng góp trong thực hiện nhiệm vụ CCHC của Bộ Tư pháp giai đoạn 2014 – 2019.

Đọc thêm