Cải cách thủ tục hành chính: Dân chưa “mặn mà” với phản ánh, kiến nghị

Sau những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) trong quý I năm 2012 đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề được đặt ra, nhất là tiến độ thực thi một số TTHC chậm và người dân, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc phản ánh sự phức tạp của các quy định hành chính.

Sau những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) trong quý I năm 2012 đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề được đặt ra, nhất là tiến độ thực thi một số TTHC chậm và người dân, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc phản ánh sự phức tạp của các quy định hành chính.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Nêu đích danh các Bộ, ngành chậm triển khai

Theo báo cáo của Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ), trong số 4.751 TTHC đã được Chính phủ thông qua phương án đơn giản hóa, các Bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa và đang trình cấp có thẩm quyền văn bản để đơn giản hóa 3.485 TTHC. Trong đó, đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để hoàn thành việc đơn giản hóa 2.862 TTHC, đang trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để đơn giản 623 TTHC. Hầu hết các Bộ, ngành đều đã ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL làm cơ sở quan trọng cho việc thực hiện nghiêm túc, chuẩn mực hơn trong việc đánh giá tác động và tham gia ý kiến đối với các dự án, dự thảo VBQPPL có quy định về TTHC.

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan chia sẻ: Giá trị của đánh giá tác động nằm ở chỗ, nếu thực hiện việc đánh giá tác động theo đúng quy định của pháp luật thì sẽ hạn chế được sự “cài cắm” các TTHC trong các VBQPPL mới ban hành. Tuy nhiên, vẫn còn 6 Bộ, ngành là Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chưa chú trọng đến nhiệm vụ đánh giá tác động này.  

Bên cạnh đó, một số Bộ, ngành địa phương chưa thực hiện nghiêm túc quy định về công bố, công khai và cập nhật TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Quốc phòng…, khiến cho những kết quả của việc CCTTHC chậm đến với người dân, doanh nghiệp.

Phản ánh, kiến nghị quá ít so với thực tế

Một trong những vướng mắc của công tác CCTTHC hiện nay là số lượng phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính đến các cơ quan quản lý nhà nước chưa tương xứng với thực tế đang diễn ra. Thành thật mà nói người dân, doanh nghiệp hiện còn nhiều bức xúc về sự rườm rà, phức tạp của nhiều quy định hành chính hoặc hành vi không thực hiện đúng quy định của các cán bộ, công chức, cơ quan hành chính nhà nước khi giải quyết công việc liên quan tới họ. Tuy nhiên, theo kết quả thống kê thì trong quý I năm 2012, các Bộ, ngành, địa phương mới chỉ tiếp nhận được số lượng rất khiêm tốn: 148 phản ánh, kiến nghị, trong đó đã xử lý 83 phản ánh, kiến nghị.

Con số trên phản ánh một thực tế mà từ nhiều năm qua các cơ quan liên quan chưa khắc phục được. Đó là việc tổ chức tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp còn hình thức; các cơ quan hành chính chưa làm tốt việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; người dân và doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, tin tưởng vào việc xử lý từ cách thức cũng như kết quả; đặc biệt là kết quả xử lý chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.

Được biết, vào thời điểm hiện tại, Văn phòng Chính phủ đang xúc tiến việc dự thảo văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương về xây dựng Báo cáo tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các Bộ, ngành, địa phương, về thực hiện việc niêm yết, công khai TTHC và nội dung, địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính. Mong rằng, khi đã có văn bản hướng dẫn tình trạng này sẽ được cải thiện, người dân và doanh nghiệp sẽ tham gia tích cực hơn nữa vào công cuộc CCTTHC. 

Thục Quyên

Đọc thêm